1. Bắt đầu mọi thứ sớm, đừng trì hoãn
Năm cuối trôi nhanh hơn bạn tưởng bởi rất nhiều đầu việc phải hoàn thành. Không thể kéo dài thêm khoảng thời gian năm cuối, nhưng bạn có thể tận dụng và tiết kiệm được thời gian nếu bắt đầu mọi thứ sớm hơn thay vì cứ trì hoãn. Hãy chuẩn bị bài vở, nghiên cứu các bài tiểu luận ngay từ đầu năm học, bắt đầu ôn luyện bài vở ngay từ đầu học kì tránh trường hợp nước đến chân mới nhảy...
2. Hãy học cách quản lý thời gian
Quản lý thời gian của bạn không có nghĩa là bạn dành tất cả thời gian rảnh rỗi vào một đống bài tập, giáo trình, học và chỉ học. Dù năm cuối là khoảng thời gian vô cùng bận rộn nhưng bạn vẫn có thể dành thời gian cho bạn bè và tập thể lớp, trong khi vẫn đạt được thành tích cao khi ra trường. Hãy thiết lập lịch trình của riêng bạn, khi nào là thời gian để cho bản thân, bạn bè, khi nào chỉ nên tập trung học hành.
Mỗi chúng ta phải tìm được ra cho mình sự cân bằng giữa học tập và sinh hoạt hàng ngày, chỉ khi đó bạn mới thực hiện nó với năng lượng tràn trề nhất. Khi đã tìm ra được lịch trình đó, hãy nghiêm túc thực hiện, từng bước một, bạn sẽ thấy mọi thứ không quá khó khăn, việc học tập cũng được cải thiện vì bạn thật sự tự giác!
3. Đừng bỏ qua việc tập thể dục, nâng cao sức khỏe
Tác dụng của việc tập thể dục thế nào chắc ai cũng biết nhưng không phải ai cũng áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Đây chính là lý do khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, uể oải và không có tinh thần bắt đầu mọi thứ. Bởi bạn thiếu năng lượng cho một ngày mới học tập hiệu quả hơn. Vậy nên không chỉ sinh viên năm cuối, mà sinh viên nói chung đừng bỏ qua việc tập thể dục, nâng cao sức khỏe
4. Có thời gian ngủ nhất định
Bạn có thể bị cám dỗ cả đêm nói chuyện với bạn bè, hay cố hoàn thành nốt lượng bài vở lớn... nhưng điều đó chỉ nên xảy ra vài lần chứ không phải tất cả thời gian. Luôn đi ngủ sớm trước 12h đêm, thực sự ngủ ngon và ngủ trên giường là điều cần thiết cho sinh viên năm cuối. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng ngủ đủ giấc là điều tuyệt vời, giúp bạn tỉnh táo hơn vào ngày hôm sau. Ngoài ra, đừng quên một giấc ngủ trưa!
5. Sử dụng tài nguyên thư viện
Thư viện là một trong những địa điểm lý tưởng để sinh viên có thể học tập hoặc tìm kiếm tài liệu. Không gian yên tĩnh, đầy đủ bàn ghế, điều kiện ánh sáng cũng như một số giáo trình bạn có thể tìm thấy tại đây. Bên cạnh đó, nhiều thư viện có wifi, máy tính bạn có thể truy cập khi cần thiết mà không mất phí gì cả, thật tuyệt nhỉ?
6. Nâng cao kĩ năng mềm
Kiến thức chuyên ngành có được ở trường đại học là yếu tố quyết định giúp các sinh viên có thể lập nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài kiến thức chuyên môn, để vượt qua thử thách và những khó khăn trên bước đường phía trước, sinh viên năm cuối cần có và nâng cao các kĩ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng viết CV tìm việc và trả lời phỏng vấn tuyển dụng… Điều này là cần thiết bởi kỹ năng mềm lại quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc sau khi ra trường.
7. Tìm hiểu về đơn vị thực tập
Sinh viên năm cuối sẽ có một kì thực tập trước khi ra trường và bạn nên chủ động trong việc tìm hiểu đơn vị thực tập của mình. Thực tế đã có những trường hợp sinh viên không tìm hiểu cặn kẽ về nơi mà mình sẽ đến thực tập, điều này dẫn đến tâm lý bỡ ngỡ và hoang mang trong môi trường làm việc mới, nhiều điều khác biệt so với giảng đường đại học. Chính vì lẽ đó, trước khi bắt đầu kì thực tập hãy dành một khoảng thời gian nhất định tìm hiểu về công ty, tổ chức nơi bạn sẽ đến. Điều này có thể thực hiện dễ dàng qua Internet hoặc các mối quan hệ xung quanh như thầy giáo, bạn bè, người thân...