Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các trường sư phạm (phải đạt 17 điểm mới được xét tuyển) từ mùa tuyển sinh 2018 đã khiến không ít trường điêu đứng vì không tuyển được thí sinh.
GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho hay nhiều trường sư phạm không tuyển nổi 50%-60% chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh 2018. "Ở các khu vực miền núi phía Bắc, thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay. Điều này mâu thuẫn với tình trạng thiếu giáo viên từ nay đến năm 2021 của các Sở GD-ĐT" - GS Quang nhìn nhận.
Tại hội nghị hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ĐH và trường Sư phạm năm 2018 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, GS Quang cho rằng phải tính toán như thế nào để vẫn bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm với việc tuyển sinh vì còn tính đến yếu tố chọn lựa người say mê nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức.
Sinh viên nhập học vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo GS Quang, để khắc phục bất cập này, cần có chính sách đặc biệt cho những vùng khó khăn trong việc bảo đảm giáo viên cấp mầm non và THCS. Thêm vào đó, để giảm thiểu tuyển sinh manh mún, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường sư phạm, Bộ GD-ĐT cần tiến hành nhanh quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chỉ những cơ sở đào tạo giáo viên đã được kiểm định chất lượng mới được tuyển sinh.
Theo TS Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên, thời gian qua có những ngành chỉ được giao 20 chỉ tiêu nên rất khó khăn cho các trường trong đào tạo. Để gỡ khó cho các trường cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH sư phạm, TS Dũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần cân nhắc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có đào tạo sư phạm một cách hợp lý hơn. Trong khi đó, GS Phạm Hồng Quang đề nghị cần có chính sách đặc biệt với các thí sinh vùng sâu vùng xa, đặc biệt với cấp tiểu học, mầm non.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng Bộ GD-ĐT vừa công bố chương trình giáo dục phổ thông mới nên các địa phương rất cần có đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi để đáp ứng yêu cầu mới. Tuy nhiên, theo GS Minh, mâu thuẫn lớn nhất hiện nay chính là sự tồn tại của các trường sư phạm hay lợi ích quốc gia? Đây thực sự là một bài toán không đơn giản bởi nếu vì sự tồn tại của trường, trường sẽ bằng mọi cách tuyển sinh, gây ra những "dư chấn" điểm chuẩn thấp như năm 2017. Còn nếu vì lợi ích quốc gia thì các trường phải chấp nhận nhiều thứ.
Ông Minh nhận định quy hoạch các trường sư phạm sắp tới cần bảo đảm sự cân bằng và có lộ trình cần thiết. "Muốn đổi mới thành công thì phải có thầy cô giỏi. Muốn có thầy cô giỏi thì cần đặt ra yêu cầu nhưng yêu cầu phải có điều kiện. Điều kiện ở đây là bảo đảm đầu ra cho sinh viên sư phạm" - GS Minh nói.
Ông cho rằng chính sách miễn học phí đã không có đủ sức thuyết phục để thu hút sinh viên giỏi vào trường. Học sinh giỏi bây giờ quan tâm nhất là ra trường có việc làm hay không, mức lương, môi trường làm việc như thế nào. "Nếu không làm tốt được những điều này thì sẽ khó có thể thu hút học sinh giỏi đầu quân vào các trường sư phạm" - ông Minh chia sẻ quan điểm.
GS Phạm Hồng Quang cho rằng kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2018 có rất nhiều thí sinh ảo, điều này gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh nên Bộ GD-ĐT có thể cân nhắc cho thí sinh không đăng ký nhiều nguyện vọng.
Trước đề xuất này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, nhìn nhận việc gây ảo phụ thuộc vào nhiều vấn đề nhưng tuyển sinh là phải sống chung với ảo và phải có cách để kiểm soát nó bằng những con số thống kê qua các năm. Bà Phụng cho biết theo thống kê có 16% thí sinh có 1 nguyện vọng, 16% có 2 nguyện vọng, 17% có 3 nguyện vọng, 13% có 4 nguyện vọng, 7% có 5 nguyện vọng. Từ nguyện vọng thứ 6 trở lên có 27%.