Mới đây, trường Đại học Ngoại thương (FTU) đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp Đợt 1 năm 2023 cho hơn 1.300 các sinh viên hệ đào tạo chính quy khóa 58, các khóa bổ sung và sinh viên hệ đào tạo từ xa tốt nghiệp đợt tháng 11/2022. Theo đó, nữ sinh Trần Thị Thu Hiền đã xuất sắc tốt nghiệp FTU với điểm tổng kết trung bình gần như tuyệt đối (GPA 3.99/4.0) ngành Kinh tế đối ngoại.
Đến đây, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao Hiền không đạt GPA 4.0 tròn trĩnh. Nguyên do là bởi, cô nàng đạt được điểm A ở 47/48 môn học, duy chỉ môn Kinh tế chính trị (năm nhất đại học) là không đạt điểm tuyệt đối. Theo chia sẻ, Hiền gặp khó khăn khi học môn học này ở học kỳ đầu tiên. Do không tìm được phương pháp học hiệu quả mà chủ yếu học thuộc theo giáo trình nên điểm của cô nàng bị tụt ở môn học này.
Trần Thị Thu Hiền là nữ sinh vừa tốt nghiệp Ngoại thương với GPA gần như tuyệt đối
Sau khi thông tin này được lan tỏa, nhiều người không khỏi thắc mắc không biết môn Kinh tế chính trị là gì, độ khó của nó ra sao, kiến thức gồm những gì mà khiến cả "học bá" FTU "chào thua".
Môn Kinh tế chính trị là gì?
Kinh tế chính trị (tiếng Anh: Political Economy) là một lĩnh vực liên ngành của Khoa học Xã hội. Nó bao gồm mọi hoạt động nghiên cứu, tập trung vào sự tương tác giữa mối quan hệ cá nhân với chính phủ và chính sách công. Ngoài ra, kinh tế chính trị cũng nghiên cứu về cách các lý thuyết như: chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản diễn ra trong thế giới thực.
Theo Giáo Trình Kinh tế Chính Trị Mác - Lênin của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, thuật ngữ "kinh tế chính trị" được nhà kinh tế học người Pháp A. Môngcrêchiên dùng lần đầu tiên năm 1615. Thuật ngữ này xuất hiện do kết hợp các từ có nguồn gốc Hy Lạp với nghĩa là "thiết chế chính trị".
Kinh tế chính trị cung cấp các khái niệm và hệ thống kiến thức cơ bản nhất cho khoa kinh tế hiện đại như cung cầu, lợi nhuận, tự do thương mại... Nhiều quan điểm của các trường phái kinh tế chính trị đã trở thành các tín điều mang tính ý thức hệ của các nhà kinh tế học và các chính trị gia. Môn học này liên quan đến nhiều ngành khoa học xã hội khác. Các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị thường sử dụng tri thức của các ngành khoa học xã hội khác để giải thích các hiện tượng, các hành vi kinh tế.
Ảnh minh họa
Được biết, đây là một trong sáu môn đại cương bắt buộc được giảng dạy tại các trường đại công lập, bên cạnh: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Xác xuất thống kê, Pháp luật đại cương.
Đúng với tên gọi "môn học đại cương", Kinh tế chính trị nói riêng và những môn học đại học bắt buộc khác nói riêng được đánh giá mang tính chất khô khan, dài và có tính trừu tượng cao nên thường là vấn đề khó khăn đối với sinh viên năm nhất. Ngoài ra, một phần thay đổi môi trường giáo dục, từ học sinh trở thành sinh viên, sinh viên năm nhất có những bỡ ngỡ, phần nào không quen với cách giáo dục mới ở đây.
Hiện nay, không chỉ dừng lại là ở một môn học mà Kinh tế chính trị đã được phát triển thành một ngành học. Điểm chuẩn năm 2022 một số trường đào tạo ngành này: Học viện Báo chí và Tuyên truyền (24,72 - 25,72 điểm tùy từng tổ hợp); Đại học Kinh Tế - Đại học Huế (16 điểm)... Thậm chí, trong phương án tuyển sinh năm 2023 của trường Đại học Ngoại thương, năm nay nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những trường đào tạo ngành này
Sinh viên nghĩ sao về môn học này?
Là một môn học nên sẽ có người yêu thích, có người lại "chẳng ưa" Kinh tế chính trị. Theo đánh giá của nhiều sinh viên, đây là một môn học hay, thực tiễn hơn so với những môn đại cương khác. Song, cũng có người lại cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của môn học này bởi không chỉ biết lịch sử mà người học cũng cần có hiểu biết nhất định về Kinh tế, Toán học.
Hoàng Mạnh Hùng (sinh viên ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Học viện Báo chí Tuyên truyền) bày tỏ: "Mình học môn này từ năm nhất đại học. Vì học đúng đợt dịch Covid-19, nên từ cách thức học tập cho đến ôn thi đều phải trực tuyến. Học offline đã khó nay lại còn học online, nó dường như khiến việc tiếp thu kiến thức có phần khó khăn hơn. May sao mình vẫn qua môn được".
Mạnh Hùng học môn Kinh tế chính trị đúng vào đợt dịch Covid-19
Ở một diễn biến khác, Dương Thị Minh Anh (sinh viên ngành Ngữ văn, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội) lại cảm thấy yêu thích môn học này. Cô bạn chia sẻ: "Mình lại cảm thấy rất thích môn này, thấy Kinh tế chính trị dễ hiểu hơn Triết nhiều. Nhờ chăm chú nghe giải, cộng thêm việc ôn luyện bài vở ở nhà đầy đủ nên mình đã đạt được A+ môn này".
Tương tự, Hồng Ánh (sinh viên năm 2 ngành Hàn Quốc học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cũng yêu thích môn học này. Theo nữ sinh, Kinh tế chính trị là một môn học hay, thực tế và dễ hiểu hơn so với những môn đại cương khác.
"Mình thấy môn học này hay ho đấy chứ. Với Kinh tế chính trị, mình sẽ học các kiến thức như: Các quy luật kinh tế của sản xuất hàng hóa; Sản xuất giá trị thặng dư; Các hình thái tư bản... Các kiến thức môn học này sẽ cung cấp cho chúng mình về sự vận động của kinh tế đặt trong mối quan hệ chính trị", Hồng Ánh chia sẻ.
Tổng hợp