Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News ngày 7/8, tại thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nước lũ rút đi nhiều, để lại lớp bùn non nhão nhoẹt.
Tranh thủ trời nắng, người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa, ngõ xóm.
Chị Ngọc Hoà chia sẻ, cách đây khoảng 1 tuần là thời điểm nước lũ dâng cao nhất, nhà chị ngập hơn 1,5 mét. Cả gia đình phải sơ tán đến nhà người quen ở khu vực cao hơn.
"Khi nước rút, tôi và chồng trở về nhà, bắt tay ngay vào dọn dẹp nhà cửa. Do bùn đất nhiều, đồ đạc hư hỏng nặng nên vợ chồng tôi phải dậy từ 2h để kịp sáng còn đi làm", chị Hoà nói.
Theo chia sẻ của người phụ nữ này, đồ đạc trong nhà hầu như bị hư hỏng hết, đặc biệt là đồ điện tử. "Dù đã kê cao đồ đạc từ trước nhưng nước dâng lên cuồn cuộn làm tủ, đồ đạc trôi nổi khắp nơi. Nhà tôi vừa sắm được cái tivi nhưng sau đợt lũ này nó cũng hỏng mất".
Dùng cây chổi đẩy lớp bùn đất dày đặc bám trên cửa, bà Vĩnh cho biết, nếu không dọn dẹp ngay thì các vết ố bẩn, bùn đất sẽ bám đặc vào đồ đạc, nhà cửa. Để khô, lâu ngày rồi mới vệ sinh sẽ rất vất vả. "Lúc mới dọn, đủ loại xác động vật nhỏ bốc mùi hôi thối khắp nơi, đến giờ mới tạm gọi là dọn xong bước đầu", bà Vĩnh phàn nàn.
Theo chia sẻ của bà Vĩnh, dù mực nước đã giảm khá nhiều so với những ngày trước nhưng bà cũng chỉ lấy chổi quét bùn non ra khỏi nhà chứ chưa hạ đồ đạc xuống vì theo dự báo cuối tuần này miền Bắc hứng mưa lớn, bà lo sẽ lại có trận lụt mới.
Cũng ở vùng "rốn ngập" tại xã Nam Phương Tiến, gia đình bà Hồng (52 tuổi) trở về nhà sau gần 2 tuần sơ tán sang nhà người thân. Nhắc về những thiệt hại do ngập lụt, bà Hồng buồn bã nói: “Nước dâng cao bất ngờ khiến nhà tôi ngập tới nóc. Tôi mất trắng đàn vịt chỉ trong một đêm, đàn gà mới nuôi cũng tan tác, không kịp sơ tán con nào”.
Bà Hồng cho biết, hôm lũ về, bà chỉ kịp nhờ hàng xóm đem công nông đến chở giúp đồ đạc, vật dụng cá nhân về nhà người thân ở xóm bên cạnh.
"Sống ở rốn lũ mấy chục năm, trải qua nhiều trận lụt lịch sử nhưng vẫn không thể giữ lại được tài sản của gia đình. Trận ngập lụt lần này khiến nhà tôi thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Tôi xót của và bất lực vô cùng", bà Hồng chia sẻ.
Tranh thủ nước rút, bà Nguyễn Thị Thiệu (chủ cửa hàng kinh doanh vòng bi, ống nhựa) cặm cụi lau rửa đồ đạc, hàng quán sau hơn chục ngày ngâm trong nước và bùn đất. Bà Thiệu thở dài: "Nước rút rồi nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm lắm. Nhà tôi ngập sâu, phải tháo hết cửa ra cho đỡ hư. Giờ bèo, bùn đất đầy nhà, dọn mãi không xuể".
Theo bà Thiệu, gia đình kinh doanh chủ yếu đồ sắt nên mưa lũ khiến hàng hóa hư hỏng khá nhiều. "Khu vực này thấp, nước lên nhanh nhưng rút rất chậm. Hơn chục ngày hàng hoá ngâm trong nước, giờ rút thì dính đầy bùn non. Tranh thủ trời nắng, tôi mang ra phơi xem có còn cái gì dùng được nữa không", bà nói.
Trước đó, ngày 25/7, nước lũ dâng cao tràn qua đê sông Bùi gây ngập diện rộng. Theo thống kê của huyện Chương Mỹ, trong đợt lũ này, 1.480 hộ dân ở 10 xã (Tốt Động, Đông Sơn, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú) trong vùng "rốn lũ" bị ngập 0,5 - 2m, 7.410 nhân khẩu cần cứu trợ và 4.329 người phải đi sơ tán.
Đây cũng là lần thứ 4 nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã ở ngoại thành Hà Nội. Lần đầu năm 2008, khi Hà Nội trải qua trận lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017, lần thứ ba vào tháng 7/2018.