Đang nhậu, nam thanh niên bị bạn cắn đứt vành tai

D.Thu, Theo Người lao động 16:30 04/05/2018
Chia sẻ

Đang ngồi nhậu với bạn, nam thanh niên 27 tuổi ở Hà Nội bị bạn nhậu cắn đứt vành tai trái.

Tin từ Bệnh viện (BV) E Trung ương sáng 4-5 cho biết các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt vừa tiếp nhận, phẫu thuật cấp cứu cho một người đàn ông bị cắn đứt vành tai bên trái khi đang nhậu với bạn.

Đang nhậu, nam thanh niên bị bạn cắn đứt vành tai - Ảnh 1.

Nam thanh niên nhập viện với vành tai đứt rời do bạn cắn (Ảnh: BV cung cấp)

Bệnh nhân là anh C.V.M. (27 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nhập viện trong tình trạng có nhiều vết trầy xước ở vùng mặt, chảy máu. Đặc biệt, bệnh nhân có tổn thương, khuyết lớn ở vành tai trái, mất toàn bộ vùng gờ luân và một phần dái tai. Vết thương gây chảy máu nhiều, nham nhở mất và lộ sụn vành tai có khả năng gây nhiễm trùng sụn vành tai. Điều đáng nói, mảnh rời của tai bệnh nhân M. lại không tìm thấy.

Các bác sĩ BV E lập tức tiến hành sơ cấp cứu cho bệnh nhân: rửa sạch vết thương, cầm máu, và cắt lọc phần vết thương nham nhở… đồng thời cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng vết thương.

Đang nhậu, nam thanh niên bị bạn cắn đứt vành tai - Ảnh 2.

Anh C.V.M. bị bạn nhậu cắn đứt vành tai

Sau khi thăm khám bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, BV E cùng kíp phẫu thuật đã phẫu thuật tái tạo lại vành tai nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng hứng sóng âm của vành tai. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật tái tạo vành tai trái cho bệnh nhân M. đã được thực hiện thành công.

Bác sĩ Minh cho biết điểm khó nhất của ca phẫu thuật tái tạo vành tai trái cho bệnh nhân M. chính là việc không tìm thấy mảnh tai rời của bệnh nhân, cộng với vết tổn thương quá lớn nên các bác sĩ quyết định sử dụng phần vạt da sau tai để phẫu thuật tái tạo vành tai trái cho bệnh nhân. Bởi vành tai biến dạng sau tai nạn ảnh hưởng đến việc đón nhận âm thanh và cản trở quá trình giao tiếp.

"Phẫu thuật tái tạo vành tai là dạng phẫu thuật phức tạp và khó thực hiện. Bởi vành tai có cấu trúc đặc biệt bao gồm lớp sụn mỏng ở giữa có hình dáng lồi lõm, bao phủ 2 mặt sụn là lớp da mỏng… Tuy vậy, với những kỹ thuật cấy ghép và tạo hình tai ngày càng phát triển, việc phẫu thuật tái tạo vành tai để giúp bệnh nhân có được vành tai trở về hình dạng bình thường" - bác sĩ Minh nói.

Đang nhậu, nam thanh niên bị bạn cắn đứt vành tai - Ảnh 3.

Bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo vành tai

Hiện phẫu thuật tái tạo vành tai không chỉ được áp dụng cho bệnh nhân bị đứt tai do tai nạn gây ra mà còn được sử dụng trong phẫu thuật tạo hình điều trị các dị tật bẩm sinh ở tai, điển hình là bệnh tai nhỏ bẩm sinh; Phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp vành tai được đặt ra đối với các trường hợp dị tật tai vểnh hay tai cụp… không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, đặc biệt ở phụ nữ...

Vì thế, khi gặp bất kỳ "sự cố" thẩm mỹ về tai, bệnh nhân cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để được tư vấn, khám và phẫu thuật kịp thời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày