Du xuân lễ chùa là một trong nhiều thói quen của người Việt vào những tháng đầu năm mới. Thông thường, một số chùa lớn sẽ tổ chức lễ hội xuyên suốt đến tận hết tháng 3 và Yên Tử, Quảng Ninh là một ví dụ. Nhiều người truyền tai nhau rằng nếu ai đi chùa Yên tử đủ 3 năm liên tiếp thì sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Khi đến đây, nhiều người quan niệm rằng thành tâm nhất vẫn là leo bộ từng bậc thang thay vì đi cáp treo.
Tương truyền, chùa Yên Tử là nơi vua Trần Nhân Tông tìm đến sau khi từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tại đây, ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ để tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Ngày nay, những địa điểm này trở thành nơi tham quan, vãn cảnh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều Phật tử ở các quốc gia khác cũng biết đến Yên Tử.
Chùa Đồng - đỉnh cao nhất của Yên Tử
Rất nhiều người đã đến đây du xuân, leo núi, ngắm cảnh
Từ Hà Nội có khá nhiều đường đi để đến được Yên Tử.
Hướng 1: Từ Hà Nội đi Bắc Ninh tới QL18, chạy thẳng sẽ tới đền Trình. Từ đây rẽ trái 10km sẽ tới Yên Tử.
Hướng 2: Di chuyển theo hướng Hà Nội - Hải Phòng: Từ trung tâm Hà Nội di chuyển theo QL5 khoảng 94km là tới Quán Toan. Sau đó, đi thẳng và rẽ tay trái ở ngã 3 đầu tiên và rẽ trái ở đoạn ngã 4 tiếp theo là tới chân cầu Kiền, tổng đoạn này là 6km. Tiếp theo, đi dọc QL10 rồi rẽ trái, tiếp tục đi khoảng 2km nữa là đến đền Trình Yên Tử.
Nếu đi xe riêng thì các gia đình có thể chọn 2 hướng trên, còn lại nếu là xe khách thì sẽ đi tuyến Hà Nội - Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái… Đi đến đoạn chùa Trình ở QL18 bảo lái xe cho xuống. Sau đấy bắt tiếp bus 16 chỗ của công ty Tùng Lâm ở ngay QL18 vào đến chân núi Yên Tử (10km) giá vé 20k/người (rất dễ bắt, chỉ cần đứng ngay đầu ngã 3 sẽ thấy điểm chờ bus). Hoặc đi bus vàng giá vé 10k/người/lượt.
Chùa Trình/đền Trình
Đây là nơi du khách ghé vào trước khi lên Yên Tử.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Đây là nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ cúng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.
Cầu Giải Oan, chùa Giải Oan
Đây là nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn. Cầu dài 10m bắc qua, không có kiến trúc cầu kỳ nhưng toát lên vẻ u hoài cổ kính. Chùa có cấu trúc hình chữ "đinh" gồm 5 gian và hậu cung.
Tháp Huệ Quang
Tháp là nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần ở Nam Định.
Chùa Hoa Yên
Chùa còn có tên gọi khác là chùa Phù Vân, chùa Cả. Nằm ở độ cao 543m so với mực nước biển, chùa được bao phủ bởi nhiều hàng cây tùng cổ xưa hàng trăm năm tuổi.
Chùa Hoa Yên.
Chùa Một Mái
Ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc ba gian là nơi thờ Phật Quán Thế Âm. Nơi đây vẫn được lưu truyền huyền thoại về "đụn gạo" và "dòng sữa" vì có khe nước uống rất mát.
Chùa Bảo Sái
Đây là nơi Phật Hoàng nhập niết bàn.
Chùa Vân Tiêu
Đây là nơi tu luyện của các vị tăng sĩ.
An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng Phật Hoàng bằng đồng rất lớn là điểm mà rất nhiều người đến thăm và check in.
Chùa Đồng
Ngôi chùa cao nhất đỉnh núi được xây dựng từ thời Hậu Lê, chùa tọa lạc ở độ cao 1.068m với tên gọi Thiên Trúc Tự. Ngày nay, chùa đã được đúc bằng đồng nguyên chất cân nặng hơn 70 tấn, cao 3,35m, rộng 3,6m và dài 4,6m.
Chùa Đồng (Ảnh: Candie.trann)
Yên Tử thực ra là một quần thể gồm tất cả những ngôi chùa và địa điểm tham quan nói trên. Để đi hết thì nhiều người chọn cách leo núi nhưng ở đây không giống như là đi phượt, leo Yên Tử chỉ giống như một hình thức tản bộ, bạn chỉ cần men theo những bậc thang đã thành lối sẵn để lần lượt tham quan và hành hương các ngôi chùa dọc mạn núi và chinh phục chùa Đồng ở cuối cùng mà thôi.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều người cũng chọn đi cáp treo để giảm bớt thời gian và sức lực. Cáp treo có các tuyến sau:
- Tuyến 1 (Giải Oan - Hoa Yên): Một chiều 120.000VND - Khứ hồi 200.000VND.
- Tuyến 2 (Một Mái - An Kỳ Sinh): Một chiều 120.000VND - Khứ hồi 200.000VND.
- Cả 2 tuyến: Một chiều 120.000VND - Khứ hồi: 280.000 VND.
Cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh rồi sau đó vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 200m đường mòn để đến chùa Đồng. Vì thế, nhiều người đã khuyên là nên leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt. Việc này tuy có hơi mệt một chút nhưng bù lại sẽ có những giây phút được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tùy ý ghé vào tham quan bất cứ địa điểm nào.
Măng trúc Yên Tử
Đầu tiên là măng trúc tươi Yên Tử. Măng ở đây rất đanh nhưng phần thịt bên trong lại rất mềm và ngọt vì được cho là mọc trên vách đá cheo leo hay trong thung lũng sâu thẳm nơi vùng núi Yên Tử. Tương truyền, ngày xưa, người dân trong vùng và các bậc tu sĩ trên núi Yên Tử dùng măng trúc làm món ăn chính. Qua thời gian, măng trúc dần trở thành món ăn nổi tiếng.
Rượu mơ Yên Tử
Mơ Yên Tử là loại quả đặc sản địa phương có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Rượu Mơ Yên Tử sử dụng rượu gạo truyền thống ngâm với quả mơ tươi được trồng tự nhiên tại rừng Yên Tử và đến nay đã trở thành một đặc sản Yên Tử nói riêng và đặc sản Quảng Ninh nói chung.
Rau dớn Yên Tử
Rau dớn có vị ngọt mát, hơi nhớt. Rau thường có quanh năm nhưng ngon nhất là vào mùa mưa. Khi đó, cây rau dớn ngậm đủ nước, ngọn cây mập, non tơ mỡ màng. Rau có thể chế biến thành những món ăn như rau dớn xào tỏi, nộm rau dớn.