1. Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài
Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là câu chuyện truyền miệng vô cùng quen thuộc, không chỉ với người Trung Quốc mà còn với bất cứ ai ở khu vực Đông Á. Tên của đôi tình nhân bạc mệnh Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài được người đời sau biết đến và xưng tụng là Romeo – Juliet của phương Đông.
Lấy bối cảnh vào thời Đông Tần (317 – 420), cô tiểu thư khuê các Chúc Anh Đài cải trang thành con trai để có thể đi học ở Hàng Châu. Trên đường đến ngôi trường Nghi Sơn, nàng gặp gỡ Lương Sơn Bá, một thư sinh quê vùng Cối Kê nghèo khó. Như duyên phận định sẵn, họ nhanh chóng kết nghĩa huynh đệ. Thế rồi trong ba năm học cùng nhau, Anh Đài dần dần nảy sinh tình cảm với Sơn Bá. Tuy nhiên, lúc bấy giờ chàng Sơn Bá chẳng mảy may nhận ra vị huynh đệ tên Anh Đài kia là thân phận nữ nhi và vẫn cứ vô tư đối đãi với Anh Đài như hai anh em thực thụ.
Một ngày nọ, Chúc Anh Đài nhận được thư nhà và đành phải giã từ chàng Lương để quay về. Giờ phút biệt ly, thấy chàng Sơn Bá thật thà, vô tư kia vẫn không nhận ra tình cảm của mình, nàng liền hứa hẹn sẽ làm mối cho Lương Sơn Bá với một cô em gái đang chờ ở nhà và dặn chàng hãy đến nhà nàng để cầu hôn.
Trong ba năm học cùng nhau, Anh Đài dần dần nảy sinh tình cảm với Sơn Bá (Ảnh minh hoạ).
Nhưng lúc đó gia cảnh Lương Sơn Bá rất nghèo và tất nhiên chàng không thể đến Chúc gia như đã hẹn. Mãi lâu về sau, Lương Sơn Bá mới có thể tìm đến Chúc gia cầu hôn. Không may thay, lúc này thì đã quá muộn; nàng Chúc Anh Đài đã được hứa gả cho Mã Văn Tài – công tử của một gia đình quan lại chức cao vọng trọng. Đau lòng trước số phận ngang trái, đôi tình nhân than khóc và thề rằng dù kiếp này không thể ở cùng một chỗ nhưng nhất định khi ra đi sẽ chôn cùng mộ.
Sau này Lương Sơn Bá nhậm chức quan ở một huyện nhỏ, nhưng vì quá thương nhớ nàng Anh Đài nên chàng sinh bệnh và nhanh chóng từ giã cuộc đời. Nghe tin Lương Sơn Bá không còn nữa, Chúc Anh Đài tuy rằng chuẩn bị thành thân với Mã Văn Tài nhưng trong thâm tâm vô cùng đau khổ.
Chàng Sơn Bá chẳng mảy may nhận ra vị huynh đệ tên Anh Đài kia là thân phận nữ nhi (Ảnh minh hoạ)
Trong ngày rước dâu, Chúc Anh Đài muốn đến trước mộ phần của Lương Sơn Bá để bái biệt chàng lần cuối. Nàng khóc lóc và tha thiết mong được ra đi cùng chàng, hoàn thành lời thề lứa đôi năm nào. Bỗng một phép màu xuất hiện, phần mộ của Lương Sơn Bá mở ra và ngay lập tức Chúc Anh Đài lao vào không do dự. Sau đó, mộ phần đóng lại, và từ dưới xuất hiện một đôi bướm bay lên quấn quýt bên nhau. Những người xung quanh chứng kiến câu chuyện và cho rằng đó chính là linh hồn của đôi tình nhân đã hóa thành bướm để không bao giờ bị chia lìa nhau.
2. Ngưu Lang – Chức nữ
Thần thoại tình yêu giữa Ngưu Lang (người chăn trâu) và Chức nữ (cô gái dệt vải) là một trong những câu chuyện thần thoại lâu đời và nổi tiếng nhất trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.
