Đắt thế chứ đắt nữa thì iPhone X vẫn sẽ thành công! Lý do nằm ở đây...

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 17:03 13/09/2017

Hiệu ứng tâm lý mà Apple đã kỳ công tạo dựng không phải là thứ có thể dễ dàng xóa bỏ.

Chẳng ai có thể phủ nhận sự thật rằng Apple đã xây dựng được một đế chế thực sự vững mạnh trong làng công nghệ. Bất chấp sự phát triển mạnh như vũ bão đến từ các đối thủ cạnh tranh như Samsung, LG, HTC... "nhà Táo" vẫn có cho mình một lượng fan đông đảo, thể hiện qua doanh số khủng khiếp mỗi năm.

Đây là một điều đã được dự báo trước kể từ khi Steve Jobs xuất hiện với siêu phẩm mang tính cách mạng là iPhone 4. Trở thành người tiên phong trong thiết kế, lại luôn duy trì một con đường riêng, mỗi lần "Táo" mới ra mắt là một lần công chúng phải sục sôi.

Đắt thế chứ đắt nữa thì iPhone X vẫn sẽ thành công! Lý do nằm ở đây... - Ảnh 1.

Các đời iPhone mỗi khi ra mắt đều đem lại những phấn khích tột độ cho công chúng

Tuy nhiên, nếu bảo ảnh hưởng của Apple chỉ đến từ những đột phá công nghệ thì cũng không hẳn. iPhone 7 ra mắt với thiết kế không khác 6 và 6s là bao. Điểm nhấn công nghệ trên 7+ chỉ là cụm camera kép có tính năng chụp xóa phông, còn về tổng thể thiết kế cũng chẳng khác gì 6+ và 6s+. Thế nhưng dù bị đánh giá là nhàm chán, doanh số quý của 7+ vẫn đạt kỷ lục trong lịch sử ra đời của iPhone (theo báo cáo từ Forbes).

Thậm chí như siêu phẩm iPhone X mới ra mắt được nhiều người cho là đẹp và đột phá, thì kỳ thực những công nghệ và thiết kế nổi bật như mở khoá bằng gương mặt, màn hình tràn... vốn đã là ý tưởng được nhiều hãng máy Android khác thực hiện, chỉ là "Táo" có thể đã cải tiến chúng mượt mà hơn. Riêng cụm camera kép, dù được nâng cấp, nhưng nhìn qua chúng ta chỉ nhận thấy một sự thay đổi duy nhất so với 7+, là nó... được xoay dọc ra.

Đắt thế chứ đắt nữa thì iPhone X vẫn sẽ thành công! Lý do nằm ở đây... - Ảnh 2.

Camera dọc và màn hình tràn là 2 thay đổi lớn về thiết kế trên iPhone X

Như vậy, rõ ràng phải có những yếu tố khác làm nên sự thành công của Apple. Và một trong số đó chính là hiệu ứng tâm lý mà Apple đã "vô tình" tạo ra một cách có chủ đích, mang tên "Bandwagon effect" - hay Hiệu ứng đoàn tàu.

Bandwagon effect - khi đám đông quyết định tất cả

Có thể hiểu cái tên này là một cách gọi khác của "hiệu ứng đám đông", khi một người có khuynh hướng làm theo hay tin theo một việc có nhiều người làm hay tin dù chẳng hiểu vì sao.

Cụm từ "Bandwagon" - đoàn tàu vốn có nguồn gốc từ chính trị. Vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 1848, Dan Rice, một anh hề rất nổi tiếng đã sử dụng đoàn xe và âm nhạc để thu hút vận động chính trị cho ứng viên Zachary Taylor. Rice đã rất thành công, khi cả những người trước đó thậm chí chẳng biết Taylor là ai cũng nhảy lên đoàn xe ấy.

Đắt thế chứ đắt nữa thì iPhone X vẫn sẽ thành công! Lý do nằm ở đây... - Ảnh 3.

Sau này, nhà kinh tế Harvey Leibenstein tóm gọn nó lại thành một khái niệm thường xuyên được sử dụng trong ngành kinh tế.

Hiệu ứng xảy ra khi nhu cầu cho một mặt hàng gia tăng chỉ vì những người khác cũng đang tiêu thụ mặt hàng đó.

Leibenstein - 1950

Thậm chí, hiệu ứng còn được sử dụng cả với những nhà cung cấp và nhà kinh doanh, qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. 

Ví dụ như khủng hoảng bong bóng dot-com (chấm com hay .com đều được) trong thập niên 90. Khi ấy, hàng tá startup công nghệ đã mọc lên như nấm sau mưa mà thậm chí chẳng có nổi một kế hoạch kinh doanh cụ thể, chỉ vì cổ phiếu của các công ty công nghệ đang tăng rất mạnh. 

Đắt thế chứ đắt nữa thì iPhone X vẫn sẽ thành công! Lý do nằm ở đây... - Ảnh 5.

Khi bong bóng vỡ, thị trường quay đầu, hàng loạt công ti mở ra đều phá sản

Lại quay về thị trường công nghệ hiện tại, hiệu ứng đoàn tàu được bộc lộ rất rõ. Mỗi khi một siêu phẩm ra đời, người tiêu dùng dường như bị "kích thích" phải thay đổi, bất kể việc bản thân có thực sự cần nó hay không.

Hôm nay bạn thấy chiếc iPhone của mình thật tuyệt vời, nhưng nếu đêm hôm đó iPhone mới ra mắt, có lẽ bạn thực sự muốn mua nó ngay và luôn chỉ để sở hữu những công nghệ mới. Tin tôi đi, lý do duy nhất khiến bạn chưa đổi máy là vì... chưa có nhiều tiền mà thôi. 

Nghệ thuật tạo hiệu ứng của Apple

Thực tế chứng minh nhà "Táo cắn dở" đã tạo dựng được một hiệu ứng đoàn tàu cực kỳ thành công. Nhưng không phải tự nhiên họ có được điều đó.

Quay trở lại năm 1997, khi Steve Jobs tái hợp với Apple trong thời kỳ khủng hoảng. Người ta đã hỏi ông rằng công ty khi đó đang gặp vấn đề gì. Ông đáp: "Sản phẩm như *** (nói tục)! Chẳng có chút quyến rũ nào trong đó nữa." 

The products ***! There's no sex in them anymore!

Steve Jobs - 1997

Ý của Jobs khi ấy là ông không nhận thấy bất kỳ điều gì thu hút trong các sản phẩm của Apple. Không có tinh thần, không cảm xúc, không thông điệp, và cũng không đẹp luôn. Đối với Jobs, một sản phẩm chất lượng không chỉ hoạt động tốt, mà cái "mặt tiền" của nó cũng phải tương đương.

Đắt thế chứ đắt nữa thì iPhone X vẫn sẽ thành công! Lý do nằm ở đây... - Ảnh 7.

Với Jobs, sản phẩm tốt không chỉ nằm ở chất lượng, mà "mặt tiền" của nó cũng phải tương xứng

Steve Jobs sau đó đã thay đổi toàn bộ phương châm kinh doanh của Apple. Khách hàng sẽ phải trả tiền vì họ bán cả TRẢI NGHIỆM. Sản phẩm của Apple phải thuộc top đầu về sự quyến rũ và thu hút so với các đối thủ cạnh tranh. Một sản phẩm có giá trị kèm độ nhận diện cực cao, để người dùng có thể tự tin thể hiện đẳng cấp.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Apple còn "vẽ" ra một hình ảnh rất đẹp dành cho khách hàng của họ. Vào năm 2008, 2 năm trước khi iPhone 4 ra mắt, đã có vài cuộc khảo sát được thực hiện trên khách hàng sử dụng Mac (dòng máy tính của Apple), và cho kết quả như sau:

- Người dùng Mac thích dùng thực phẩm organic (hữu cơ - thực phẩm tự nhiên không sử dụng hóa chất).

- Người dùng Mac thường sử dụng các sản phẩm "xanh", thân thiện với môi trường, dù chi phí cao hơn.

- Người dùng Mac thường sẵn sàng trả tiền để mua nhạc.

- Người dùng Mac hài lòng với sản phẩm của họ hơn người dùng máy tính để bàn thông thường.

- Người dùng Mac quảng giao, tự tại hơn.

...

Chỉ một vài ví dụ thôi, nhưng kết quả của cuộc khảo sát lại "vô tình" tiết lộ rất nhiều điều. Thích sử dụng thực phẩm organic (hữu cơ) cho thấy họ là những người tiêu dùng thông thái. Ưa dùng các sản phẩm "xanh", chứng tỏ họ rất có ý thức bảo vệ môi trường. Trả tiền để nghe nhạc - họ có ý thức rất rõ về bản quyền. Và việc hài lòng với sản phẩm - một lần nữa chính là trải nghiệm họ có được là rất tốt...

Đắt thế chứ đắt nữa thì iPhone X vẫn sẽ thành công! Lý do nằm ở đây... - Ảnh 9.

Trải nghiệm là thứ luôn được chú trọng, hãy xem iPhone X lần này ra sao

Tất cả những đức tính thường thấy ấy vô tình tạo ra một hiệu ứng ngược, khi người tiêu dùng tìm cách mua đồ của Apple để khoe ra điều đó. 

Ngoài ra cũng giống như chim công khoe đuôi, người dùng mặc sức thể hiện khả năng chi trả những món đồ đẳng cấp, khoe ra sự thành đạt, sự khác biệt, với mục tiêu có được sự "kính nể" từ những người khác. 

Steve Jobs qua đời, các thế hệ iPhone tiếp theo - dù nhận xét thế nào - vẫn đem lại những món lợi khổng lồ. 

Đoàn tàu đã chạy và sẽ tiếp tục chạy, còn người soát vé và thu tiền chính là Apple!