Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: "Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có"

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 26/01/2020
Chia sẻ

6 tháng ngồi trên xe máy đi qua 2 châu lục, tấm lưng người lữ khách 66 tuổi chưa một ngày nào oải, hộ chiếu đóng kín mặt. Ngày về, ông bỏ lại đằng sau 45.000km, 2.000 lít xăng, 2 lần thay xích, 3 lần thay lốp, số lần ngã xe đếm không xuể, hài lòng với những trải nghiệm quý giá không dễ dàng có được.

Dừng chân ở Gruzia, người đàn ông cắm cúi viết đôi dòng: "Đã hơn 4 tháng tôi xa Hà Nội để thực hiện hành trình đi xe máy đến một số nước ở châu Á và châu Âu. Tôi mong ước được trở lại mái trường xưa - nơi tôi đã học tập thời Xô Viết, tại Gruzia gần 50 năm về trước. Và tôi đã làm được, với tất cả sự mong đợi. Trường học vẫn thế, thiên nhiên vẫn đẹp đến nao lòng, nếp cũ chưa hề đổi thay, chỉ có thầy cô và bạn bè đã thiếu đi chút ít".

Ông Trần Lê Hùng - kĩ sư chế tạo về hưu, đã rong ruổi trên chiếc xe phân khối lớn, đi qua hơn 30 quốc gia và 40 vùng lãnh thổ. 6 tháng xa nhà, chặng đường nhiều gian nan và khó khăn. Nhưng bằng lòng kiên trì và niềm đam mê, ông đã hoàn thành chuyến đi "kinh điển" nhất cuộc đời vào ngày 19/12/2019, khi chỉ còn vài ngày nữa, ông chính thức bước sang tuổi 66.

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 1.

Ông Trần Lê Hùng (66 tuổi), kĩ sư, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, đã thực hiện chuyến đi xuyên Á - Âu trong vòng 6 tháng.

Đầu xuân, trò chuyện đầy cảm hứng cùng cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ. Thực hiện: Minh Nhân. 

Từ chàng thanh niên có "máu phượt" đến cụ ông phóng xe qua 2 châu lục

Thời trẻ, ông Trần Lê Hùng là thanh niên có "máu phượt", gắn bó với con xe "67" (Honda 67) từ những năm 1976. Ông từng "nếm trải" mọi cung đường ở Việt Nam, từ cực Bắc vào tận cực Nam, cũng chính trên con xe cũ mèm đã chở 4 thế hệ gia đình nhà họ Trần. "67" là tất cả với những người đương thời như ông Hùng, gắn bó từ việc làm, sinh hoạt, đến cả những sở thích.

Vợ ông - cũng là một tay đi xe Honda 67, đã cùng ông chinh phục nhiều cung đường từ khi còn yêu nhau. Tuổi trẻ mà, có sức nên cứ đi, cho đến khi đích đến sau cùng mà hai người hướng tới, là một mái nhà chung để tiếp tục đam mê "xê dịch". Từ đó, 2 vợ chồng, lần lượt đặt chân đến những "mảnh đất hứa" của những tay ưa phượt, như Hà Giang, Bắc Kạn, Lũng Cú, Thác Bản Giốc,... Ngày đi tối ngủ, và mỗi người một cái sẹo to tướng ở đầu gối trong lần không may "xoè" trên con đường dẫn tới cột cờ Lũng Cú. Cho dù máu chảy, nhưng 2 người vẫn tiếp tục đi, rồi cùng nhau trở về căn nhà nhỏ ở Hà Nội.

Không lâu sau, ông Hùng "một mình một ngựa" lên đường vào miền Nam, hết 17 ngày. Là một kĩ sư, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, được ngắm nhìn trời mây non nước, ông hiểu rằng, Việt Nam mình tuyệt đẹp, đẹp hơn hẳn với những lần di chuyển bằng xe khách hay tàu hoả. Ông đi dọc đường bờ biển, nhâm nhi những tách trà, thử ăn đồ hải sản, gặp biển chỗ nào, ông xuống bơi chỗ đó. 

Ông tự tin, với con xe 67 thân thương, ông có thể đi bất cứ cung đường nào, với một niềm cảm hứng mạnh mẽ!