Ngưu Lang là chàng trai thật thà, tốt bụng, ngày ngày cần mẫn với công việc đồng áng và chăn thả đàn bò. Một ngày nọ chàng bắt gặp một cô gái xinh đẹp tên Chức Nữ - người con gái thứ bảy của Thiên Hậu, đang hạ phàm dạo chơi. Hai người nhanh chóng phải lòng nhau và thế là nàng Chức Nữ liều mình bí mật trốn xuống trần gian để thành thân với chàng Ngưu Lang. Họ có với nhau hai đứa con; cuộc sống của gia đình nhỏ rất hạnh phúc, êm đềm, tưởng chừng như sẽ không điều gì có thể chia cắt.
Nhưng rồi vụ việc nhanh chóng bị Thiên Hậu phát giác. Tức giận vì con gái cành vàng lá ngọc dám hạ mình thành thân với một người phàm tục, Thiên hậu ngay lập tức thi triển pháp thuật và bắt Chức Nữ về thiên đình.
Ngưu Lang và Chức Nữ đoàn tụ bên sông Ngân
Chàng Ngưu Lang ở lại vô cùng đau buồn và nhớ thương thê tử. Ngày qua ngày, chàng càng tiều tụy, héo hon hao mòn vì nỗi thương nhớ khôn nguôi. Trước tấm lòng si tình của chàng Ngưu Lang, con bò chàng nuôi bỗng nảy sinh linh tính và dẫn chàng một đường lên thiên đình tìm vợ.
Khi Ngưu lang gần đến nơi ở của Chức Nữ thì bị Thiên hậu phát hiện. Bà ta lập tức rút một cái trâm cài tóc và vạch ra một con sông rộng ngăn cách giữa đôi tình nhân. Con sông đó chính là sông Ngân vắt ngang bầu trời. Sau này, nàng Chức nữ hoá thành chòm sao Thiên Cầm còn chàng Ngưu lang thành chòm sao Thiên Ưng. Họ bị chia cắt ở hai bên bờ sông và chỉ có thể đứng đó rơi lệ ngóng trông về đối phương.
Thương xót cho mối tình ngang trái này, những con quạ đã xếp thành một cây cầu nối hai bờ sông để họ có thể gặp gỡ. Còn về phần Thiên Hậu cũng dần bị tình cảm này làm cảm động nên cuối cùng cho phép họ gặp nhau vào ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm.
Ngày 7 tháng 7 này được người Trung Quốc xem là ngày Valentine của nước họ. Hàng năm cứ đến ngày này, người dân Trung Quốc sẽ cùng nhau ngồi ngắm bầu trời, chứng kiến hai chòm sao Thiên Ưng và Thiên Cầm đoàn tụ trên bờ sông Ngân.
3. Truyền thuyết Bạch xà
Truyền thuyết Bạch Xà là một trong những câu chuyện dân gian có nguồn gốc từ vùng đất Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là chuyện tình giữa Bạch Tố Trinh (bạch xà tu luyện thành tinh) và chàng thư sinh Hứa Tiên.
Bạch Tố Trinh là một con rắn trắng nằm dưới Tây Hồ, nhờ duyên kỳ ngộ mà nuốt được một viên linh đan và tu luyện thành tinh, hóa thành hình người. Nàng đem lòng yêu thương một người phàm trần tên Hứa Tiên. Hai người tâm đầu ý hợp và nhanh chóng thành thân.
Bạch Tố Trinh đem lòng yêu thương một người phàm trần tên Hứa Tiên. Hai người tâm đầu ý hợp và nhanh chóng thành thân (Ảnh minh hoạ).
Không lâu sau, Bạch Tố Trinh sinh cho chồng một đứa con, gia đình nhỏ vô cùng hòa thuận và vui vẻ. Nhưng những ngày hạnh phúc chẳng được dài lâu khi một pháp sư với quyền năng xuất chúng, Pháp Hải xuất hiện. Biết được thân phận thật của Bạch Tố Trinh, hắn nhất quyết tìm giết Bạch Tố Trinh và chia rẽ cặp đôi nhưng thất bại.
