"Đệ nhất làng phong thuỷ" Trung Quốc: Đào tạo ra vô số kỳ tài, người dân làm nghề xem phong thuỷ có thu nhập "khủng" bất ngờ

Trung Hạ, Theo Thể Thao Văn Hoá 21:13 15/01/2023

Thầy phong thủy nổi tiếng của làng Tam Liêu có thu nhập hơn 10 triệu NDT/năm (gần 35 tỷ đồng) là chuyện bình thường.

Phong thủy là huyền học có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc và cũng là một nghề được công nhận. Cho dù lưu truyền đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, nghề này luôn mang màu sắc bí ẩn.

Phong thủy học lần đầu tiên nổi lên trong thời kỳ Chiến Quốc, bất kể có thể được giải thích bằng khoa học hay không, lưu truyền hàng thiên niên kỷ cho đến nay đã trở thành một nền văn hóa độc đáo.

Làng Tam Liêu - cái nôi của văn hóa phong thủy Trung Quốc

Ở Trung Quốc ngày nay, nhắc đến phong thủy, không thể không nhắc đến làng Tam Liêu tọa lạc tại thành phố Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tây. Nơi đây được mệnh danh là "Đệ nhất làng phong thủy Trung Quốc", "Cội nguồn văn hóa phong thủy Trung Quốc".

Đệ nhất làng phong thuỷ Trung Quốc: Đào tạo ra vô số kỳ tài, người dân làm nghề xem phong thuỷ có thu nhập khủng bất ngờ - Ảnh 1.

Làng Tam Liêu nằm giữa thiên nhiên đại ngàn ở trấn Mai Giáo, huyện Hưng Quốc. Nơi đây được cho là cái nôi của văn hóa phong thủy, nguyên nhân phải kể đến đại sư phong thủy Dương Quân Tùng vào cuối triều Đường.

Khi Dương Quân Tùng đi ngang qua làng Tam Liêu, phát hiện đất đai nơi đây màu mỡ và non nước bao quanh, nên đã quyết định ở lại cư ngụ. Để phong thủy học có người kế thừa và được truyền đời mãi mãi, Dương Quân Tùng thu nhận đệ tử ở trong làng, từ đó thôn dân học phong thủy ngày càng nhiều.

Từ thời Ngũ đại thập quốc đến triều đại nhà Thanh, làng Tam Liêu đã xuất hiện 24 vị quốc sư (tham vấn của Hoàng thất), 72 vị minh sư (người có học vấn uyên thâm chuyên môn), 36 vị chuyên trách phong thủy Hoàng gia, còn tham gia tuyển chọn địa điểm xây dựng của Minh Thập Tam Lăng, Tử Cấm Thành Cố Cung, Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh.

Do đó, làng Tam Liêu được gọi là "Đệ nhất làng phong thủy của Trung Quốc", có thể nói là xứng đáng với tên gọi của nó.

Văn hóa phong thủy của Tam Liêu đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Giang Tây, CCTV (Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc) đã từng đến đây để ghi lại chương trình "Địa lý Trung Quốc".

Thầy phong thủy - nghề thu nhập "khủng"

Hiện nay trong làng Tam Liêu có hơn 6.000 người, hơn 400 thầy phong thủy làm việc toàn thời gian, một số người trong số họ vẫn đang giảng dạy lớp học, để văn hóa phong thủy được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đệ nhất làng phong thuỷ Trung Quốc: Đào tạo ra vô số kỳ tài, người dân làm nghề xem phong thuỷ có thu nhập khủng bất ngờ - Ảnh 3.

Thầy phong thủy nổi tiếng của làng Tam Liêu có thu nhập hơn 10 triệu NDT/năm (gần 35 tỷ đồng) là chuyện bình thường.

Nhưng trong làng có nguyên tắc bất thành văn, đó là sau khi thầy phong thủy kiếm tiền phần lớn đều phải góp sức ủng hộ cho sự phát triển của làng Tam Liêu. Chính vì vậy, làng Tam Liêu mới có thể tồn tại ngàn năm.

Ngoài việc kiếm sống bằng nghề xem phong thủy, người dân trong làng đã phát triển mạnh mẽ tiềm năng du lịch, kinh tế nơi đây được cải thiện nhanh chóng. Nhiều du khách đến làng Tam Liêu với sự tò mò về phong thủy, không ít người đến “tầm sư học đạo”, những người dân có đầu óc kinh doanh đã mở các nhà trọ và nhà hàng trong làng.

Là nơi thấm đượm văn hóa phong thủy nổi tiếng trong cả nước, làng Tam Liêu có rất nhiều kiến trúc phong thủy. Làng Tam Liêu nằm trong một thung lũng nhỏ được bao quanh bởi ba mặt là núi, hai dòng suối uốn lượn xuyên qua làng, giống như một hình chữ "S" lớn, nhìn từ trên cao như mô hình Thái Cực.

Trong thôn hiện có hơn 10 ngôi miếu lớn nhỏ, trong "Tam tổ điện" thờ ba vị tổ sư Dương Công, Tăng Công, Liêu Công. Các công trình phong thủy như thất tinh trì, quy xà hội, hổ hình từ, cẩu hình từ, xà hình miêu nhãn từ... cũng được tu sửa ở các mức độ khác nhau do lượng khách du lịch đến làng Tam Liêu tăng lên.

Để tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch, ngoài cảnh quan thiên nhiên địa phương, người dân đã xây dựng một số cảnh quan nhân tạo đặc biệt. Ví dụ như tám điểm tham quan theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc của thôn, có nguyên lý cực kỳ giống với bản đồ bát quái.

Dân làng Tam Liêu rất thông minh trong việc kết hợp văn hóa truyền thống với kinh tế du lịch, tăng cường giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đó là lý do ngôi làng cổ nghìn năm tuổi này bước vào thế kỷ mới vẫn không bị loại bỏ bởi thời đại, mà thịnh vượng hơn.