Trong một lần nhìn ngắm những bức ảnh của Trần Đặng Đăng Khoa - chàng "phượt thủ" với giấc mơ đi vòng quanh thế giới, người hoạ sĩ già thầm ước rằng, "Một ngày nào đó, chiếc 67 của mình được đỗ tại những địa điểm này, thì sướng biết bao nhiêu!". 

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 3.

Con xe Honda CB500X ông Hùng mua đầu năm 2019 để chuẩn bị cho hành trình "để đời" của mình.

Ông quyết định tìm kiếm "ai đó" sẽ đưa mình đi, bạn bè, người thân hay bất kể ai, cùng chung giấc mơ chinh phục những "mảnh đất hứa". Ông tìm đến một đơn vị chuyên dẫn tour đi nước ngoài. Khi nghe họ bảo sẽ đi qua nước Nga, ông cảm thấy hào hứng ngay lập tức. 

Năm 19-20 tuổi, Trần Lê Hùng thuộc lứa lưu học sinh đầu tiên được cử sang Nga du học trước giải phóng miền Nam, chuyên ngành tự động hoá. Nước Nga là tuổi trẻ của ông, là quê hương thứ 2 với bao mộng mơ hoài bão, là tâm hồn của tất cả những người từng đặt chân đến đất nước này. Nỗi nhớ nhung nước Nga trỗi dậy mạnh mẽ, đến nỗi ông gật đầu đồng ý không chút đắn đo cho tour nước ngoài sắp tới.

Để chuẩn bị cho hành trình được dự đoán sẽ đi xuyên châu Á và châu Âu, ông Hùng mua một con xe phân khối mới - Honda CB500X có trọng lượng 200kg. Đây là loại xe dành cho người mét 7, mét 8, không phù hợp với những ai chỉ cao mét 6, nặng 50kg như ông. Bằng mọi cách, ông "thiết kế" lại con xe, hạ độ cao, thay ghi-đông,... rồi mang sang trung tâm dạy lái xe tập luyện mỗi ngày. "Bất kể con xe máy nào nếu đã nổ được và đi được, đều sẽ đưa mình đến đích. Con ngựa là để mình cưỡi, chứ không phải để thiên hạ ngắm", ông nghĩ thầm.

"Tôi biết chuyến đi sẽ hết sức vất vả nên bản thân đã tự rèn luyện sức khoẻ nhiều tháng trời. Tôi đi bơi, dù lạnh 10 độ hay dưới 10 độ, tôi vẫn trầm mình ở hồ bơi Quảng Bá hoặc sông Hồng. Những lúc rảnh rỗi, tôi vừa đá bóng, vừa tập võ. Đến gần ngày xuất phát, tôi nghĩ, mình đã đủ sức khoẻ để lên đường". 

Ngày 2/7/2019, ông Hùng giao lại công việc cho người thân, bắt đầu hành trình cùng những người bạn. Không liên hoan, không tiệc chia tay, không cần con cái đưa tiễn, ông chỉ bảo với vợ: "Anh lên đường!" rồi thôi. Tour không hẹn ngày về, có thể là 6 tháng hoặc hơn, ông đều chấp nhận, với tâm thế thoải mái nhất! 

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 4.

Ông dành ra nhiều tháng trời để học điều khiển con xe nặng hơn 2 tạ này.

Cuộc hội ngộ diệu kỳ ở Ba Lan 

Ngay ngày thứ 3 kể từ lúc rời Việt Nam sang Lào, vào đoạn đường hiểm trở, để tránh lao xuống vực, ông Hùng buộc phải đâm vào cột mốc bên đường, ngã gập cổ xe, người bay xuống đường. Không lo sợ, ông bình tĩnh chờ sửa xe và tiếp tục đi, dẫu biết được rằng trên đường còn rất nhiều hiểm nguy đang chờ. 

Đi qua các quốc gia Trung Á, Kyrgyzstan - đất nước đầu tiên tiếp giáp với Trung Quốc, sở hữu nét phong cảnh khiến cho dân phượt quên cả sợ để chiêm ngưỡng. Họ đều thừa nhận, đến đây vừa chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhất vừa trải nghiệm cung đường gian nan nhất. Hầu như mọi người đều ngã ngựa tại đây, ông Hùng không phải ngoại lệ.

