Ngày 25/6, Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga, Liên đoàn các công đoàn độc lập Nga đã ra văn bản, kêu gọi chính phủ Liên bang Nga đưa ra quyết định về việc tiêm chủng bắt buộc cho toàn bộ dân số trưởng thành theo khuyến nghị của Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga, ngoại trừ những công dân có chống chỉ định tiêm chủng ngừa Covid-19, cũng như có mức kháng thể cần thiết, để ngăn chặn sự lây lan thêm của dịch bệnh và tiếp tục khôi phục mức độ phát triển trước đại dịch của nền kinh tế và thị trường lao động. Ngoài ra, các bên cũng kêu gọi người lao động đi tiêm phòng và người sử dụng lao động tận dụng các cơ hội có sẵn để tiêm phòng cho người lao động.
Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga Anna Popova cho biết, đến nay, việc tiêm chủng bắt buộc cho một số nhóm nghề nghiệp đã được áp dụng tại 10 khu vực của Liên bang Nga. Thêm tám khu vực nữa sẽ tham gia vào danh sách này bắt đầu từ thứ Hai (28/6).
Nga là nước cấp đăng ký cho vaccine đầu tiên trên thế giới để phòng ngừa Covid-19 vào tháng 8 năm ngoái, có tên là "Sputnik V". Đến nay Nga đã có thêm 3 loại vaccine nữa, đó là "EpiVacCorona", "KoviVak" và “Sputnik light”. Việc tiêm chủng ngừa Covid-19 được thực hiện rộng rãi ở tất cả các vùng của Nga từ giữa tháng 1 năm nay. Nhưng một phần nguyên nhân do người dân Nga không mặn mà với việc tiêm chủng, nên nước này đang bị tụt hậu "về tỷ lệ tiêm chủng so với nhiều nước”. Thời gian gần đây, khi số ca nhiễm mới dịch Covid-19 tăng lên nhanh chóng, chính quyền nhiều khu vực siết chặt các biện pháp hạn chế cũng như gia tăng kêu gọi, khuyến khích, thậm chí bắt buộc tiêm phòng đối với một số nhóm công dân, số lượng người đi tiêm vaccine mới đang tăng lên.
Hiện tại, gần 16,7 triệu người ở Nga đã được tiêm cả hai liều vaccine, với liều đầu tiên là 20,7 triệu người. Để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, theo ước tính của Phó Thủ tướng Nga Tachiana Golikova, cần phải tiêm phòng cho 60% dân số, tức là gần 69 triệu người.
Trong diễn biến liên quan, ngày 25/6, tại Nga đã ghi nhận tới gần 20.400 ca mắc Covid-19 mới, riêng tại thủ đô Moscow là hơn 7.900 người. Moscow cũng phá vỡ “phản kỷ lục” mới với tỷ lệ gần 15% trong số bệnh nhân nhập viện đang phải điều trị tích cực. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã ký một sắc lệnh mới, theo đó, ít nhất 30% nhân viên của các tổ chức ở thủ đô nên được chuyển sang phương thức làm việc từ xa, không bao gồm những người đã được tiêm chủng. Những người trên 65 tuổi và mắc các bệnh mãn tính, ngoại trừ những người đã tiêm vaccine, đều thuộc diện chuyển đổi sang làm việc từ xa.