“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hiểu khó khăn và hỗ trợ kịp thời người dân

Lê Phương, Theo VOV 08:24 22/04/2020
Chia sẻ

Đi từng ngõ, gõ từng nhà để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay trên cả nước.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã khẳng định, yêu cầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không chỉ để rà soát, nắm bắt tình hình dịch bệnh mà còn để kịp thời thấu hiểu những khó khăn, ảnh hưởng của người dân giữa đại dịch Covid-19. Theo đó, các lực lượng y tế, công an, Chữ Thập Đỏ và tổ dân phố, ban quản trị… đã được huy động và khẩn trương tiến hành rà soát, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những trường hợp khó khăn chính là các lao động tự do, những người chạy xe ôm, bán hàng rong… Bình thường thu nhập của họ đã thấp, nay lại bị nghỉ việc hoàn toàn nên khó khăn hơn. Còn với những trường hợp khó khăn thường xuyên, hay mất sức lao động, thì họ có nguồn bảo trợ xã hội và hỗ trợ hàng tháng hàng năm, do vậy họ không bị hụt hẫng về thu nhập.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hiểu khó khăn và hỗ trợ kịp thời người dân - Ảnh 1.

Những phần quà thiết thực như gạo, trứng, gia vị,... được phát tới tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

Hội chữ Thập Đỏ quận Thanh Xuân đã phối hợp với thành phố tổ chức phát những hàng hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận và thành phố. Những người tới nhận hỗ trợ chủ yếu là người lao động tự do ở các tỉnh, thành khác đang ở Hà Nội và những người lang thang cơ nhỡ. Với các đối tượng khó khăn trên địa bàn, đã có chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ trực tiếp tới từng gia đình.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hiểu khó khăn và hỗ trợ kịp thời người dân - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh - Chủ tịch hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân cũng trực tiếp tham gia vào các hoạt động hỗ trợ.

“Quận Thanh Xuân có 11 phường, các tổ dân phố là nơi sát sao nhất với các hộ gia đình và sẽ lên danh sách những hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp. Mức hỗ trợ tùy theo từng phường, tùy theo nguồn vận động được từ các nhà hảo tâm, từ chính người dân trên địa bàn và ngân sách dự phòng. Tối thiểu, mỗi hộ gia đình được phát 10kg gạo, có nơi được hỗ trợ thêm dầu ăn, chai nước mắm, gói gia vị và có thể cả tiền mặt. Hội Chữ Thập Đỏ quận hỗ trợ mỗi phường 10 suất khó khăn, mỗi suất 500.000 đồng”, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ quận Thanh Xuân nói.


Không chỉ tại quân Thanh Xuân, Hội Chữ Thập Đỏ, cùng các tình nguyện viên Chữ Thập đỏ trên địa bàn thành phố cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các điểm phát hàng hỗ trợ  người dân. Theo đó, các nhân viên, tình nguyện viên Chữ Thập Đỏ tham gia hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách 2m tại các điểm phát hàng hỗ trợ.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hiểu khó khăn và hỗ trợ kịp thời người dân - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên hướng dẫn người dân sát khuẩn tay và đeo khẩu trang đúng cách.

Tại quận Cầu Giấy, gia đình bà L.T.V ở phường Nghĩa Tân đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Bà V cho biết, cả nhà bà có tới 3 gia đình, với 7, 8 người cùng sinh sống trong một căn hộ tập thể.  Thu nhập chủ đạo phụ thuộc vào 2 vợ chồng bà V.


“Mỗi sáng, tôi đều đi bán bánh mì ăn sáng cho người dân, học sinh trong khu tập thể. Thời gian này học sinh nghỉ học, mọi người cũng được khuyên nên ngừng buôn bán, ở trong nhà phòng, chống dịch nên tôi cũng dừng buôn bán. Chồng tôi hàng ngày đi lái taxi. Nhưng từ khi có lệnh cách ly xã hội, dừng mọi hoạt động vận chuyển, cả 2 lao động chính trong nhà đều không có thu nhập trong mùa dịch”, bà V chia sẻ.

Cũng trên địa bàn phường Nghĩa Tân, gia đình bà T, có bà và con dâu là lao động tự do, vì dịch nên không có việc làm: “Con trai tôi đang tham gia nghĩa vụ quân sự không về được. Tổ dân phố cũng xem xét trường hợp gia đình tôi có người đang phục vụ đất nước và hiện không có thu nhập nên đã đưa vào danh sách đề nghị xem xét lên phường để tặng gạo và tiền cho 2 mẹ con tôi”, bà T xúc động nói.

Theo ông Phan Minh Tuấn, Tổ trưởng tổ dân phố số 5, phường Nghĩa Tân: “Từ ngày 1/4, tổ dân phố đã triển khai thực hiện hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, mất việc do dịch Covid-19 bằng cách cung cấp đồ ăn như gạo, dầu ăn, trứng, khẩu trang và tiền mặt cho 10 hộ gia đình trong tổ. Hiện nay đã cung cấp được 3 lượt. Mỗi suất bao gồm thức ăn, nhu yếu phẩm và 200.000 đồng tiền mặt. Bản thân tại tổ dân phố của ông không có hộ nào quá nghèo, chỉ có những người bị mất việc vì dịch Covid-19 nên không có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình khi thời gian nghỉ dịch kéo dài. Vì thế, địa phương vẫn quyết định hỗ trợ”.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hiểu khó khăn và hỗ trợ kịp thời người dân - Ảnh 4.

Bí thư chi bộ Phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) đến từng nhà thăm hỏi, động viên và tặng quà những gia đình khó khăn trên địa bàn Phường.

Là những hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, hơn ai hết những Tổ trưởng tổ dân phố là người sát sao và hiểu rõ nhất hoàn cảnh khó khăn của các hộ gia đình. Ông Lưu Thế Lập, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 Phường Bách Khoa, Quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Hiện tại trên địa bàn Tổ dân phố số 5 , phường Bách Khoa, có 11 hộ gia đình khó khăn trong diện nhận hỗ trợ của Phường. Tôi đã rà soát, lập danh sách đưa lên Phường các trường hợp và đã được thông qua. Sáng 22/4, phường sẽ thực hiện phát quà hỗ trợ cho các gia đình khó khăn trên địa bàn Phường tại UBND Phường Bách Khoa”.


Ông Lập cho biết, trên địa bàn có trường hợp gia đình anh N.V.C có 4 thành viên ở trong căn nhà chưa đầy 10m2. Anh Cảnh và con trai lớn đều đi chạy xe ôm, vợ hàng ngày đi rửa bát thuê, con nhỏ vẫn đang trong độ tuổi đi học, chưa đi làm. Vì dịch Covid-19 nên cả 3 đều mất việc, không có thu nhập. Hay diện khó khăn đặc biệt là gia đình anh N.T.L có 2 con sinh đôi 1 bị mù, 1 bị bại não. Vợ không có công ăn việc làm, gia đình rất khó khăn. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình, chăm sóc con đều phụ thuộc vào anh L nên trong đợt hỗ trợ này tổ trưởng tổ dân phố cũng đưa gia đình anh vào danh sách hộ gia đình khó khăn cần được hỗ trợ./.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hiểu khó khăn và hỗ trợ kịp thời người dân - Ảnh 6.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày