Xuất hiện nhan nhản thông tin tìm trẻ lạc
Hàng loạt các Hội nhóm trên Facebook xuất hiện các thông tin tìm trẻ lạc, tìm người thân của trẻ bị lạc đường, với những lời lẽ mong mọi người chia sẻ thông tin tìm người thân cho cháu bé bị lạc.
Cụ thể, nickname Minh Hiếu, đăng trên Group Hội Văn Giang - VietEco Tourist thuộc mạng xã hội Facebook, như sau: “Bé gái này bị đi lạc ở Văn Giang, hỏi bé không nói gì nên không xác định được nơi ở. Chắc giờ này ba mẹ cũng đang đi tìm bé, vậy nhờ mọi người chia sẻ để người thân đến đón bé về nhé! Hiên bé đang ở CA ,Liên hệ đ/c Dung 035337615... Mọi người chia sẻ khi xem, đừng vô tâm không chia sẻ sẽ tội bé nha”.
Nhan nhản thông tin trẻ lạc được đăng tải lên các Hội nhóm trên Facebook
Còn đây là nickname Đặng Vân, cũng thường xuyên đăng tải thông tin tìm trẻ lạc, như: “Có 2 bé đi lạc ở đoạn cũng Văn Giang. Bé gái: Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh năm 2016. Bé trai: Nguyễn Đặng Hoàng Long sinh năm 2015. Bố: Nguyễn Thanh Phương, mẹ: Đinh Thị Trúc. Hiện không xác định được nơi ở. Nhờ cộng đồng chia sẻ tìm giúp bố mẹ hai cháu. Số điện thoại đ/c Hùng 091204941…”.
Chị Trịnh Thị Duyên, ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, Hưng Yên, cho biết: “Những thông tin đăng tải như thế này, thường được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều, bởi người dân cũng đề cao tinh thần và trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ nhiệt tình để mong sao người nhà tìm được các cháu bé bị lạc, chứ chả mấy ai nghĩ nó là thông tin giả”.
Tin tìm trẻ lạc biến thành quảng cáo Đông y
Sau khi đăng tin tìm trẻ lạc một thời gian, khi đã thu hút được nhiều lượt tương tác và chia sẻ, các đối tượng đăng tin sẽ sửa lại nội dung bài đăng. Các nội dung thông tin về trẻ lạc sẽ được thay thế hoặc bổ sung bằng nội dung quảng cáo thuốc Đông y không rõ nguồn gốc nhưng được tung hô như thần dược.
Trở lại với nickname Minh Hiếu và nickname Đặng Vân đăng tin tìm trẻ lạc nêu trên, nội dung đều đã sửa thành bài quảng cáo cho một loại thuốc Đông y Thảo mộc nam, chuyên điều trị bệnh xương khớp và tai biến, đột quỵ, chân tay tê bì, như sau: “Tai biến nằm liệt giường 2 năm, xoa bóp 3 chai thuốc này đã đi lại được, Tai nạn hay bẩm sinh không đi lại được, bạn nào có người thân bị như trên, hoặc bị đau lưng, tê bì chân tay, đau thần kinh tọa, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, vôi gai thoái hóa, suy giãn tĩnh mạch, gout… dùng thuốc này hồi phục rất tốt, số điện thoại thầy Đàm 037778095... ”.
Sau khi tin trẻ lạc có nhiều lượt tương tác và chia sẻ, sẽ được sửa nội dung thành quảng cáo thuốc Đông y
Để tìm hiểu làm rõ nội dung vụ việc, phóng viên Báo PNVN đã liên hệ vào số điện thoại của thầy Đàm, một người đàn ông nghe máy, tự xưng là thầy thuốc chuyên điều trị xương khớp. Vị này giới thiệu lọ thuốc đặc trị xương khớp Thảo Mộc Nam, ở dạng cao bôi, do Công ty TNHH Thảo Mộc Nam, có địa chỉ tại thôn 2, xã EA Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắk, sản xuất. Sau khi tư vấn cách điều trị qua điện thoại, vị này chốt giá cho 5 lọ thuốc là 1.750.000 đồng.
Thuốc Thảo Mộc Nam không rõ nguồn gốc, dàn dựng quảng cáo bằng chiêu trò đăng tin trẻ lạc
Tuy nhiên, khi tra cứu tìm hiểu về bài thuốc Thảo Mộc Nam trên trang website của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Đắc Lắk, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về bài thuốc này. Như vậy, có thể đây là bài thuốc chưa được các cơ quan chức năng chuyên môn kiểm nghiệm và công nhận.
Nhiều người bị lừa “tiếp tay” cho quảng cáo rởm
Bà Nguyễn Thị Nga, ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, chia sẻ: “Khi nhìn thấy các thông tin chia sẻ việc các cháu bé bị lạc, mình cũng thấy tội các cháu, nên đã nhấn chia sẻ, để mong sao người thân của các cháu tìm được con em mình. Nhưng vài hôm sau tôi nhận được điện thoại của bà chị ở Bắc Giang, hỏi về thuốc chữa xương khớp Thảo Mộc Nam có tốt không, để chị ấy mua. Tôi mới ngớ người ra là họ đã sửa bài đăng, nên mình thành người đi chia sẻ quảng cáo thuốc. Mà thực tế tôi có biết thuốc ấy như thế nào đâu”.
Chỉ vì tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nhiều người dân đã vô tình chia sẻ quảng cáo thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, bởi mắc bẫy lừa của các đối tượng bán thuốc
Chị Ngô Hồng Thoa, ở xã Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên, bức xúc: “Tôi thấy thông tin đăng về cháu bé bị lạc, thấy tội nghiệp quá, tôi đã chia sẻ lên các hội nhóm. Vài hôm sau thì con gái tôi nói, sao mẹ lại đi quảng cáo thuốc để các bạn ở lớp cứ trêu con là mẹ mày làm thần y. Lúc ấy mới ngớ người ra là mình đã bị lừa, bây giờ họ bất chấp tất cả để lừa lọc, mình không biết nên thành người đi tiếp tay cho quảng cáo lừa đảo”.
Thời gian qua, vấn nạn Đông y online lừa đảo đã và đang gây nhức nhối xã hội, bởi những chiêu trò dàn dựng quảng cáo lừa đảo móc tiền người bệnh, bất chấp các quy định của pháp luật và cả đạo lý, để móc tiền của người bệnh diễn ra nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội.
Vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước các thông tin quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo gian dối, lừa đảo người tiêu dùng, tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội.