Đề xuất dự án nhà ở hơn 500 căn, trung tâm thương mại phải có trạm sạc xe điện

Hà Linh/ VTC News, Theo vtcnews.vn 20:44 18/07/2025
Chia sẻ

Theo đề xuất, từ 1/7, dự án nhà ở trên 500 căn hoặc trung tâm thương mại có diện tích sàn lớn hơn 5.000m² phải bố trí ít nhất 1 trạm sạc xe điện và 1 tủ đổi pin.

Nội dung trên được đề cập tại đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM xây dựng, trình UBND TP.HCM.

Theo đó, để khuyến khích người dân chuyển từ xe xăng sang xe điện, yêu cầu đầu tiên là phát triển hạ tầng sạc điện. Đề án đề xuất nhiều giải pháp nhằm "gỡ khó" cho bài toán này.

Xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin trước 12/2028

Trong đề án chuyển đổi từ xe xăng sang xe máy điện với 400.000 tài xế xe công nghệ, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất đến hết năm 2029, toàn bộ xe máy vận tải hành khách, giao hàng qua các ứng dụng phải sử dụng xe điện.

Đặc biệt, từ tháng 1/2026, tài xế xe công nghệ muốn đăng ký hoạt động mới bắt buộc phải sử dụng xe điện, doanh nghiệp sẽ không ký hợp đồng với người sử dụng xe xăng.

Tuy nhiên, điểm nghẽn để vận động các tài xế đồng lòng ủng hộ xe điện hiện nay là trạm sạc.

Đề xuất dự án nhà ở hơn 500 căn, trung tâm thương mại phải có trạm sạc xe điện- Ảnh 1.

Đề xuất dự án nhà ở, hoặc trung tâm thương mại mới phải thiết kế đồng thời chỗ sạc ô tô điện và xe máy điện. (Ảnh minh họa: V-Green)

Tại TP.HCM, thống kê mới nhất cho thấy mới chỉ có khoảng 600 trạm công cộng đang vận hành, trong đó chủ yếu dựa vào một số các doanh nghiệp tư nhân như VinFast, Selex, MBI, chưa có hệ thống trạm sạc công cộng đồng bộ nào do Nhà nước đầu tư. Con số này mới đáp ứng dưới 10% nhu cầu dự kiến cho 350.000-400.000 xe máy công nghệ nếu đồng loạt chuyển đổi.

Hạ tầng trạm sạc và đổi pin còn sơ khai, chưa đáp ứng được nhu cầu nên rất nhiều chủ xe vẫn phải sạc pin tại nhà riêng.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng hạ tầng cần đi trước một bước, triển khai đồng bộ và kết nối tốt, mới tạo sự yên tâm cho người dùng xe điện khi quyết định chuyển đổi.

Do vậy, trong đề án đang hoàn chỉnh trình UBND TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển đưa ra mục tiêu xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng trước tháng 12/2028. Trong đó đảm bảo bán kính phục vụ quanh 800 m/trạm trong các phường nội thành và hơn 2 km tại các trục logistics liên tỉnh.

Các địa điểm công như bãi xe, cây xăng, chợ, UBND phường, công viên, trung tâm thương mại, nhà chờ xe buýt, chợ, công viên, khu công nghiệp – khu chế xuất ưu tiên bố trí điểm sạc, trạm đổi pin.

Đặc biệt ưu tiên xây trạm sạc tại quán cà phê, cửa hàng tiện lợi và bãi đậu xe, bãi giữ xe chung cư để tối ưu hóa thời gian chờ của tài xế. Các cửa hàng xăng dầu khuyến khích lắp tủ đổi pin/điểm sạc mini.

Để có mặt bằng, kiến nghị UBND phường xã công bố danh sách mặt bằng ưu tiên, áp dụng cho thuê ưu đãi hoặc miễn phí 1 - 3 năm đầu. Ưu tiên bố trí trạm sạc ở các đất công khó khai thác, như gầm cầu vượt, bãi giữ xe công, tầng hầm công sở, dải phân cách rộng từ 8m.

Đề xuất dự án nhà ở hơn 500 căn, trung tâm thương mại phải có trạm sạc xe điện- Ảnh 2.

Để tất cả tài xế xe máy công nghệ chuyển sang xe điện, TP.HCM phải phát triển 3.000 trạm sạc và đổi pin công cộng đến cuối năm 2028.

Đáng chú ý, đề án đề xuất ràng buộc dự án bất động sản “sẵn sàng EV”. Theo đó, từ 1/7/2025, dự án nhà ở có nhiều hơn 500 căn, hoặc trung tâm thương mại có diện tích sàn lớn hơn 5.000m² phải bố trí tối thiểu 1 trạm sạc nhanh 40kW và 1 tủ đổi pin 24 ngăn.

Đồng thời tất cả dự án nhà ở/căn hộ mới, yêu cầu phải thiết kế đồng thời chỗ sạc ô tô điện và xe máy điện với mức tối thiểu 1 điểm cho khoảng 20 chỗ đậu xe.

Ngoài ra, các dự án nhà ở, trung tâm thương mại xây dựng mới buộc phải bố trí tối thiểu 35% không gian đỗ xe tích hợp hạ tầng sạc điện. Chủ đầu tư được kiến nghị giảm 50% tiền sử dụng đất liên quan nếu hoàn thiện và bàn giao hạ tầng sạc đúng tiến độ.

