Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cho biết, ngày 10/6 vừa qua, bệnh viện này tiếp nhận bé gái tên L.K.N, 10 tuổi, quê ở Hậu Giang trong tình trạng xuất huyết não.
Mẹ của bé N kể lại, trước khi đột quỵ bé N đi học bình thường, đột ngột có những biểu hiện đau đầu dữ dội và ói. Cô giáo N thấy vậy nên ngay lập tức gọi cho phụ huynh đến đón bé về.
Theo mẹ bé N, lúc chị đến, con gái chị mặt bắt đầu tái xanh, miệng nói lắp bắp, đi phải đỡ vì chân của bé không còn đứng vững được.
"Phải thật bình tĩnh, mình chỉ có duy nhất một đứa con gái, mình không thể nào mất con được" - mẹ N kể lại khoảnh khắc chị đến đón con ở trường.
Ngay sau đó, bé N được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ. Tại đây, sau khi hội chẩn các bác sĩ rút ra kết luận bé bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân lúc này là can thiệp nội mạch bằng công nghệ DSA (chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền). Đây là thủ thuật “vàng” trong chẩn đoán hình ảnh bệnh lý mạch máu trên thế giới.
Hình ảnh ổ dị dạng mạch máu não bẩm sinh trước can thiệp của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Sau khi được can thiệp vào 22h ngày 10/6, sáng hôm sau (11/6), bé N đã tỉnh, da hồng hào trở lại.
TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ - cho biết, đột quỵ ở trẻ em phần lớn là xuất huyết não. Nguyên nhân do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh và không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc một số ít có biểu hiện đau đầu, co giật, động kinh.
Theo bác sĩ Trần Chí Cường, khi xảy ra đột quỵ ở trẻ em, thì ngày nay sẽ điều trị theo phương pháp can thiệp nội mạch DSA, ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới. Theo đó, sau can thiệp, trẻ nhỏ bảo tồn được phần lớn chức năng, không để lại bất kỳ vết sẹo nào. Điều này khác với phẫu thuật mổ hở trước đây, việc phẫu thuật để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thậm chí là tổn thương tâm lý đến các bé còn nhỏ tuổi.
Điều quan trọng đã giúp các bác sĩ can thiệp cho bé gái trên thành công chính là đảm bảo nguyên tắc "thời gian vàng" trong cấp cứu đột quỵ. Theo đó, 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.
Do vậy khi trẻ có triệu chứng đau đầu, co giật, động kinh thì người nhà phải sớm cho trẻ đi thăm khám ngay.