GS-TS-Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh ra ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Khi trưởng thành, trong lúc bạn bè đồng trang lứa vẫn theo Nho học, làm quan Nam triều, ông đã là một tri thức Tây học, chịu ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa Pháp. Ông học các trường của Pháp như Paul Bert, Albert Sarraut và năm nào cũng dẫn đầu lớp.
Năm 1927, sau khi đỗ Tú tài loại ưu, Nguyễn Mạnh Tường sang Pháp du học tại Trường Đại học Montpellier. Năm 1932, Nguyễn Mạnh Tường đỗ hai bằng Tiến sĩ: Ngày 28/5/1932 ông bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Luật Khoa. Tháng 7 cùng năm, ông lại bảo vệ luận án Tiến sĩ Văn chương. Nguyễn Mạnh Tường trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử hai nước Việt - Pháp.
Năm 1989, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Paris VII đã tuyên bố: "60 năm qua, không một sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư Việt Nam kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22".
Sau cách mạng tháng Tám 1945, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp.
Với tầm kiến thức rộng lớn, ông tham gia vào các Đoàn Đại biểu của Chính phủ kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hoà bình ở Bắc Kinh (Trung Quốc - 1952), Đại hội Hoà bình Thế giới ở Vienna (Áo - 1953), rồi làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles (Bỉ - 1955). Lập luận và trí thức uyên thâm của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ...
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã tham gia giảng dạy tại trường Bưởi (nay là trường Trung học Quốc gia Chu Văn An) cùng với các đồng nghiệp là những trí thức tài danh thời bấy giờ như Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn… Ông còn tham gia đào tạo trí thức phục vụ kháng chiến tại trường Dự bị Đại học Liên khu IV tại Thanh Hóa, Phó Giám đốc (nay là Phó Hiệu trưởng) trường Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là trường ĐHSP Hà Nội) khi miền Bắc mới giải phóng.
Sinh thời, ông Nguyễn Mạnh Tường có phát ngôn ấn tượng về đất nước: "Nhân dân đã trả lại cho tôi một Tổ quốc, lại cứu sống tôi, tôi nhất định sống và chết với nhân dân trên bờ cõi của đất nước".
Đến hiện tại đã hơn 80 năm trôi qua, kỷ lục của ông vẫn còn đó và chưa một ai đến gần nổi. Cho đến hiện tại, Nguyễn Mạnh Tường vẫn là trí thức Việt Nam có học vị cao nhất thời Pháp thuộc.
Cuối đời, GS-TS-Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sống ở phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngày 13 tháng 6 năm 1997, ông trút hơi thở cuối cùng ở nhà riêng vì bệnh tuổi già, thọ 89 tuổi.
Tổng hợp