Để di chuyển khoảng 10km trong nội đô mất 35 - 40 phút bằng xe máy hay 60 - 70 phút bằng ô tô và nếu tắc đường thì thời gian di chuyển còn nhiều hơn nữa nhưng nếu đi Metro thì chỉ mất khoảng 13 - 20 phút vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Và đường sắt Cát Linh Hà Đông trong gần 1 tuần qua đã vận chuyển trên 150.000 hành khách.
5,7 triệu xe máy, gần 700.000 ô tô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh tham gia giao thông tại Hà Nội, mật độ phương tiện cá nhân cao; ùn tắc thường xuyên xảy ra; ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động và đường sắt đô thị được kỳ vọng là sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện giao thông ở Thủ đô.
Để người dân thuận tiện đi lại hơn, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị 4 quận là Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông phối hợp với Công ty Metro Hà Nội bố trí thêm các điểm gửi xe tại các ga tàu của tuyến Metro này.
Mỗi chuyến tàu vận chuyển tới 960 hành khách, năng lực vận tải lên tới 30.000 - 40.000 hành khách/giờ/hướng, đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận chuyển số lượng lớn, tốc độ cao, tuyến xa, đảm bảo giờ giấc, tiết kiệm hao phí xã hội lên đến cả chục nghìn giờ di chuyển trên đường mỗi năm. Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị trong trung tâm và kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven đô.
Ngoài Cát Linh Hà Đông hơn 13km vừa đưa vào vận hành thương mại, Thành phố đang tập trung cao độ cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hơn 12 km, trong đó có 8,5km đi trên cao dự kiến khai thác vào cuối năm 2022.