Cách giúp trẻ hào hứng đến trường

ỨNG HÀ CHI, Theo Tổ Quốc 10:19 21/03/2023

Những lớp học thông thường chỉ gồm bàn, ghế, bảng, điều hòa,… khiến đôi lúc học sinh cảm thấy ngột ngạt, tẻ nhạt.

Nhiều đứa trẻ thường rơi vào nỗi sợ hãi hoặc mất hứng thú khi đến trường. Trẻ cảm thấy áp lực, mệt mỏi, căng thẳng. Đôi khi trẻ cảm thấy lớp học tẻ nhạt, bầu không khí kém sự sôi động. Trẻ ghét hằng ngày phải lặp đi lặp lại việc tới lớp nghe giảng rồi trở về nhà với một đống bài tập cao như núi. Tình trạng kéo dài khiến trẻ dần mất đi sự hứng thú trong học tập.

Trước vấn đề trên, cô Vũ Tiệp - giáo viên trường THCS Cát Giang (TP. Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã có những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để cải thiện tình trạng này. Với kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy, cô được nhiều học sinh quý mến, biết ơn khi luôn tạo ra môi trường học tập thân thiện, tích cực.

1. Trang trí lớp để tạo hứng khởi cho trẻ

Những lớp học thông thường chỉ gồm bàn, ghế, bảng, điều hòa,… khiến đôi lúc học sinh cảm thấy ngột ngạt, tẻ nhạt. Để giúp không khí tươi mới, ngập tràn sức sống, cô Vũ Tiệp luôn nghĩ ra những cách trang trí phòng học khác nhau.

Chẳng hạn, cô thiết kế cho mỗi em một tủ đồ nhỏ với nhiều màu sắc rực rỡ. Trên bàn giáo viên cũng thường đặt hoa hướng dương hoặc hoa hồng theo chủ đề mỗi tuần. Khăn trải bàn cũng được đổi mới thường xuyên. Nhờ những hoạt động nhỏ đã khiến lớp học trở nên bừng sáng, các em học sinh cảm thấy hứng khởi hơn khi đến trường.

Cách giúp trẻ hào hứng đến trường - Ảnh 1.

Cô giáo Vũ Tiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ hứng thú hơn với việc học.

Thậm chí, cô Vũ Tiệp còn để một chiếc tủ nhỏ chứa đồ ăn như: Bánh, sữa, nước ngọt,… để học sinh tiếp thêm năng lượng sau những giờ học căng thẳng. Số tiền mua đồ ăn được trích từ quỹ do phụ huynh ủng hộ.

Chính nhờ sự quan tâm đặc biệt đã khiến học sinh vô cùng thích thú khi học lớp do cô chủ nhiệm. Các em cảm thấy mình được yêu thương, quan tâm và hỗ trợ một cách tối đa.

2. Tìm ra phong cách học tập của trẻ

Mỗi đứa trẻ đều có phong cách học riêng và cách học hiệu quả cho bản thân. Theo cô Vũ Tiệp, có 3 phong cách học tập chính ở trẻ gồm: Thị giác, thính giác và vận động.

- Phong cách học tập thị giác: Người học xử lý thông tin hiệu quả nhất khi thông tin được trình bày bằng văn bản hoặc hình ảnh. Những đứa trẻ này rất tinh ý, có trí nhớ tuyệt vời và thường yêu thích nghệ thuật.

- Phong cách học tập thính giác: Người học thích nghe thông tin. Những đứa trẻ này là người biết lắng nghe, biết làm theo chỉ dẫn tốt và thường có thế mạnh về ngôn ngữ hoặc năng khiếu âm nhạc.

- Phong cách học tập vận động: Người học thiên về thể chất, thường đạt thành tích xuất sắc trong các môn thể thao, khiêu vũ. Trẻ học tốt nhất thông qua chuyển động và xúc giác, dựa vào những ngón tay và cử chỉ tay.

Khi đã xác định được phong cách học tập phù hợp nhất với trẻ, giáo viên cùng phụ huynh sẽ giúp trẻ học tập một cách hiệu quả nhất.

Cách giúp trẻ hào hứng đến trường - Ảnh 2.

Tìm ra phong cách học tập của trẻ sẽ giúp giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp. (Ảnh minh họa)

3. Thường xuyên dành cho trẻ những lời khen

Lời nói tích cực giúp vực dậy tiềm năng, chữa lành vết thương cho mỗi con người. Trong khi đó, lời nói tiêu cực sẽ khiến trẻ trở nên mặc cảm, tự ti. Nhà sử học Xenophon từng nói rằng: "Tiếng ngọt ngào nhất trong tất cả các âm thanh là tiếng khen". Điều này hoàn toàn đúng trong việc giáo dục trẻ mà thầy cô là những người đảm nhận chức vụ thiêng liêng.

Cách ứng xử của giáo viên qua lời ăn tiếng nói sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách cũng như năng lực trí tuệ ở trẻ. Lời khen, tán thưởng, động viên đúng cách như: "Em làm tốt lắm, thử làm lại một lần nữa nào", "Cố gắng thêm một chút nữa nhé!",… sẽ giúp trẻ có cái nhìn tích cực về giá trị bản thân trước mọi người. Những lời khen là nguồn động lực để trẻ tiếp tục phấn đấu.

Ngược lại, những lời phê bình, chỉ trích, cấm đoán như: "Sao em làm kém quá vậy!", "Em sai rồi, cô rất thất vọng về em",… sẽ làm tổn thương tâm lý trẻ đến suốt cuộc đời. Làm sao trẻ có thể xây dựng niềm tin vào bản thân, nhận ra những giá trị của mình khi phải luôn tiếp nhận những ngôn từ tiêu cực từ phía những người có trách nhiệm?

Lời chỉ trích còn giết dần tính tự lập, khả năng phán đoán và tính sáng tạo của trẻ. Vì thế, cô Vũ Tiệp luôn dành cho học sinh của mình ánh mắt trìu mến, cái bắt tay động viên, cái ôm cổ vũ tinh thần hay những lời nói khích lệ.