Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là "bậc thang nhập môn"

Đình Đình, Theo Trí Thức Trẻ 20:03 19/10/2020

Cho dù có tiền cũng chưa chắc đã hiểu hết về nghi lễ xã giao "quý tộc", nhưng không có tiền thì chẳng thể có cơ hội tiếp cận được với chúng.

Không cần biết bạn có bao nhiêu tiền hay có địa vị ra sao trong xã hội, nhưng nếu muốn trở thành một quý tộc "chân chính" thì chắc hẳn bạn sẽ phải tham gia những lớp dạy lễ nghi nghiêm ngặt với cái giá trên trời. Bạn sẽ phải chi 80 nghìn tệ (tương đương 276,4 triệu đồng) cho 10 ngày tham gia "lớp học dành cho nữ chủ nhân". Và chiếc túi Hermes đắt tiền chỉ là bậc thang đầu tiên để bước chân vào giới nhà giàu này mà thôi.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 1.

Hà Bội Dung và các học viên của mình

Hà Bội Dung - Sara Jane Ho (trước đây lấy tên là Hà Bội Vanh) sinh ra tại Hồng Kông, hiện đang sống tại Thượng Hải, Trung Quốc. Khi còn nhỏ, cô từng theo học tại nhiều trường quốc tế các cấp ở Đài Loan, Anh, Mỹ. Hà Bội Dung đã lấy được bằng MBA của trường Kinh doanh Harvard, cô cũng từng theo học tại một Học viện nghi thức danh giá ở Thụy Sĩ.

Năm 2012, Thượng Hải là một cái tên thu hút rất nhiều nhân tài, cũng hấp dẫn luôn cả Hà Bội Dung - cô thạc sĩ vừa tốt nghiệp ngôi trường danh giá tại Mỹ. Trước khi quyết định trở về, Hà Bội Dung cũng tham khảo ý kiến của bạn bè, nhưng nhiều người có cái nhìn không mấy lạc quan về thành phố này. Tuy nhiên, cô vẫn kiên trì với suy nghĩ của mình và chọn Thượng Hải làm nơi lập nghiệp. Cô cảm thấy thành phố này chính là một khoảng trời rộng lớn để phát triển nền giáo dục lễ nghi tại Trung Quốc.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 2.

Mùa đông năm ấy, Hà Bội Dung về nước và quyết định tận dụng những nghi thức quý tộc mà mình đã học được ở nước ngoài để mở một công ty đào tạo lễ nghi quốc tế. Học viên của cô chủ yếu là các doanh nhân, vợ con của doanh nhân và những cô gái trẻ được gả vào "hào môn" (gia đình tiếng tăm, giàu có) với mức học phí tương đương giá trị của một chiếc túi Hermes mà bao cô gái hằng ao ước.

Việc đầu tiên của cô gái 27 tuổi khi đặt chân xuống máy bay là lập tức đi đến các khu mua sắm đồ hiệu, nhà hàng Tây và quan sát cách sống của những người dân địa phương. Việc này sẽ giúp cô nhìn ra người dân ở đây liệu có sẵn lòng tiếp nhận thay đổi và giao lưu với thế giới hay không, đồng thời cũng giúp cô nhận ra những người có tiền tại đây đang sống ở mức độ nào.

Hà Bội Dung cho rằng, ngày càng nhiều người giàu có ở Trung Quốc thấy hứng thú và cảm nhận được sự cần thiết của những lễ nghi quý tộc trong cuộc sống và cả trong công việc.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 3.

Năm 2012, Hà Bội Dung mở lớp học lễ nghi quý tộc đầu tiên ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Cô chọn những địa điểm cực hot ở trung tâm thành phố có giá thuê nhà rất cao. Tiếp theo, cô bắt đầu sưu tầm những vật dụng bằng gốm sứ thật đẹp, thật sang và mời được một đầu bếp ở Đại sứ quán Pháp đến chế biến đồ ăn kiểu Tây cho học viên của mình nhằm nâng cao chất lượng của khóa học. Sau đó, cô định giá cho khóa học với mức chi phí lên đến 80.000 tệ (tương đương 276,4 triệu đồng) cho 10 ngày học tập.