Trên con đường chinh phục đèo Tossor cao gần 4.000 m ở Kyrgyzstan, trời tối đen như mực, lạnh tê tái, cả đoàn gần như kiệt sức. Ông kĩ sư già đã phải nằm lại trên đèo cùng người bạn dẫn tour, xung quanh tuyết phủ, đợi chờ người bạn đồng hành gọi cứu trợ. Không có chăn, ông mặc hết quần áo lên người, rồi nằm chờ, cả đêm thao thức không thể ngủ, chỉ mong ngóng nghe tiếng ô tô vào sáng hôm sau. Nếu không, khả năng sống sót rất mong manh. Ông không có thức ăn, bản thân lại bị kiệt sức. 

"Đó là một trải nghiệm trong đời mà tôi không bao giờ quên" - ông nói.

Đến Iran, ông Hùng ấn tượng về con người nơi đây. Tưởng rằng vào đất nước này sẽ gặp phải nhiều "chuyện không hay", nhưng quả thực, người Iran rất nồng hậu. Những người bạn xa lạ gặp trên đường để lại kỉ niệm còn đẹp hơn cả phong cảnh. "Tôi chứng kiến hành động của một người thôi, mà nhớ mãi về cả đất nước đó", ông Hùng tấm tắc.

Những cung đường không chỉ đẹp mà còn nhiều nguy hiểm ông Hùng cùng những người bạn đã đi qua. Ảnh: NVCC.

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 6.

Ông Hùng tại lâu đài Neuschwanstein ở Schwangau, Đức. Ảnh: NVCC.

Nhưng có một điều kỳ diệu mà ông không nghĩ là có thể, đó là cuộc gặp gỡ kỳ diệu khi ông đến Vacsava - Thủ đô của Ba Lan. Ông gặp được Mai - bạn học cũ của 2 vợ chồng ông. Hôm đấy, ông Hùng phóng liền 350km không nghỉ, dưới tiết trời lạnh âm độ C, sương tuyết mù mịt, ướt sạch cả người. Đến 22h đêm, ông đỗ ở cửa hàng phở của người bạn, nhấc máy gọi điện. 

Gặp lại nhau, sau câu chào: "Hùng đấy à!", bà Mai hồ hởi "Hùng ngồi đấy, để tớ làm cho Hùng bát phở". Khói nóng bốc lên nghi ngút khiến người lữ khách cảm tưởng như mình đang ngồi ở Hà Nội. Ông giật mình, mỉm cười và nhận ra rằng "không phải, đây là Ba Lan". Sau 4 tháng hành trình thưởng thức bao nhiêu món ăn của rất nhiều dân tộc, những thức quà dân dã của các vùng miền khác nhau, ấy thế mà khi được ăn bát phở Hà Nội, do chính tay người bạn cũ làm, ông Hùng cảm thấy chẳng đâu bằng món ăn quê hương mình.

Chia tay bà Mai, ông gọi điện báo cho vợ biết, rồi tiếp tục sửa soạn lên đường. Hành trình dài còn đang ở phía trước.

Thuỵ Sỹ là đất nước mà tất cả những tay đi xe máy đều khát khao được một lần phóng hết mình trên những con đường cao tốc "thần thoại". Khung cảnh "đẹp như trong mơ", đồng cỏ trải dài xanh mướt, cuộc sống thanh bình trôi qua mỗi ngày. Sau cùng, ông Hùng hiểu tại sao Hiệp định Geneve lại được ký kết ở Thuỵ Sỹ, vì khi đến đây, không ai muốn đánh nhau. 

Ở Châu Âu, không có chuyện nhường đường. Mỗi xe máy đều phải tuân thủ yêu cầu lắp đủ 2 gương, người điều khiển luôn phải nhìn kính chiếu hậu, trước khi rẽ phải tính toán thật kỹ. Tuy rằng Châu Âu có những con đường cao tốc đẹp nhất, nhưng "sểnh" ra là mất mạng vì tốc độ các phương tiện đều từ 90 đến 120km/h. Nếu mắc sai lầm, sẽ không có cơ hội sửa sai. 

