Đây là lý do vì sao giấy mỏng manh thế mà cứa đứt tay thì đau thấu trời xanh

J.D, Theo Helino 13:29 30/07/2018

Bạn đã bị giấy cứa đứt tay bao giờ chưa? Để nói nhỏ nhé: nỗi đau ấy phải gọi là kinh khủng khiếp.

Bạn đã từng bị đứt tay vì một mảnh giấy chưa? Với những người thường xuyên phải làm việc với giấy tờ - như văn thư hoặc nhân viên photo - thì có lẽ đây là việc xảy ra như cơm bữa rồi.

Những vết cắt bằng giấy có 2 điểm chung. Đầu tiên là chúng đến vào những lúc chẳng ai ngờ: khi bạn đang vui vẻ với một đống giấy tờ (tưởng) vô hại thì đột nhiên nó xảy ra. Và hai, chúng đều mang đến những nỗi đau khủng khiếp thấu trời xanh, lắm lúc còn hơn cả dao cứa. 

Đây là lý do vì sao giấy mỏng manh thế mà cứa đứt tay thì đau thấu trời xanh - Ảnh 1.

Làm sao mà đau thế được nhỉ? Chỉ là giấy thôi mà? Ồ không đâu!

Gabriel Neal - phó giáo sư khoa Y ĐH Texas A&M cho biết nỗi đau do giấy gây ra không đơn giản như chúng ta nghĩ. Trước hết, nguyên do chính là vì các vết cứa từ giấy thường xảy ra tại những bộ phận quá nhạy cảm, như đầu ngón tay, môi hoặc lưỡi. 

Cần biết rằng hệ thần kinh trong cơ thể vốn phân bổ không đều. Một số bộ phận được ưu tiên dồn nhiều tế bào hơn, nhằm có được sự nhạy cảm đối với những thay đổi từ môi trường. 

Ngón tay, môi, lưỡi... là những bộ phận như thế, và chúng làm tốt đến mức những cơn đau thông thường cũng trở nên kinh khủng gấp bội phần. 

Đây là lý do vì sao giấy mỏng manh thế mà cứa đứt tay thì đau thấu trời xanh - Ảnh 2.

Thứ 2, đó lại là những bộ phận bạn có xu hướng sử dụng rất thường xuyên. Nếu không được băng lại, vết thương có khả năng sẽ hở miệng phần lớn thời gian trong ngày. Tin tôi đi, đó là một hình thức tra tấn tinh thần hết sức kinh khủng.

Và cuối cùng, đó là tiết diện của vết thương. Các vết cắt từ giấy thường rất hoàn hảo: mảnh, nhưng đủ sâu để chỉ gây tổn thương một phần dây thần kinh. Như vậy sẽ gây đau đớn kinh khủng hơn rất nhiều so với việc cắt đứt hoàn toàn dây thần kinh, vì khả năng truyền tải đau đớn vẫn còn đó. 

Nói ngắn gọn hơn thì khi bị giấy cứa, sợi thần kinh bị tổn thương nhưng vẫn hoạt động được. Còn bạn thì khốn khổ!

Phải làm gì để đỡ đau hơn?

Không chỉ đau, mà vết cắt từ giấy còn tiềm ẩn một mối họa lớn hơn.

Khác với các vật dụng khác, giấy là thứ ta không thể tẩy rửa hay khử trùng bằng các phương pháp thông thường. Thế nên, các cạnh của giấy chứa rất nhiều vi khuẩn, dễ khiến bạn nhiễm trùng.

Rửa sạch vết thương và nhanh chóng băng nó lại

Theo giáo sư Gabriel Neal thì nếu không may bị giấy cứa, hãy nhanh chóng rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sau đó băng nó lại. 

Tốt nhất bạn nên băng vết thương trong vài ngày (nhớ thay băng), nhằm hạn chế khả năng vết thương hở ra. 

Tham khảo: Science Alert