Hà Bội Dung chia sẻ, các học viên của cô đều đang trong quá trình "chuẩn bị hoặc đang dần hình thành khí chất quý tộc" và họ đã có thói quen sử dụng những chiếc túi Hermes đắt đỏ từ mười mấy năm trước. Nhưng để có được dáng vẻ thanh tao, quý phái thì cũng cần phải nỗ lực, chỉ có mỗi túi Hermes thôi thì còn lâu mới đủ. Hà Bội Dung cho rằng việc sở hữu những món đồ hàng hiệu đắt đỏ không thể khiến một người trở thành quý tộc, nhưng đây lại là những phụ kiện không thể thiếu để giúp họ bước chân vào giới quý tộc.

Sau khi có đủ, thậm chí là thừa mứa những điều kiện vật chất xa hoa, đương nhiên người ta sẽ chuyển sang theo đuổi những mục tiêu cao cấp hơn, và vừa hay là lớp học quý tộc lại đáp ứng đủ các yêu cầu cũng như mong muốn của họ.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 4.

Tại lớp học lễ nghi quý tộc của Hà Bội Dung nằm trong một biệt thự nhỏ trên đường Vũ Khang, thành phố Thượng Hải, cô mỉm cười, giữ nguyên vẻ mặt điềm tĩnh vốn có: "Khi dùng bữa với trứng cá muối và rượu Vodka thì nên ăn một miếng trứng cá trước hay là uống một ngụm rượu trước?" Cô đặt ra câu hỏi cho 9 học viên với diện mạo đoan trang đang đứng trước mặt mình. Họ đến từ những tỉnh thành khác nhau, mới bay tới Thượng Hải vài ngày trước để tham gia lớp học chọn lọc của cô giáo Hà. Còn Hà Bội Dung cũng vừa bay về từ thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Cô được mời đến đó diễn thuyết trước hàng nghìn người về những bài học lễ nghi.

Nghe được câu trả lời của học viên, Hà Bội Dung từ tốn giải thích: "Chúng ta nên uống một ngụm rượu trước, như vậy sẽ cảm nhận được rõ hơn hương vị của trứng cá."

Tại lớp học này, Hà Bội Dung sẽ giảng giải cho học viên về cách dùng trà chiều kiểu quý tộc Anh, thứ tự sử dụng các món ăn theo tiêu chuẩn, công dụng của từng dụng cụ trên bàn ăn hay phải bẻ bánh mì ra sao mới được coi là tao nhã… Những bộ ấm chén, bát đĩa tinh xảo trong lớp học đều do Hà Bội Dung lùng mua khắp nơi, giá trị không hề nhỏ.

Sau khi kết thúc khóa học, Hà Bội Dung sẽ đưa học viên đến nhà hàng kiểu Pháp dùng bữa. Tại đây, cô sẽ giúp học viên củng cố những kiến thức đã được học. Đối vời Hà Bội Dung, lớp học này chính là những bước đi giúp cho cô tiến gần tới mục tiêu của đời mình hơn.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 5.

Năm 2015, Hà Bội Dung đưa ra 3 lớp học cho các học viên lựa chọn: Lớp học kinh nghiệm chọn lọc trong 2 ngày với mức chi phí 8,8 nghìn tệ (tương đương 30,5 triệu đồng), lớp học dành cho nữ chủ nhân và lớp học thanh lịch đều diễn ra trong 10 ngày với mức chi phí lên đến 80 nghìn tệ (tương đương 276,4 triệu đồng).

Theo lời giới thiệu trên website, nội dung được truyền tải trong lớp học kinh nghiệm chọn lọc bao gồm: lịch sử và cách sử dụng các dụng cụ bàn ăn, giới thiệu đồ ăn kiểu Pháp, trà chiều kiểu Anh, những điều cấm kị trong ăn uống, lễ nghi cơ bản, trang phục phù hợp, tác phong trên bàn ăn…

Từ trang phục cho đến phụ kiện đi kèm như trang sức, giày dép cũng cần phải kết hợp thật khéo để toát lên vẻ tao nhã, sang trọng. Thậm chí Hà Bội Dung còn đem cả những chiếc mũ được cô mua từ nước ngoài về cho học viên sử dụng. Mỗi khi kết thúc buổi học, Hà Bội Dung sẽ để các học viên đặt dao dĩa trên bàn ăn và đi nhận xét, sửa động tác cho từng người một sao cho chuẩn chỉ và đẹp mắt nhất.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 6.