"Chúng tôi nói với nhau rằng chấp nhận đi nhầm đường, sẵn sàng cắm đầu đi mấy chục km xong quay lại, chứ không được phép dừng xe giữa cao tốc vì rất dễ bị tai nạn. Có những đoạn đường chúng tôi đi qua không gặp một ai, không có chỗ nghỉ, xung quanh tuyết bao phủ. Những lúc như vậy phải đi cố thêm 50km may ra mới có điểm dừng chân" - ông Hùng nhớ lại.

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 7.

Là một kĩ sư, ông Hùng có thể tự sửa xe trên đường đi. Ảnh: NVCC.

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 8.

Hình ảnh người đàn ông 66 tuổi đầy sương gió trên con xe ô tô ở miền viễn du. Ảnh: NVCC.

Bình thường, nhóm biker chỉ di chuyển 500-600km/ngày. Nhưng để kịp ra ngoài biên giới Tân Cương (Trung Quốc), ông Hùng đã phải đi liên tục 1.000km, dưới tiết trời nắng nóng 40 độ C. Đến những km cuối cùng, ông chỉ muốn chết. 

"Nhưng chặng đó chưa sợ bằng những ngày phải chạy hơn 600km trong trời lạnh âm 16 độ khủng khiếp. Mặc 10 lớp áo, mang giày dép như chiến binh ra trận, nhưng hễ ngồi lên xe là tay bắt đầu cơ cứng. Có hôm âm 8 độ C, nước uống trong chai đông đá, đi cả ngày nắng cũng không tan nổi. Đường đẹp thì nhiều, nhưng thời tiết khắc nghiệt thì vẫn phải cắn răng đi. Chuyện ngã trên băng, ngã bay cả gương,... dần cũng hết sức bình thường". 

Hành hương về trường cũ sau 44 năm rời xa

Một trong những cảm hứng mà ông Hùng quyết định dấn thân cho hành trình 45.000km bằng xe máy, chính là khoảnh khắc được quay về thăm trường cũ ở Gruzia sau 44 năm. Ông từng sang Nga 2 lần, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được nguyện ước này. Ngày hôm đó, gần đến nơi, người bạn đồng hành sợ ông cảm động quá mà loạng choạng tay lái.

"Tôi nhớ nhung nước Nga nhiều lắm. Kể cả những người chưa từng đi Nga, nhưng lỡ nghe bài hát Nga, lỡ yêu những bức tranh về nước Nga, thì tất thảy đều yêu quý và ngấm dần văn hoá Nga".

44 năm trôi qua, con đường xưa vẫn thế, cơ sở hạ tầng không thay đổi, chỉ có cây tùng bách năm nào mới chỉ cao quá đầu người, mà nay ngất ngưởng gấp 3 lần. May sao, nếp nhà vẫn còn đó. Trường này có đẹp gì đâu, với người ta là bình thường, nhưng với ông Hùng lại thân thương đến lạ. 

Đỗ xe trước cổng trường, ông bước xuống, cởi giáp, chạy ùa vào bãi cỏ trước sân, cảm giác đời người không bao giờ có lần thứ 2 như thế này. Hơn 40 năm về trước, cũng chính tại bãi cỏ này, mấy anh sinh viên rủ nhau chơi đá bóng, rồi vào rừng bên hái dâu. Giờ đây, mấy ai có được hạnh phúc này và liệu có ai dám đánh đổi hay không? 

Ông Hùng bước lên bậc tam cấp của trường, ký ức, hình ảnh bạn bè lần lượt "nhảy múa" trong đầu. Những buổi chiều hóng nắng, ngắm nhìn tuyết rơi. Ông nhặt một quả thông dưới hàng cây mà ngày trước vẫn thường nô đùa, rồi mang về Việt Nam làm kỷ niệm.

Người ông muốn gặp nhất là cô giáo đầu tiên dạy tiếng Nga, nhưng cô đã qua đời cách đây 3 năm. Nghe tin, nước mắt ông cứ thế chảy dài.

