Cuộc sống bị cô lập nơi vùng rốn lũ của Hà Nội
Người dân nơi đây đã phải sống trong tình trạng bị cô lập bởi nước dâng cao và thiếu thốn đủ đường.
Trường tiểu học Nam Phương Tiến, nhà văn hóa thôn Hạnh Bồ (Nam Phương Tiến) và trạm y tế xã đều chung cảnh ngập trong nước, từ ngày 30/7 nước đã bắt đầu rút nhưng rất chậm, song dự tính tình trạng ngập lụt vẫn còn kéo dài tại đây.
Chiếc máy cày của gia đình ông Bùi Ngọc Bình, trở thành “xe lội nước” hoạt động từ sáng sớm tới đêm khuya, là phương tiện vận chuyển người dân cùng các vật dụng thiết yếu được tiếp tế đến điểm tập kết, nhưng cũng chỉ mới tiếp cận được một phần của khu vực ngập lụt.
Từ thôn Nhân Lý, người dân sẽ phải chèo thuyền khoảng hơn 1km để ra tới được điểm tập kết lương thực và nhu yếu phẩm. Điều này vô tình biến con đường bê tông liên thôn trở thành một bến thuyền bất đắc dĩ
Hiện tại vẫn còn các vị trí bị ngập sâu của xã Nam Phương Tiến. Thống kê cho biết, 1.239 nhà dân ở huyện Chương Mỹ bị ngập từ 0,5-2m; 1.231 hộ dân bị ngập lối đi. Nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng; 1.874 con gia súc và 184.912 con gia cầm bị ảnh hưởng.
Xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) bị ngập nặng, có nơi nước dâng cao 4-5m. Có khoảng 300/320 hộ dân bị nước ngập. Riêng thôn Nhân Lý ngập nặng nhất, người già, trẻ nhỏ ở đây đã phải đi sơ tán. Người dân nơi đây chia sẻ rằng: "Đã sống quen với lũ và cũng có những biện pháp sinh tồn, điển hình như việc nhiều hộ dân kể từ đợt lụt lịch sử 2008 rồi tới 2018, những ngôi nhà 2 tầng đã được dựng lên, phục vụ cho đời sống mỗi khi nước dâng cao"
Người dân ở các hộ bị ngập sâu đã phải sơ tán, chỉ còn lại số ít trụ lại trông nom nhà cửa phải sống trong cảnh sinh hoạt khó khăn.
Cách gia đình bà Lân không xa là nhà ông Nguyễn Văn Cường cũng chịu chung cảnh tầng một không thể sử dụng do nước dâng cao.
Ông Nguyễn Văn Cường, 64 tuổi (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) nói: "Biết đây là vùng trũng, hay ngập nước, gia đình cũng cố gắng xây nhà lên 2 tầng để cất thóc gạo, đồ dạc khỏi những tháng ngập triền miên". Nhà ông đã xây từ 2017, tuy nhiên qua 2 mùa lũ lớn vẫn chưa hoàn thành nhà. Làm nhiệm vụ thủ từ cho Đình thôn, ông cho biết mấy ngày nay bận bịu với việc khắc phục hậu quả từ lũ cho đình. Bảo vệ tài sản đình cũng như vớt xác động vật chết trôi vào trong phạm vi đình. Do nước dâng cao, các đơn vị có trách nhiệm quyết định cắt điện một số hộ để đảm bảo an toàn cho người dân, nguồn điện chính ông Cường có được khi trời tối là ắc quy để dùng đèn, quạt phục vụ sinh hoạt những ngày nước dâng cao.
Chỉ trong 16 năm qua đã có 4 lần nước lũ tràn qua bờ đê sông Bùi, các trận lụt tại năm 2008, 2017, 2018 và năm nay. Phần hạ lưu sông là vùng thoát lũ của Thủ đô, bờ phải đê Bùi (hữu Bùi) là nơi chứa nước, phân lũ. Bờ trái (tả Bùi) có nhiệm vụ bảo vệ các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ và nội thành Hà Nội. Nước sông Bùi vượt báo động ba (trên 7 m) sẽ tràn qua đê hữu Bùi.
Và rồi đến đầu tháng 8 năm nay, nhiều ngôi làng dọc đê hữu Bùi nước vẫn che phủ đường xá, nhà cửa dù mưa không quá lớn. Nhiều đoạn đường vẫn còn cắm biển, chăng barie cảnh báo người dân không đi vào vùng nguy hiểm do nước ngập sâu. Hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai vẫn còn gần 2.500 hộ với 9.000 dân chịu cảnh sống chung với lũ.