Học viên tìm đến những lớp học này rất đa dạng, từ phu nhân của những gia đình giàu có, cho đến giảng viên Đại học hay thậm chí là cả những du học sinh từ nước ngoài về…

Bà Quách - một học viên lớp học dành cho nữ chủ nhân - chia sẻ, bà được chồng động viên đăng ký tham gia lớp học này dù chỉ ở nhà làm nội trợ. Bà cho rằng người Trung Quốc luôn rất quan trọng lễ nghi, bà hy vọng kiến thức của mình sẽ có lúc giúp đỡ được cho chồng. Và với tư cách là một người mẹ, bà rất mong sẽ trở thành tấm gương sáng cho con gái của mình noi theo, để cô có thể trở thành một người phụ nữ ưu tú.

Bà Tiêu - Phó Giáo sư của một Học viện Du lịch và Khách sạn - biết đến lớp học của Hà Bội Dung thông qua vài người bạn ở Anh. Sau khi tìm hiểu, bà quyết định đăng ký học lớp kinh nghiệm chọn lọc. Bà Tiêu tiết lộ, bên cạnh nhu cầu công việc thì bà rất mong muốn sẽ học được những lễ nghi đúng tiêu chuẩn để khi có cơ hội sẽ chia sẻ cho bạn bè và người thân, từ đó nâng cao ý thức về lễ nghi cho những người xung quanh mình.

Chị Trần - một du học sinh tốt nghiệp ở Anh - cũng đến ghi danh vào lớp học dành cho nữ chủ nhân. Chị cho rằng việc bỏ ra khoản tiền 80 nghìn tệ là vô cùng xứng đáng, bởi chị đã học được quá nhiều thứ ở đây và những kiến thức này sẽ vô cùng có ích với chị trong công việc cũng như cuộc sống sau này. Chị chia sẻ chị tham gia lớp học này không nhằm mục đích tiến vào xã hội thượng lưu, mà chỉ vì cảm thấy mình sẽ biết cách xử sự phù hợp hơn ở mỗi trường hợp và khiến cho người khác cảm thấy họ được tôn trọng.

Chị Khang - nhân viên của một công ty nước ngoài - cho biết học phí của những lớp học này quá cao nên chị chỉ có thể chờ cơ hội đến tham gia những buổi học hoặc tọa đàm miễn phí. Chị cho rằng những kiến thức ở đây rất hữu dụng, có thể áp dụng được cả trong cuộc sống lẫn trong công việc.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 7.

Trong khoảng năm 2015, học viên của Hà Bội Dung chủ yếu đến từ 4 thành phố lớn: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, ngoài ra còn có một số ít đến từ những thành phố ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Từ năm 2018, các lớp học của Hà Bội Dung đã chuyển sang cả hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho nhiều người theo học hơn.

Một học viên chia sẻ, đối với những nhóm người không đủ khả năng chi trả 80 nghìn tệ cho khóa học này thì có thể chọn cách cử một vài người "đại diện" đi học, sau đó về truyền đạt lại cho những người xung quanh, để họ có cơ hội tiếp cận và học hỏi những nghi lễ xã giao.

Đào tạo quý tộc kiểu Tây ở Trung Quốc: Học phí gần 300 triệu đồng, Hermes chỉ là bậc thang nhập môn - Ảnh 8.

Hà Bội Dung luôn biết cách thể hiện khí chất của bản thân

Hà Bội Dung thường tổ chức party để các học viên của cô có cơ hội thực hành những kiến thức mà họ đã được học. Cô sử dụng phương pháp đắt giá và nhanh chóng nhất để học viên của mình nắm được những nghi lễ xã giao từ đơn giản đến phức tạp, thích ứng được với mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.

Bất kể là trong công việc hay cuộc sống hàng ngày, Hà Bội Dung luôn duy trì hình tượng vừa thanh tao, trang nhã, lại vừa hoạt bát, có sức sống. Cô luôn quan tâm chăm sóc da dẻ, tập thể dục đều đặn và thường xuyên mua sắm. Cô cho rằng bản thân mình cần phải có sức hút thì mới hấp dẫn được học viên, vì vậy duy trì khí chất chính là việc làm quan trọng và có sức thuyết phục nhất.

Bella - Trợ lý của Hà Bội Dung chia sẻ: "Thần thái của Sara không phải có thể học được trong ngày một ngày hai." Cô tiết lộ bản thân lựa chọn công việc này là vì bị thu hút bởi khí chất của Hà Bội Dung và những người xung quanh cô. Bella hy vọng có thể học được nhiều điều từ họ, từ đó trở thành một người có khí chất "quý tộc" hơn.

Nguồn: QQ