Cuối cùng, Pháp Hải đành phải bắt cóc Hứa Tiên và giam giữ chàng tại đền Kim Sơn. Để cứu Hứa Tiên, Bạch Tố Trinh và em gái là Tiểu Thanh (Thanh Xà) phải cùng nhau đấu phép với Pháp Hải khiến cho nước tràn vào gây ngập toàn bộ ngôi đền. Tuy nhiên cuối cùng, Bạch Tố Trinh vẫn bị Pháp Hải bắt và giam giữ dưới tháp Lôi Phong.
Phải chờ đến 20 năm sau khi con trai của Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên thi đỗ Trạng nguyên và trở về bái tế mẫu thân tại tháp Lôi Phong khiến trời đất cảm động thì Bạch Tố Trinh mới được giải thoát. Và khi đó, gia đình mới được đoàn tụ.
4. Trường Hận Ca
Dương Quý phi – một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cổ, lúc đầu được gả cho con trai của Đường Huyền Tông. Nhưng sau đó nàng được Hoàng đế để mắt đến và nhanh chóng tiến cung hầu hạ (Ảnh minh hoạ).
Trường Hận Ca là bài thơ của thi sĩ Bạch Cư Dị (772 – 846) kể về chuyện tình giữa Hoàng đế Đường Huyền Tông (685 – 762) và Dương Quý phi (719 – 756) của ngài.
Dương Quý phi – một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cổ, lúc đầu được gả cho con trai của Đường Huyền Tông. Nhưng sau đó nàng được Hoàng đế để mắt đến và nhanh chóng tiến cung hầu hạ.
Đường Huyền Tông say mê sắc đẹp của nàng đến nỗi bỏ bê cả việc triều chính, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của An Lộc Sơn năm 755. Dương Ngọc Hoàn bị cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa này nên đã bị các tướng quân và binh sĩ của nhà vua ép treo cổ tự vẫn. Sau đó Đường Huyền Tông vô cùng đau buồn và thương tiếc. Chính vì điều này, ông nhanh chóng thoái vị và nhường lại ngôi cho con trai.
Đây là câu chuyện tình kinh điển, là cảm hứng sáng tác bất tận cho các thi sĩ, nhà văn đời sau.
5. Tây sương ký
Tây Sương Ký là một vở tạp kịch được viết bởi Vương Thực Phủ dưới triều Nguyên. Vở kịch kể lại câu chuyện giữa anh học trò Trương Sinh và nàng Thôi Oanh Oanh, tiểu thư nhà quan. Hai người tình cờ gặp nhau ở một ngôi đền và chàng Trương Sinh nhanh chóng phải lòng trước sắc đẹp của nàng Oanh Oanh.
Thế nhưng những lời đồn đại về sắc đẹp của nàng Thôi Oanh Oanh bay đến tai một tên thủ lĩnh thảo khấu trong vùng. Hắn đem quân đến bao vây ngôi đền hòng bắt nàng về làm vợ lẽ.
Hai người tình cờ gặp nhau ở một ngôi đền và chàng Trương Sinh nhanh chóng phải lòng trước sắc đẹp của nàng Oanh Oanh (Ảnh minh hoạ).
Trước tình cảnh đó, mẹ nàng Oanh Oanh tuyên bố sẽ gả con gái cho ai có thể cứu nàng ra. Thấy nàng đang trong vòng hiểm nguy, chàng Trương Sinh làm mọi cách để cứu nàng và cuối cùng thì cũng đưa nàng ra an toàn.
Tuy vậy, khi thấy Trương Sinh chỉ là một kẻ nghèo khó, mẹ của nàng Oanh Oanh lại phũ phàng cự tuyệt, không thực hiện lời hứa ban đầu. Mãi sau này, nhờ sự trợ giúp của người tì nữ của nàng Oanh Oanh mà hai người mới có thể bí mật thư từ qua lại và cuối cùng là ở bên nhau đến trọn đời.
6. Phượng Cầu Hoàng
Phượng Cầu Hoàng là một bài hát được phổ trên đàn tam thập lục với nội dung kể về mối tình nổi danh trong lịch sử thời Tây Hán giữa tài nữ Trác Văn Quân và nhà thơ Tư Mã Tương Như.
