Bà Lê Tuyết H., 64 tuổi, tạm trú Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội - bác gái của bệnh nhân 17, được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay trong đêm 6/3 khi Hà Nội ghi nhận ca bệnh dương tính Covid-19 đầu tiên.
Nhập viện, sức khoẻ bà ổn định, ăn uống bình thường, cơ thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng lâm sàng nào.
Ngày thứ 8, bệnh tình của bà diễn biến xấu. Sang ngày thứ 10, trong lúc đang xem vô tuyến, bà rơi vào trạng thái hôn mê. Cuối giờ chiều 15/3, bà có triệu chứng khó thở tăng lên. Đến 22h cùng ngày, biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy và chuyển bà tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị.
ThS.BS.Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu nhớ lại, chỉ sau mấy tiếng tình trạng bệnh xấu đi rất nhanh.
Sức khoẻ bệnh nhân 19 - bác gái bệnh nhân 17 hiện đã ổn định, tốt dần lên.
Đêm 18/3 - sau 3 ngày thở máy, bệnh nhân xuất hiện, oxy hóa máu tụt rất nhanh và thở máy tối ưu không thể đảm bảo được tình trạng oxy máu. Thời điểm đó, kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) là cách duy nhất để giữ mạng sống cho bệnh nhân.
Trong vòng 21 ngày, 30 chuyên gia đã có 14 buổi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, theo dõi các chỉ số của các bệnh nhân nặng trong mỗi giờ để có chiến lược điều trị kịp thời.
ThS. BS.Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực kể, nhóm bác sĩ đã họp khẩn cấp cùng Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời ê-kíp tốt nhất được huy động để thiết lập ECMO cho bệnh nhân 19.
May mắn, gần một tiếng sau, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã tạm thời ổn định. Mọi người phần nào cảm thấy nhẹ nhõm.
Đến ngày 4/4, bà H. đã có thể tự thở, cai ECMO, tình trạng tốt dần lên. Các bác sĩ nghĩ rằng đã đi được 70% chặng đường, cho đến thời điểm gần 1h sáng 8/4, bệnh nhân rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn.
"Thực ra bệnh nhân chỉ ngừng tuần hoàn 1 lần. Trong thời gian này, chúng tôi đã phải sốc điện tới 3 lần để nhịp tim bệnh nhân ổn định trở lại", bác sĩ Khiêm nói.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn trong hơn 40 phút thực sự là công việc rất khó khăn đối với đội ngũ y bác sĩ. "Chúng tôi đã phải ép tim liên tục cho bệnh nhân. Nếu ép tim không đúng kỹ thuật, bệnh nhân sẽ không thể đảm bảo được tuần hoàn, dù có duy trì được sự sống thì nguy cơ có các di chứng đặc biệt tổn thương não không hồi phục là rất cao".
Ê-kíp gồm 8 bác sĩ, điều dưỡng đã phải ép tim liên tục khoảng 100-120 lần/phút bằng tay. Họ thay nhau liên tục, vì công đoạn này tốn khá nhiều sức. "Người ép tim khỏe mấy thì tay cũng rã rời. Ép tim cho bệnh nhân được 30 phút chúng tôi nhận định nguy cơ phải buông bỏ. Rất mừng tới phút thứ 40 tim của bệnh nhân đã đập trở lại", bác sĩ Khiêm nói.
Đêm đó, mọi người thức trắng đêm.
"Khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn, chúng tôi đã đặt ra nguy cơ có thể tử vong. Nhưng khi nhịp tim đập lại, chúng tôi cảm thấy rất may mắn, nhưng chưa thể thở phào. 1h sáng trong ca trực, chúng tôi không ai có thể ngủ được", bác sỹ Mạc Duy Hưng – Khoa Hồi sức tích cực nói.
Bác sỹ Mạc Duy Hưng – Khoa Hồi sức tích cực.
Sau ngừng tuần hoàn, các cơ quan của bệnh nhân 19 đều bị tổn thương, phát sinh nhiều vấn đề như: suy tim, tổn thương tim nặng hơn, nhiễm trùng, suy thận, phải lọc máu, tổn thương phổi đều nặng hơn,… thậm chí Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã đề xuất cho bệnh nhân điều trị lại bằng ECMO.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nói rằng: "Chúng tôi khó có thể tưởng tượng 3 lần ngừng tuần hoàn mà vẫn quay lại được với cuộc sống, vì bình thường có khi ngừng 2 lần gia đình đã xin về. Lần này bác sĩ nỗ lực, gia đình cũng nỗ lực, đến nay bệnh nhân đã bắt đầu có tri giác trở lại, đã làm theo được những gì bác sĩ và điều dưỡng yêu cầu. Đó là sự hồi phục vượt cả tưởng tượng của chúng tôi".
Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực làm việc theo chế độ chống dịch, mỗi ca 12 tiếng các bác sỹ thay phiên liên tục để luôn có người theo dõi, chăm sóc bệnh nhân 19.
"Bà chưa thể đi lại được hoàn toàn và đang phải tập đi, nhưng chúng tôi rất mừng cho bà và cảm thấy may mắn một phần nhờ sự nỗ lực của mọi người và sự cố gắng của bệnh nhân. Tôi hy vọng, thời gian tới, bà sẽ hồi phục tốt".
Đến nay, sau hơn 2 tháng điều trị, bà H. đã có thể ngồi dậy, tự ăn uống và bắt đầu tập đi lại. Thời gian tới, bà sẽ sớm được Bộ Y tế công bố khỏi Covid-19.
ThS.BS.Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu.
BS.Nguyễn Trung Cấp nói rằng rất vui mừng khi bệnh nhân 19 - ca bệnh mà anh cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực rất nhiều, cuối cùng có thể phục hồi một cách diệu kỳ. Anh chia sẻ thêm, hiện nay, về cơ bản, phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của Việt Nam so với các nước trên thế giới không khác nhau, nhưng cách thức triển khai thì phải điều chỉnh để phù hợp với thể trạng từng bệnh nhân.
"Nó giống như chuyện chúng ta nấu ăn, công thức nấu không khác nhau, nhưng bàn tay nấu mỗi người khác nhau", anh nói.
Theo anh Cấp, thành công lớn nhất trong việc chống dịch Covid-19 đến thời điểm hiện tại chính là công tác dự phòng.
"Vì chúng ta đảm bảo công tác dự phòng tốt nên số lượng bệnh nhân không nhiều, nằm trong khả năng đáp ứng của các bệnh viện. Bên cạnh đó, nhờ sự ủng hộ rất lớn của người dân nên chúng ta mới phòng dịch thành công. Mỗi người dân đều tham gia, dịch bệnh đã được khống chế, không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng", anh Cấp nói.