Nói về quy chuẩn ăn uống của người Nhật thì vốn có rất nhiều, từ việc không cắm đũa vào thức ăn cho đến việc không được kê đũa lên miệng chén. Tuy nhiên vẫn có nhiều lỗi sai khi ăn đồ Nhật rất cơ bản mà nếu không chú ý thì sẽ tự biến bản thân thành người bất lịch sự đối với bạn bè xứ Mặt trời mọc. Sau đây là những nguyên tắc đơn giản mà bạn rất dễ bỏ qua:
Bình thường, một số người có thói quen xoa hai chiếc đũa với nhau trước khi ăn, nhất là khi sử dụng đũa tre ăn một lần rồi bỏ. Đây là để làm bớt xơ gỗ để chúng không đâm vào tay. Tuy nhiên ở một số quán ăn Nhật Bản thì điều này được xem là thiếu tế nhị và thậm chí là xúc phạm đến món ăn.
Bạn nên biết rằng khi chấm sushi vào nước tương thì nên hướng mặt có cá xuống, nếu không nước tương sẽ thấm vào phần cơm, khiến cả miếng sushi bị mặn. Ngoài ra như vậy còn có thể làm cơm bị tơi, khiến rơi vãi lung tung trông rất thiếu thanh lịch.
Có lẽ bạn đã nghe về điều này rồi nhưng không biết lý do vì sao nó lại được xem là bất lịch sự. Người Nhật không hay gắp thức ăn cho nhau, và nếu có thì hãy để đối phương đặt nó vào chén của bạn chứ đừng đưa đũa của mình ra đón. Bởi vì trong nghi thức đám tang của người Nhật có phần chuyền tro của người đã khuất để đặt vào trong lọ đựng, một người cầm đũa gắp tro chuyền qua đũa của người thân khác. Hầu hết những đứa trẻ Nhật đều được người lớn răn dạy là không được làm điều này vì nó mang tới xui xẻo.
Việc không để lại đồ thừa là đức tính đáng quý không chỉ ở Nhật mà còn nhiều quốc gia khác nhau, nhưng bạn nên biết rằng ở Nhật thì điều này quan trọng gấp bội, gần như là nguyên tắc nhất định phải làm. Người Nhật nhận định việc bạn để thức ăn thừa theo nhiều cách, và không cách nào trong số đó là tốt cả. Thứ nhất là bạn đang ám chỉ chất lượng thức ăn tệ - vì chỉ có như thế thì bạn mới bỏ dở. Thứ hai là bạn đang phí phạm tài nguyên. Nhật Bản là một đất nước từng có thời gian nghèo khó và khan hiếm thức ăn vô cùng, và họ có thái độ tôn trọng gần như thành kín với thức ăn nên việc bỏ dở như vậy được xem là xúc phạm rất tệ. Vì thế thay vì gọi món thật nhiều thì hãy từ từ gọi thứ mình thích trước, nếu còn bụng thì hãy gọi thêm sau.
Đúng vậy, ăn sushi hay một số món ở Nhật đều cần phải theo một thứ tự nhất định. Ví dụ như khi gọi một phần sushi tổng hợp, bạn nên bắt đầu bằng những món các có màu trắng, vị nhẹ dịu hơn, rồi từ từ chuyển sang những món đậm đà, nhiều dầu mỡ hơn. Người Nhật cho rằng việc cảm nhận hương vị cần sự tinh tế và từ tốn, gần giống như leo một bậc thang vậy. Bạn phải leo từ dưới lên trên chứ không thể nhảy vọt lên mức cao nhất được. Trong thực tế, nếu lúc mới bắt đầu đã ăn ngay món gì quá đậm thì bạn sẽ không tài nào cảm nhận được vị các món nhẹ hơn và đó là phí phạm. Mặt khác, nếu có thì trước khi ăn món tiếp theo, bạn cũng nên nhai một lát gừng chua mỏng thường được phục vụ kèm sushi để "rửa vị".
Có một sự thật là người Nhật ăn rất chậm rãi, đây là vì ngay khi họ ăn xong thì các nhân viên quán sẽ mong rằng họ đi ngay. Đây không phải là điều bất lịch sự mà là quy củ chung cho hầu hết các quán ăn Nhật Bản. Bởi vì người Nhật cho rằng nơi nào việc nấy, quán ăn dành cho ăn uống, bạn có thể trò chuyện hoặc ngồi lâu ở các quán cà phê, quán trà... còn ở những quán ăn thì bạn nên chuẩn bị đi ngay sau khi thanh toán. Việc ngồi lâu ngay cả khi thanh toán và dọn dẹp xong sẽ khiến nhân viên quán và những khách mới vào tìm chỗ ngồi khó xử.