Tư Mã Tương Như (179 – 113 trước công nguyên) là một nhà thơ nổi tiếng còn Trác Văn Quân, con gái của Trác Vương Tôn ở đất Lâm Cùng thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Mối duyên của hai người bắt đầu từ khi Tư Mã Tương Như được mời đến dự tiệc tại nhà Trác Viên ngoại.
Tư Mã Tương Như (179 – 113 trước công nguyên) là một nhà thơ nổi tiếng còn Trác Văn Quân, con gái của Trác Vương Tôn ở đất Lâm Cùng thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Mối duyên của hai người bắt đầu từ khi Tư Mã Tương Như được mời đến dự tiệc tại nhà Trác Viên ngoại.
Vốn nổi tiếng nhờ đàn hay, tại đây chàng được đề nghị chơi một bản nhạc. Nghe thấy tiếng đàn từ gian phòng bên cạnh, Trác Văn Quân cảm thấy trong lòng bồi hồi, xao xuyến. Bỗng một làn gió từ đâu thổi đến làm tấm rèm che lay động; hai người nhìn thấy nhau và nhanh chóng "nhất kiến chung tình".
Say mê vì tiếng đàn và khí chất người quân tử, Trác Văn Quân bỏ trốn theo chàng bất chấp sự phản đối từ phụ thân. Sau này khi gia cảnh nhà Tư Mã Tương Như trở nên sa sút, hai người phải mở một quán rượu để kiếm sống và sống trong cảnh bần hàn mãi cho đến khi cha của Trác Văn Quân tha thứ và chịu giúp đỡ hai người.
Câu chuyện tình yêu với bài hát Phượng Cầu Hoàng đã được sử dụng và đề cập đến trong rất nhiều tác phẩm văn học của Trung Quốc. Giới trẻ Trung Quốc coi nó là biểu tượng cho tinh thần theo đuổi tình yêu, tự do hôn nhân và hạnh phúc.
7. Khổng tước bay về phía Đông Nam
Tác phẩm Khổng tước bay về miền đông nam, được viết bởi nhà thơ Tạ Linh Vận (385 – 433), là bài thơ tự sự dạng dài đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Hoa. Bao trùm cả bài thơ là câu chuyện tình yêu bi thảm diễn ra dưới thời Đông Hán (25 – 220).
Vào những năm Kiến An đời Hán mạt, cô gái nghèo Lan Chi thành thân với Trọng Khanh – con trai một nhà quan đang thời sa sút. Dù vô cùng yêu thương nhau nhưng Lan Chi bị nhà chồng bức ép rời xa do đôi bên không môn đăng hộ đối. Nàng đành quay về nhà mẹ đẻ nhưng lại bị anh trai ép tái hôn.
Khổng tước bay về miền đông nam – biểu tượng của tình nghĩa vợ chồng
Do còn rất yêu chồng nên Lan Chi cự tuyệt quyết không tái giá với người đàn ông nào khác. Bị dồn ép vào đường cùng, nàng đành tuyệt vọng gieo mình xuống hồ tự vẫn. Nghe tin nàng qua đời, Trọng Khanh cũng tự thắt cổ trên cây trước sân, đi theo hiền thê cho trọn vẹn nghĩa phu thê.
Khổng tước bay về miền đông nam thể hiện niềm khao khát được yêu thương và tự do hôn nhân trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Tình yêu son sắt của cặp đôi trong bài thơ và dũng khí của nàng đã làm rung động biết bao thế hệ sau này.
8. Thiên tiên phối
Thiên tiên phối (Truyền thuyết về Đổng Vĩnh và thất tiên nữ) là một câu chuyện được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc.
Thời nhà Đông hán (25 – 220) có chàng thư sinh Đổng Vĩnh bán mình để lo liệu tang cha. Tấm lòng hiếu thảo của chàng khiến cho Thất tiên nữ trên thiên đình cảm động; nàng bèn lén Ngọc đế hạ phàm để thành thân cùng chàng.
Thiên tiên phối là một câu chuyện vô cùng được yêu thích và được liệt vào danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc (Ảnh minh hoạ).
Khi Ngọc đế phát hiện, ngài ra lệnh cho nàng phải quay về Thiên đình và còn đe dọa sẽ giết Đổng Vĩnh nếu nàng không tuân lệnh. Thất tiên nữ bắt buộc phải rời xa phu quân và quay về trời. Thế nhưng cứ vào ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch hằng năm, hai người sẽ được gặp nhau một lần ở dòng sông Ngân hà.
Thiên tiên phối là một câu chuyện vô cùng được yêu thích và được liệt vào danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc.
9. Hậu Nghệ - Hằng Nga
Hằng Nga – Hậu Nghệ (Hằng Nga phi nguyệt) là một truyền thuyết tuyệt đẹp bắt nguồn từ thời Trung Hoa cổ.
Hậu Nghệ là chàng trai với tài nghệ bắn cung siêu phàm; chàng đã một mình bắn rơi chín mặt trời và chỉ để lại một mặt trời chiếu sáng cho nhân gian. Hậu Nghệ có một người vợ, đó là nàng Hằng Nga xinh đẹp. Vốn rất yêu vợ mình, chàng Hậu Nghệ đã xin Tây Vương Mẫu một thứ nước thần giúp cho cả hai được trường sinh bất tử. Hai người cùng hẹn sẽ uống nước thần vào đêm trung thu, khi mà mặt trăng lên cao sẽ chiếu sáng cả mặt đất.
Vô cùng đau lòng trước sự ra đi của chồng, nàng Hằng Nga bèn uống thứ nước thần kia một mình và bay lên cung trăng, trở thành nữ thần coi giữ cung trăng (Ảnh minh hoạ).
Nhưng người tính không bằng trời tính, vào đúng ngày quan trọng đó Hậu Nghệ chưa kịp uống nước thần đã bị một kẻ ra tay hãm hại do ghen tức với tài năng của chàng. Vô cùng đau lòng trước sự ra đi của chồng, nàng Hằng Nga bèn uống thứ nước thần kia một mình và bay lên cung trăng, trở thành nữ thần coi giữ cung trăng, mãi sống ở đó cùng với một con thỏ tên Thỏ Ngọc.
Ngày nay người ta vẫn hay nhìn ngắm mặt trăng và cầu khấn nàng Hằng Nga ban cho phước lành và may mắn.
10. Hồng Lâu Mộng
Hồng Lâu mộng là tác phẩm của Tào Tuyết Cần thời nhà Thanh. Đây được mệnh danh là một trong Tứ Đại Danh Thư của Trung Quốc với cốt truyện xoay quanh cuộc tình của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc.
Lâm Đại Ngọc là một tiểu thư con nhà danh giá, không những có dung mạo tuyệt sắc mà còn vô cùng thông thạo thi ca. Không may, cha mẹ nàng sớm qua đời và nàng từ nhỏ đã phải đến Bắc Kinh sống nương nhờ người thân.
Bước vào cửa danh gia vọng tộc, vốn bản tính nhạy cảm, nàng khó hòa nhập với thái độ lạnh lùng, sắc sảo của những người xung quanh. Trong thời gian u uất đó nàng quen biết với chàng thiếu gia Giả Bảo Ngọc. Hai người bầu bạn với nhau, vô cùng tâm đầu ý hợp để rồi dần dần nàng và Giả Bảo Ngọc nảy sinh tình cảm.
Nàng Lâm Đại Ngọc quen biết với chàng thiếu gia Giả Bảo Ngọc. Hai người bầu bạn với nhau, vô cùng tâm đầu ý hợp để rồi dần dần nàng và Giả Bảo Ngọc nảy sinh tình cảm (Ảnh minh hoạ).
Thế nhưng tình yêu đó bị ngăn cấm vì hai bên không môn đăng hộ đối. Không lâu sau đó, Giả Bảo Ngọc bị ép thành thân với Tiết Bảo Thoa. Quá đau buồn vì tình yêu không thành, cộng thêm thể trạng ốm yếu lâu năm, nàng Lâm Đại Ngọc gieo mình tự vẫn. Về phần Giả Bảo Ngọc, chàng sau này đi tu, khép mình nơi cửa Phật để đời đời nhớ đến người thương.
Chuyện tình đẹp đẽ mà đau buồn trong Hồng Lâu Mộng được người đời sau ví như phiên bản phương Đông của tác phẩm Romeo & Juliet kinh điển.
Nguồn: China Whisper