Đầu năm hừng hực khí thế, lên cả tá kế hoạch, mục tiêu cho năm mới, nhưng đến cuối năm lại chẳng hoàn thành được bao nhiêu là hiện thực có phần "đắng lòng" với không ít người trẻ.
Tháng 12 vừa qua, công ty Bảo hiểm Nhân thọ Allianz (New York, Mỹ) đã thực hiện một cuộc khảo sát về tiến độ hoàn thành các mục tiêu tài chính mà mọi người đã đặt ra trong năm 2023.
Kết quả cho thấy: Chỉ có 28% người tham gia khảo sát khẳng định họ đã hoàn thành được khoảng 70% các mục tiêu đã đặt ra hồi đầu năm. 82% còn lại cho biết họ không hoàn thành được mục tiêu nào, thậm chí, có người còn quên béng luôn cả danh sách mục tiêu của mình.
Ảnh minh họa
Nhìn nhận kết quả cuộc khảo sát này, Lawrence Sprung - Người sáng lập Mitlin Financial, đồng thời là tác giả cuốn sách Financial Planning Made Personal (Kế hoạch tài chính cá nhân) cho biết: "Những con số này không có gì lạ. Có rất nhiều người chỉ ghi ra những mục tiêu rất chung chung, như năm nay mình phải tiết kiệm được 500.000 USD chẳng hạn; nhưng họ lại không tính đường đi nước bước cụ thể để đạt được con số đó".
Lawrence Sprung khẳng định đó là sai lầm "chí mạng" khiến những mục tiêu bị "chết yểu trên trang giấy". Sau đó, ông gợi ý 3 việc mà mọi người nên quyết tâm thực hiện bằng mọi giá nếu muốn tình hình tài chính của bản thân khởi sắc hơn.
Theo Lawrence, nếu bạn có một hoặc nhiều khoản nợ tín dụng, việc trả hết những khoản nợ đó phải là ưu tiên hàng đầu.
"Lãi suất nợ tín dụng là một trong những loại lãi suất cao nhất trong lĩnh vực tài chính. Nó có thể lên tới 35-40%/năm nếu bạn chậm trễ trong việc thanh toán" - Lawrence khẳng định.
Matt Schulz - Giám đốc phân tích tín dụng tại công ty tài chính Landing Tree cũng có đồng tình với quan điểm của Lawrence. Ông nhấn mạnh một điều quan trọng trong việc thanh toán khoản nợ tín dụng: "Tuyệt đối không được tạo ra những khoản nợ có lãi suất khi nỗ lực thanh toán nợ tín dụng".
Ảnh minh họa
Nói cách khác, theo lời khuyên của Matt Schulz, bạn có thể vay tiền người thân hoặc bạn bè - những khoản vay với mức lãi suất 0% để trả nợ tín dụng, chứ tuyệt đối không nên vay tiền ngân hàng hay vay tín dụng để trả nợ tín dụng.
"Nhiều người không đặt ra mục tiêu xây dựng quỹ khẩn cấp vì họ đánh đồng khái niệm này với tiền tiết kiệm. Đó là cách tư duy sai lầm" - Lawrence khẳng định.
Sau đó, ông giải thích rằng: Tiền tiết kiệm là khoản tiền tích lũy để phục vụ cho những mục tiêu lớn, có tính dài hạn trong tương lai như mua nhà, đầu tư bất động sản hoặc mua xe. Trong khi đó, quỹ khẩn cấp là khoản tiền dùng cho những việc phát sinh đột xuất mà bản thân bạn không lường trước, như khi không may gặp tai nạn, mắc bệnh hoặc thất nghiệp chẳng hạn.
"Khoản tiền tối thiểu cần có trong quỹ khẩn cấp nên là một con số tương đương với chi phí sinh hoạt trong 3-6 tháng" - Lawrence chia sẻ, đồng thời gợi ý rằng bạn nên trích ra 10-15% thu nhập hàng tháng để xây dựng quỹ khẩn cấp.
Lawrence khẳng định việc đặt mục tiêu cắt giảm chi tiêu với những khoảng chênh lệch quá lớn là một trong những yếu tố chính khiến mọi người cảm thấy nản lòng, rồi từ bỏ thói quen tiết kiệm.
"Nếu hiện tại, số tiền bạn chi tiêu hàng tháng cho việc mua sắm, ăn uống, di chuyển là 9000 USD, thì tháng tới, hãy đặt mục tiêu giảm 5% tổng khoản tiền chi tiêu so với tháng trước. Mỗi tháng cắt giảm 5-10% số tiền chi tiêu so với tháng trước đó là con số an toàn, đảm bảo không tạo ra những cú shock trong chi tiêu" - Lawrence đưa ra ví dụ về lời khuyên cắt giảm chi tiêu hàng tháng theo từng bước nhỏ, để duy trì thói quen tiết kiệm, đồng thời tăng trưởng quỹ tiết kiệm.
Theo CNBC