Fan hâm mộ nhà Táo và Android vẫn luôn có những trận khẩu chiến không ngừng từ trước tới nay, dù cho đôi khi nó hơi... thái quá và vô nghĩa khi lôi ra so sánh những thứ không liên quan đến nhau, và thường là bị khởi nguồn từ cảm tính hơn thua của một ai đó.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng iPhone là một thiết bị được Apple đầu tư và ưu ái thực sự nghiêm túc. Và đây là 5 minh chứng cho thấy sự cao tay của các "thầy phù thủy" đến từ Apple mà Android vẫn chưa thể có được.
Đây là thao tác đã xuất hiện từ chiếc iPhone 2G đầu tiên ra đời vào năm 2007. Cụ thể, khi bạn đang đọc báo, lướt web mà kéo giao diện trang màn hình xuống tít phía dưới rồi lại muốn trở về đầu trang, thì đừng mất công kéo ngón tay vuốt màn hình ngược lại làm gì cả. Chỉ cần chạm nhẹ vào phần đỉnh cạnh trên là xong thôi.
Còn nếu đang lo lắng chiếc iPhone X bị phần "tai thỏ" chiếm mất chỗ cần chạm? Hãy cứ làm như bình thường với 2 phần trống cạnh bên, vẫn hoạt động tốt nhé.
Có khi nào bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu vì vừa gõ ra một tin nhắn hay dòng ghi chú dài cực dài, mà chỉ vì lỡ tay động vào chỗ nào đó mà nó... mất sạch hay không?
Các hệ điều hành khác thì lo và phát rồ lên thôi, chứ riêng iOS thì chẳng hề vậy. Chỉ cần lắc thiết bị của bạn như iPhone, iPad, một lựa chọn "Undo" sẽ hiện lên để bạn ấn, có tác dụng như nút "Quay lại" hay tổ hợp "Ctrl + Z" trên Word Office đó.
3D Touch sẽ giúp chủ nhân thao tác tiện hơn khi hiện ra nhiều tính năng đi kèm lúc chọn giữ và nhấn mạnh một biểu tượng nào đó trên màn hình. Đặc trưng này chỉ xuất hiện từ thế hệ iPhone 6s/6s Plus trở đi (trừ iPhone SE dù ra sau iPhone 6s nhưng vẫn không có). Có rất nhiều mẹo nhanh nữa có thể được tìm ra với 3D Touch, và bạn sẽ cảm thật cực bất ngờ đấy.
Chắc đã đôi lần bạn cảm thấy mức âm lượng mà một ca khúc được làm ra đôi khi tự nhiên lại... nhỏ hoặc to hơn so với "mặt bằng chung". Vì thế, chức năng "Sound Check" chính là vị cứu tinh của bạn khi nó có thể tự phát hiện điều này và chỉnh âm ngay từ khi bài hát "lạc loài" đó bắt đầu, không cần bạn mất công chỉnh trong lúc nghe nó rồi lại phải chỉnh lại khi nghe xong.
Volume Limit thì quen thuộc hơn: Bạn sẽ được chọn mức âm lượng tối đa theo nhu cầu của mình, không còn lo lúc nào mình vặn volume quá trớn dẫn đến thủng màng nhĩ nữa, vì có chọn mức to nhất thì nó cũng chỉ... bình thường thôi, vì bạn đã cài đặt nó từ trước rồi chứ không như mặc định.
Nhiều người có thể tự hỏi tính năng này thì khác quái gì Trung tâm Thông báo trên các máy Android, cũng hiển thị lên tiến trình chơi nhạc ở bất kỳ ứng dụng nào đang chạy.
Thế nhưng, điều khiến iOS nổi bật nằm ở chỗ kể cả khi bạn tắt hoàn toàn ứng dụng - dù là Apple Music, Spotify hay nhaccuatui đi nữa - thì phần điều khiển nhạc trong Trung tâm Kiểm soát này vẫn giữ thông tin của riêng ứng dụng lúc đó và bạn dễ dàng khởi động lại tiếp. Còn Android thì sẽ kết thúc hoàn toàn luôn, không còn dấu vết, muốn mở lại thì phải làm từ đầu hết.
(Tổng hợp)