Một đứa trẻ bước ra khỏi mái nhà quen thuộc vì muốn thấy thế giới rộng lớn hơn cha mẹ, hàng xóm, ngôi trường và định kiến tái diễn suốt tuổi thơ. Người trẻ bước đi vì thời thanh niên chưa nhuốm màu bụi, chưa cào xước tâm trí. Trái tim căng ra hứng đầy những cảm xúc mới mẻ, làm đầy thêm ánh mắt chưa một lần thấy điều kỳ lạ trong đời.
Chuyến đi bắt đầu khi ta muốn nhìn thấy thế giới, thấy những biến động, so sánh với mọi cảm giác đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày tù đọng của mình.
Dần dần, con đường sẽ hóa thành những sở thích riêng biệt, nơi kẻ đi muốn tìm gặp thế giới trong chuyện trò, đắm mình trong công việc cộng đồng đầy bất trắc, đi tìm các ngọn núi, cánh rừng, hay đơn giản là tận hưởng mọi thiên đường mua sắm từng mơ gặp qua. Đến một lúc, chuyến đi trở thành sở thích.
Kẻ đi mang theo con đường như một gã bạn đồng hành gắn bó. Vì thế, gọi tên bất cứ hành trình nào như một thước đo là điều không thể chịu đựng được. Đi là phải thực hiện cung này. Số má phải biết lái xuyên đêm, chừng đó dặm đường, chỉ xài hết 5 triệu, đi 5 ngày 6 đêm, vài trăm đô hay vài ngàn đô vài ngàn km.
Đem số tiền "siêu ít" ra đo đạc cho một hành trình là biểu hiện tàn nhẫn như thể ta đã dán nhãn vào con đường một hằng số, định danh cho gã đồng hành một mã sử dụng trong chiếc thẻ ATM. Ta quên mất con đường là một hiện thực lớn hơn số tiền, số km, số ngày, số thời gian hay mọi thứ giới hạn nào đó.
Khán giả của những người đi đã sống quá lâu trong những giới hạn như "chỉ có vài triệu, làm sao dám đi", hay "mỗi lần đi, lại phải mất chừng này ngàn đô". Giới hạn yếu đuối tạo ra ảo tưởng. Nỗi sợ tạo ra các lằn vạch không ai bước qua. Ảo tưởng xây nên anh hùng.
Và những người DÁM ĐI với giá 4 -5 triệu tưởng rằng thực hành một chuyến đi theo cách ấy có thể khiến mình trở thành anh hùng.
Đi đến một vùng đất, tận hưởng mọi vẻ đẹp của nó, ngắm nhìn mọi con người tuyệt vời, nạp vào cơ thể những điều tốt đẹp nhất, sử dụng những phúc lợi được kiến tạo chân thành bởi thế giới đó, xong phủi đít, đứng dậy, ra về, tự hào vỗ ngực rằng mình không tốn bất cứ xu nào – đó chưa bao giờ là thái độ của một người đi thực sự.
Người trẻ bước đi vì thời thanh niên chưa nhuốm màu bụi, chưa cào xước tâm trí.
Trong một cuộc trò chuyện với kẻ lữ hành lão làng đã từng đi hàng ngàn chuyến trong đời, ông ngồi giữa đám bạn trẻ bên đống lửa và nói với chúng tôi: "Khi đến một vùng đất, đừng lấy tất cả mọi thứ của nó. Các bạn phải để lại cho nó một điều gì đó. Nếu bạn không nghèo khó, hãy mua chút gì đó của người địa phương, hãy trả phí cho người ngủ nhờ. Hãy để vùng đất đó còn có thể sống, để ta có thể quay lại, để những người đi mới còn đến được nơi này. Nếu bạn xài tất cả mọi thứ miễn phí, lấy đi hết tất cả, chẳng để lại gì, vùng đất sẽ còn lại gì, cho ai?"
Tôi sinh trưởng từ một thời đại mà du lịch như cái mề đay đầy xa xỉ của những thanh niên mới lớn. Ở đó, bữa cơm được đặt cao hơn một chuyến đi, tấm áo tới trường xa xỉ hơn ngày nghỉ cuối tuần rời thành phố. Ai cũng sợ đi xa, co cụm khi bước xuống phi trường nước ngoài, chui rúc trong những ký túc xá cô độc ở xứ người.
Ở thời đại ấy, những người biết mở miệng hỏi chuyến bay, đủ dũng cảm nai lưng đi làm kiếm tiền đi xa, đủ mạnh mẽ để trèo qua đống giấy tờ visa – đã là những anh hùng của chuyến đi. Người ta khoe chuyến đi như chiến công, khoe số dặm đường như số má, và tận cùng nhất của sự thực dụng, khoe số tiền như kẻ lọc lõi.
Nhưng thời đại ấy đã đi xa xa rồi. Giờ chuyến đi cũng chẳng khác nhiều vài bữa tối cuối tuần bù khú cùng bạn bè. Vé máy bay nhiều khi còn rẻ hơn một chầu nhậu. Đi một nước trong Đông Nam Á nhiều khi còn nhanh hơn bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Sách hướng dẫn, kinh nghiệm đầy ắp trên các diễn đàn thông tin.
Con đường hiền hòa, mọi thứ dễ dàng cho tất cả những ai muốn biến hành trình thành bè bạn.
Tại sao những kẻ đi vẫn cuồng điên để vỗ ngực tự xưng anh hùng? Tại sao chuyến đi vẫn cố gồng lên nhuốm màu "chinh phạt" bằng chuyến leo đèo ban đêm bi kịch gây tai nạn, bằng cuộc đua kịp giờ kỷ lục đầy dại dột năm nào cũng tạo ra các sự vụ đầy thảm khốc hay khoe nhau bằng số tiền "siêu rẻ", "siêu ít", "siêu khôn" trên đường?
Họ sẽ để lại gì trên con đường sau những cuộc chinh phạt hung hãn đến nhường ấy?
Ảnh minh họa.
Trong chuyến đi cuối mùa mưa cùng cậu bạn người Nga, cậu kể với tôi ba năm ở Châu Á: "Tôi đã đi hết cả Đông Nam Á bằng cách vẫy xe đi nhờ trên đường. Đó là cách duy nhất để không rơi vào những "bẫy" du lịch chỉ sắp đặt sẵn như điều du khách phương Tây mong muốn mà được gặp gỡ đời sống địa phương thật. Nhưng tôi luôn tính sẵn một khoản tiền để chia sẻ tiền xăng với người cho đi nhờ. Tôi sẽ hỏi trả tiền ở nơi xuống xe, và tuỳ họ có lấy hay không. Thay vì ngồi im trên xe bus 12 tiếng đồng hồ, tôi có thể nói chuyện với một tài xế tử tế nào đó nếu ông ấy biết tiếng Anh. Thế là đã được rất nhiều rồi."
Đã đến lúc chúng ta ngừng nói về cách "tận dụng" con đường, và hãy ứng xử với nó như người bạn bền vững sẽ theo ta đi trong suốt nhiều năm tháng dài tuổi trẻ đầy mơ ước.
Hành trình lộng lẫy, giấc mơ tuổi trẻ hồn nhiên, cảm giác về sự sôi động của đời sống bản địa hay những cung bậc mà ta không bao giờ có được trong cuộc đời hàng ngày bình lặng... tất cả xứng đáng với tuổi trẻ của mình.
Nhưng đừng bao giờ là một kẻ lữ hành lạm dụng!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả