Đi du lịch tìm được chỗ ở ưng ý đã khó, đặt được phòng mình thích đúng thời gian mình cần cũng không dễ dàng. Lợi dụng tâm lý muốn "chốt" phòng sớm nhiều đối tượng xấu đã tạo những fanpage có tên, hình ảnh giống hệt fanpage khách sạn "xịn" rồi lừa khách chuyển khoản sớm. Nhưng đó mới chỉ là lần lừa đầu tiên, các đối tượng sẽ xây dựng kịch bản để lừa nạn nhân thêm nhiều lần sau đó..
Khi đi du lịch, ai cũng muốn tìm được chỗ ở ưng ý, phù hợp với thời gian mình cần. Nhưng trong những dịp cao điểm như đầu năm, hè thì việc đặt được một điểm đến phù hợp không hề dễ dàng. Lợi dụng tâm lý muốn chốt phòng nhanh, các đối tượng xấu đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo khách hàng. Trên MXH, nhiều fanpage bị làm giả với tên, hình ảnh giống hệt khách sạn "xịn", thậm chí còn có lượt like, tương tác không kém phần "chính chủ" để lừa đảo. Không chỉ lừa một lần, các đối tượng còn xây dựng nhiều kịch bản để dẫn dắt, khiến nạn nhân mắc lừa thêm nhiều lần sau đó.
Mới đây, trong chương trình Chuyển động 24 giờ, VTV1, một phóng sự ngắn phản ánh vấn nạn này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Theo đó, một cô gái trẻ đang tìm kiếm thông tin đặt phòng tại homestay yêu thích cho chuyến du lịch. Nhưng cô phát hiện tới 2 trang Facebook của homestay cô lựa chọn với cùng tên cùng địa chỉ, chỉ khác nhau số lượt thích và số người theo dõi. Cô gái nghĩ rằng, trang nào có số lượt thích, theo dõi nhiều hơn thì uy tín hơn. Quá trình đặt phòng qua fanpage cũng diễn ra rất nhanh khi phía fanpage gửi 1 bảng thông tin tư vấn rằng nếu chuyển khoản trước 100% tiền phòng thì sẽ được giảm 10%. Lo lắng dịp cao điểm nhanh hết phòng, cô gái nhanh chóng chuyển khoản toàn bộ số tiền của đợt phòng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, phía fanpage lại phản hồi rằng cô ghi sai cú pháp chuyển khoản nên thông tin sẽ không được ghi nhận, phòng sẽ không được đặt thành công. Với tâm lý sợ không đặt được phòng cho kỳ du lịch, cô gái chuyển tiền thêm lần thứ 2 luôn.
Được tư vấn rằng, nếu muốn nhận lại tiền, cô phải liên hệ với kế toán của công ty để làm thủ tục hoàn tiền. "Bạn ấy liên tục giục, yêu cầu video call, bắt tôi chia sẻ hình ảnh điện thoại để kiếm tra xem điện thoại của mình có tính năng để bồi hoàn tiền hay không…
Đối tượng lừa đảo dẫn dắt rất khéo khiến cho nạn nhân bị mất tập trung, dễ làm theo lời hướng dẫn. Khi đối tượng yêu cầu điền mã vào nội dung chuyển khoản và thêm 1 mã nữa vào ô số tài khoản thì cô gái mới nhận ra "rất là sai rồi". Lúc này cô đã nhận ra bản thân đang bị lừa tiền thêm lần thứ 3 nữa.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, sau khi lừa tiền cô gái đặt phòng, đối tượng không block tin nhắn của cô mà vẫn tiếp tục nhắn tin phản hồi: "Coi như chị mất tiền học phí nhận lấy cái khôn nha. Đừng để mất tiền oan nữa nhé".
Câu chuyện được chia sẻ, nhiều người dùng MXH cho biết họ cũng từng là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này khi tìm đặt phòng khách sạn, homestay… Trước tình trạng lừa đảo ngày càng nhiều và thủ đoạn tinh vi hiện này, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia: Trên MXH, việc tạo ra 1 fanpage nhiều like, nhiều share không khó. Người dùng không nên tham rẻ, nhất là nhưng chương trình rẻ bất thường mà chuyển toàn bộ tiền cho các đối tượng. Bởi vì nếu gặp lừa đảo thì rất khó để lấy lại tiền".
Lời khuyên cho những ai thường tìm kiếm thông tin review du lịch, khách sạn trên Facebook hay TikTok là hãy tỉnh táo khi lựa chọn nơi đặt niềm tin cho chuyến đi của mình. Đặc biệt, kiểm tra kỹ lưỡng uy tín của các fanpage MXH khi đặt phòng bởi vì những trang giả mạo còn có vẻ chuyên nghiệp hơn cả trang chính chủ.
Nguồn: Chuyển động 24h