Các dự án logistics, trung tâm phân phối được kiến nghị bắt buộc bố trí hạ tầng sạc chuyên dụng cho xe giao hàng.

Giải quyết băn khoăn cho tài xế xe công nghệ

Lo lắng lớn nhất của tài xế xe công nghệ hiện nay ngoài trạm sạc thiếu thì thời gian sạc quá dài.

Anh Ngọc Vỹ, một tài xế đang sử dụng xe điện chở khách ở khu vực phường Thủ Đức, cho biết xe của anh chỉ chạy hơn nửa buổi sáng là phải sạc. Anh thường sạc tại các quán cà phê có dịch vụ sạc xe điện và trong lúc chờ thì tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi hơn 2 tiếng đồng hồ mới đảm bảo pin chạy đến chiều tối.

Đề xuất dự án nhà ở hơn 500 căn, trung tâm thương mại phải có trạm sạc xe điện- Ảnh 3.

Xe máy điện có thể tiết kiệm cho tài xế công nghệ khoảng 5 triệu đồng/năm so với xe máy xăng. (Ảnh: Lương Ý)

Mỗi lần sạc, anh thường trả 10.000 - 15.000 đồng tùy xe còn dưới 50% pin hay trên 50%, có quán thu 20.000 đồng cho một lần sạc không phân biệt mức pin.

Anh cho biết chi phí sạc điện rất "nhẹ nhàng", nhưng lăn tăn của tài xế chạy xe điện là mất thời gian chờ sạc quá dài. Nhiều người cũng không thể sạc tại nhà trọ buổi tối do phòng trọ chật hẹp.

Ông Lê Thanh Hải cũng khẳng định thời gian sạc là một trong những rào cản lớn nhất đối với người có ý định chuyển sang xe máy điện, đặc biệt là tài xế công nghệ, khi họ phải di chuyển liên tục, áp lực về thời gian rất lớn.

"Kể cả với mẫu xe Camel của Selex được thiết kế dành riêng cho tài xế giao hàng, thì thời gian sạc cũng mất 4 tiếng là quá dài. Lựa chọn duy nhất với tài xế là sạc qua đêm. Nhưng hiện nay, hầu hết mẫu xe điện sử dụng pin ắc quy chì không cho phép tháo rời pin.

Người dùng buộc phải sạc xe tại các trạm đặt ngoài đường, hoặc trong khuôn viên chung cư và trung tâm thương mại. Chỉ các mẫu xe điện sử dụng pin lithium mới có thể tháo rời pin để sạc qua đêm tại nhà", ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, khi các trạm sạc tăng thêm, cùng nhiều mẫu xe điện mới gia nhập thị trường, những lo ngại của người dùng sẽ không còn.

Một khảo sát trong tháng 6 của nhóm thực hiện đề án cho thấy với tài xế công nghệ sử dụng xe máy xăng, tiền xăng là chi phí lớn nhất, chiếm khoảng gần 20% thu nhập sau khi đã trừ phí app. Bình quân tốn khoảng 70.600 - 100.000 đồng/ngày.

Theo biểu giá xăng RON95 tháng 6/2025, để đổ đầy một bình xăng (đi được 264km) của xe Honda Vision, tài xế phải chi khoảng 100.000 đồng.

Mỗi tài xế công nghệ ở TP.HCM di chuyển từ 80-120km/ngày, chạy trung bình 25 ngày/tháng. Như vậy, tài xế sẽ phải trả tiền xăng trên 800.000 đồng/tháng.

Trong khi theo biểu giá hiện tại, mỗi lần sạc đầy xe Evo200 Lite tại trạm sạc hãng chỉ tốn hơn 13.000 đồng, chạy được khoảng 200km.

Như vậy, cùng với hiệu suất sử dụng, tài xế xe máy điện trả khoảng 150.000 đồng tiền sạc điện/tháng, tiết kiệm được khoảng 650.000 đồng so với xăng. Đây là khoản chi phí rất lớn đối với tài xế công nghệ.

Nếu cân bằng cả chi phí vận hành và chi phí khấu hao của 2 loại xe, vẫn có thể thấy tài xế sẽ tiết kiệm được từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng nếu chạy xe điện, tương đương gần 5 triệu/năm.

Theo Đề án chuyển đổi xe điện, năng lực lưới điện là một trong những thách thức lớn khi chuyển đồng bộ từ xe xăng sang xe điện.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện TP.HCM chưa xem xét đến sự xuất hiện giao thông điện. Công suất sạc nhanh có thể lên đến 350 kW mỗi điểm sạc, nếu nhiều trạm sạc xuất hiện trong giờ cao điểm, áp lực lên mạng lưới phân phối điện sẽ rất lớn.

Để đảm bảo lượng điện, Đề án kiến nghị nâng cấp lưới điện và quản lý phụ tải. Đồng thời áp dụng biểu giá điện linh hoạt dành riêng cho trạm sạc hai bánh, gồm giảm 30% giá điện từ 23h – 5h, phụ thu 20% giờ cao điểm 17h – 21h, khuyến khích sạc đêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày