Nhiều bố mẹ rất quan tâm đến việc dạy con về quản lý tài chính, nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện hay duy trì được điều đó thường xuyên. Nhưng gia đình anh Thanh (hiện đang sống ở Hà Nội) thì lại khác. Vận dụng kiến thức đầu tư chứng khoán 13 năm và những kinh nghiệm trong việc dạy con, anh Thanh đã tạo ra thành quả khác biệt.
Sau hơn 3 năm tích cóp, 2 bạn nhỏ (Tâm Như - 10 tuổi và Ngọc Thành - 7 tuổi) đã đạt được con số tổng là 68,66 triệu đồng. Số tiền này có được thông qua việc con tiết kiệm, bố dạy con cách mang tiền đi đầu tư.
Cụ thể, anh Thanh tạo cho hai con riêng một tài khoản đầu tư ban đầu khi con gái Tâm Như vào lớp 1 là 20 triệu đồng. Sau đó hàng năm, 2 bạn nhỏ gom tất cả các khoản tiền gồm: tiền thưởng học giỏi, tiền thưởng các giải, tiền lao động làm việc nhà giúp bố mẹ, tiền lì xì, tiền thưởng thể dục thể thao đều đặn... rồi áp dụng phân chia theo quy tắc 6 chiếc hũ quản lý tài chính.
Anh Thanh cho biết: "Anh vốn đam mê đầu tư, muốn tập luyện thói quen tiết kiệm và đầu tư ngay từ nhỏ cho con. Mục tiêu tài khoản này sẽ tích lũy dần theo năm tháng đến năm 18 tuổi cho từng con rút ra lo việc học đại học".
Theo anh, tư duy quản lý tài chính, tư duy đầu tư nên hình thành một cách tự nhiên qua các hoạt động bình thường trong cuộc sống. Từ đó, con dần có trách nhiệm với các khoản chi tiêu của mình. Và các khoản đầu tư càng sớm thì theo thời gian, với sức mạnh của lãi suất kép, giá trị tài khoản đầu tư sẽ tăng trưởng đáng kể theo thời gian.
Ở nhà, vợ chồng anh Thanh làm 6 cái hộp nhỏ, yêu cầu mỗi khi con nhận được tiền gì thì phải phân chia tiền đó ra thành 6 phần bao gồm: chi tiêu thiết yếu (20%), giáo dục (10%), tiết kiệm (20%), đầu tư (35%), hưởng thụ (10%), và cho đi (5%). Do các con còn nhỏ, chi tiêu thiết yếu ít nên tỷ lệ này đã có sự thay đổi so với tỷ lệ ban đầu đề xuất, thỏa thuận giữa bố và con.
Khoản thu nhập của các con ngoài tiền thưởng học giỏi, tiền thưởng các giải, tiền lì xì chỉ cố định vào các dịp thì tiền lao động làm việc nhà giúp bố mẹ, tiền thưởng thể dục thể thao đều đặn được duy trì thường xuyên. Cụ thể anh Thanh cho biết: "Tiền công rửa bát vợ chồng mình đặt ra là 10.000 đồng/lần, lau nhà là 10.000 đồng/lần, phơi quần áo 10.000 đồng/lần, thể dục thể thao cũng là 50.000 đồng/tuần nếu đạt. Nhận tiền xong, con phải chia vào các lọ tài chính".
Đặc biệt, anh cũng có sự điều chỉnh đối với tính cách các con: "Tính cách hai chị em khác nhau. Trong khi cô chị Tâm Như học giỏi, chăm làm, tính lại tiết kiệm nên tích lũy được nhiều hơn cậu em Ngọc Thành với cá tính phóng khoáng, ga lăng. Vì con gái mình thì tiết kiệm không tiêu nên bắt có tiền hưởng thụ để tiêu. Còn con trai thì thoáng quá nên phải tiết kiệm để giữ. Hơn nữa phải tách biệt rạch ròi tỷ lệ góp vốn theo từng năm của 2 chị em để đảm bảo công bằng và chính xác, tránh việc sau này 2 con bì tị nhau".
Anh hào hứng chia sẻ thêm: "Các con được trao quyền quản lý tiền nên chịu khó học, chịu khó làm, chịu khó thể thao để kiếm thêm tiền thưởng, tạo được các mục tiêu và hoàn thành các mục tiêu đó trong cuộc sống. Nhờ vậy, con cũng có trách nhiệm hơn với đồng tiền mình kiếm được và không tiêu xài phung phí vì không dễ mà được thưởng tiền.
Sau hơn 3 năm, con gái Tâm Như đã biết phân bổ tiền thưởng theo đúng quy tắc, biết tiết kiệm tiền hàng năm để gia tăng vốn góp vào tài khoản đầu tư chứng khoán. Con cũng biết rằng mình khi sở hữu cổ phiếu là một phần sở hữu cả doanh nghiệp khổng lồ.
Với số tiền các con kiếm được, mình sẽ giúp các con đầu tư. Và thành quả sau 3 năm thật bất ngờ. Tính đến ngày 17/2/2021, cô chị có 41,2 triệu đồng, cậu em có 27,46 triệu đồng, tổng là 68,66 triệu đồng".
Tuy nhiên, trong quá trình dạy con quản lý tài chính, hai vợ chồng anh Thanh cũng gặp phải không ít khó khăn.
Anh Thanh cho biết: "Đầu tiên là thay đổi tư duy từ giữ tiền sang gửi ngân hàng. Lúc đầu, con chỉ muốn cất tiền vào lợn đất, mình phải tìm cách giải thích với con rằng để tiền trong lợn đất thì sau 1 năm số tiền đó vẫn không đổi. Nếu con gửi và nhờ ngân hàng giữ hộ tiền, mình khỏi lo mất mà lại còn có lãi. Cuối cùng con cũng đồng ý với lời đề nghị của bố.
Khó khăn thứ hai là thay đổi tư duy chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư. Mình nói chuyện cho con nghe về góp vốn cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán để con có thể hình dung nếu góp vốn mua cổ phần thì lợi nhuận có thể cao hơn ngân hàng. Thật bất ngờ, sau Tết năm 2019, mình cũng đã thuyết phục để con tự nguyện lấy một nửa tiền gửi tiết kiệm đầu tư thêm vào tài khoản đầu tư chứng khoán. Đó là tài khoản bố lập riêng cho 2 chị em từ đầu năm lớp 1.
Mỗi lần đầu năm cô chị đưa tiền cho bố đều dặn: "Bố đừng có đầu tư lỗ của con đấy".
Người ngoài khi biết việc anh Thanh dạy con quản lý tài chính và đầu tư từ sớm thì rất ngưỡng mộ và coi rằng đó là mô hình nên học tập. Bên cạnh đó cũng có quan điểm cho rằng dạy con tiếp xúc tới tiền từ sớm như vậy là không nên.
"Với mình, tư duy dạy con về tiền bạc từ sớm được người Do Thái áp dụng thành công như một truyền thống. Đáng tiếc là chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta chưa có nội dung dạy cho học sinh biết cách quản lý tài chính cá nhân nên khi lớn lên có người 30 tuổi rồi cũng chưa biết cách tích lũy, quản lý tiền bạc, lại càng không biết tới đầu tư", anh Thanh chia sẻ thêm.
Ngoài việc dạy con về quản lý tài chính, vợ chồng anh Thanh cũng chú trọng định hướng con chăm chỉ rèn luyện thể thao nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Bởi anh cho rằng có sức khỏe là có tất cả. Cả gia đình vẫn thường xuyên đăng kí các giải chạy.
Ngoài ra, con gái Tâm Như còn đạt được rất nhiều thành tích trong bộ môn cờ vua. Hai bạn nhỏ cũng được định hướng trau dồi ngoại ngữ để sau con đi du lịch nước ngoài có thể giao tiếp được với người bản xứ, tiếp cận thêm các nền văn minh khác trên thế giới.