Đến bất kì quốc gia nào, ông Hùng đều dành thời gian để trải nghiệm và lưu lại những kỷ niệm đẹp. Ảnh: NVCC.

"Đi để trở về, chứ không phải đi để đến"

6 tháng ngồi trên xe máy, tấm lưng người lữ khách chưa một ngày nào oải. Hộ chiếu đóng kín mặt. Mỗi đất nước - mỗi ấn tượng riêng, là phong cảnh, là con người, cũng có khi là khí hậu. 

Chiều 19/12/2019, ông Hùng đỗ con xe phân khối lớn trước cửa nhà. Ông tự nhủ, "Thôi, thế là về nhà an toàn rồi". Bỏ lại đằng sau 45.000km, 2.000 lít xăng, 2 lần thay xích, 3 lần thay lốp, số lần ngã xe đếm không xuể. Bao nhiêu lớp đất đá, vết xước dài vẫn còn nguyên vẹn trên xe máy mà ông không nỡ rửa trôi hay sửa chữa. 

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 10.

Ông Hùng ngã xe trên quãng đường bùn lầy khó diễn tả. Ảnh: NVCC.

"Tôi hoàn thành được hành trình này vì luôn đặt mình dưới mức người ta nghĩ, để phấn đấu và không ngừng cố gắng. Không được viển vông, không được chủ quan. Đi đường trường, đừng bao giờ nghĩ mình khoẻ quá, cũng đừng bao giờ nghĩ mình yếu quá, mà phải luôn cẩn thận hết sức. Phương tiện không thể giúp chúng ta vượt qua tất cả khó khăn, nhưng con người, với sức chịu đựng bền bỉ, thì hoàn toàn có thể". 

Quan niệm của ông Hùng là "đi để trở về", chứ không phải "đi để đến". Tức là ông - hay bất kể ai - một khi đã chấp nhận dấn thân, thì phải sống và phải quay về, thậm chí không đến được đích vẫn phải quay về. "Về" nghĩa là còn cơ hội để làm lại.

Hộp điều khiển hiện thị hơn 45.000 km ông Hùng đã vượt qua. Những vết xương, hư hỏng trên xe, kể cả lớp bùn đất trong suốt 6 tháng hành trình, ông đều giữ nguyên cho riêng mình. 

"Có những cảnh đẹp khiến chúng ta quên cả chết, bồi đắp phần thưởng cho chính mình mỗi ngày trên hành trình. Đôi khi chỉ một vệt nắng đổ xuyên hàng cây bên đường, thế là đủ với tôi, là món quà tinh thần đáng để đánh đổi. Tôi tự nhủ với bản thân: Ngày hôm nay vất vả và xứng đáng quá rồi!".

Nhiều người gọi ông là "người hùng" sau chuyến đi qua 2 châu lục, nhưng ông xin không nhận danh xưng này. Nếu họ bảo ông là "mê muội", "mộng mơ" và "vớ vẩn" thì ông xin nhận. 

"Vì tôi mơ mộng về cái ngày xưa ấy, vì hình ảnh của thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có, mà tôi mong muốn được về nơi xưa chốn cũ. Đó là sức mạnh dẫn tôi đi đến cùng. Tôi phải trả giá, và tôi đồng ý, để có thể hoàn thành được ước mơ. Con đường dài là phép cộng những con đường ngắn.

Đối với những ai đang ấp ủ giấc mơ rong ruổi khắp nơi trên xe máy, thì phải xác định liệu giấc mơ ấy có xứng đáng và thiết thực, có ảnh hưởng tới người khác hay không. Đã là ước mơ, không bán được cho ai, nhưng là khát khao của cả đời người thì nên làm. Đó là sự bổ trợ rất lớn, đủ để chắp cánh cho những ước mơ khác sau này".

Đầu xuân, gặp cụ ông 66 tuổi đi xe máy qua 39 quốc gia, 40 vùng lãnh thổ: Vì tôi mơ mộng về cái thời trai trẻ mà tất cả chúng ta ai cũng từng có - Ảnh 12.

"Đã là ước mơ, không bán được cho ai, nhưng là khát khao của cả đời người thì nên làm".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày