Để điện thoại cạnh người khi ngủ, cẩn thận mắc chứng "tay nhanh hơn não" nhắn tin vô thức như zombie

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 15:15 06/12/2018

Lỡ gặp trường hợp này trong lúc đang nhắn tin với crush thì sao nhỉ?

Không phải tự nhiên mà nhiều lời khuyên đưa ra về việc chẳng nên để điện thoại cạnh người khi ngủ chút nào, vì những tác động của sóng di động có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Giờ đây, lời cảnh báo đó lại càng ngày càng có sức nặng hơn khi nhắc đến một dấu hiệu khá quái dị: Chúng ta có thể gần như nhắn tin một cách loạn lạc và vô thức cho bạn bè trong đêm, để rồi sáng hôm sau tỉnh dậy không nhớ gì về chuyện đó, như thể một giấc mơ xuyên bản thể vũ trụ.

Để điện thoại cạnh người khi ngủ, cẩn thận mắc chứng tay nhanh hơn não nhắn tin vô thức như zombie - Ảnh 1.

Dù sao thì cũng đừng lo lắng quá, vì tin vui là hành vi trên thực chất đã được khoa học tìm hiểu và chứng minh cụ thể, không phải con người đang trong giai đoạn biến đổi lên một giống loài như zombie đâu.

"Hành động nhắn tin bột phát trong lúc ngủ thường xuất hiện khi chúng ta đã rơi vào giữa trạng thái ngủ, chứ không phải lúc đầu buồn ngủ hoặc đang trằn trọc," chia sẻ bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Villanova (Mỹ). "Một tiếng chuông nháy báo hiệu tin nhắn mới có thể khiến chúng ta choàng tỉnh giấc và trả lời, nhưng đôi khi não bộ vẫn ngái ngủ, chưa theo kịp tốc độ phản xạ của bàn tay đang với lấy chiếc điện thoại. Vì thế, ngón tay thì cứ lả lướt tuôn chữ, nhưng vì trung tâm đầu não còn chưa tỉnh hẳn nên chúng ta chẳng nhận thức được đang viết gì, và cũng... chẳng nhớ về ký ức đó luôn."

Trong buổi điều tra mới nhất của họ, đã có 25% số sinh viên được hỏi thừa nhận có gặp tình trạng đó, và 72% trong số đó cho biết thêm rằng mình không hề nhớ gì về hành động nhắn tin này cả.

Để điện thoại cạnh người khi ngủ, cẩn thận mắc chứng tay nhanh hơn não nhắn tin vô thức như zombie - Ảnh 2.

Đừng để crush của bạn trằn trọc bực tức vì bị "bỏ bom" bất ngờ theo cách không thể hiểu nổi.

Dĩ nhiên, điều này nhiều khi chỉ gây ra hậu quả là những tràng cười vui vẻ vào sáng hôm sau, hoặc một chút bối rối khi kể lại nếu có lỡ "bỏ bom" cô cậu crush đang háo hức chờ tin nhắn đêm qua. Nhưng sâu xa hơn, nó cũng cho thấy việc đời sống sinh hoạt của con người đang dần bị ảnh hưởng bởi những thiết bị công nghệ, nhất là khi chúng can thiệp cả vào nhịp sinh hoạt ngủ nghỉ như vậy.

Vì thế, hãy chắc chắn kết thúc cuộc nhắn tin trước khi ngủ, hoặc đặt điện thoại vào chế độ máy bay/không làm phiền. Còn nếu một ngày nào đó mất toi cái kết có hậu của một câu chuyện ngôn tình đẹp như phim thì đừng hối hận khi không chịu làm theo lời khuyên nha.