JVevermind (Trần Đức Việt) - Vlogger từng nổi đình nổi đám trên YouTube Việt Nam quay trở lại mạng xã hội với phong cách hài hước, châm biếm quen thuộc hôm 15/5. Sau nhiều năm ngừng sản xuất nội dung mới, từ bỏ mảng vlog, JV vẫn đạt được hiệu ứng nhất định lần trở lại, nhiều khán giả nhắc đến anh, khẳng định sự "chất" của vlogger đời đầu là như thế nào.
Cách đây 10 năm, JVevermind cùng nhiều cái tên như Toàn Shinoda, Lâm Việt Anh, An Nguy, Huyme, He Always Smile… nở rộ trào lưu vlog tại Việt Nam, các kênh YouTube ra đời. Đa phần vlogger nổi tiếng này đều là du học sinh, có lối suy nghĩ hiện đại, táo bạo.
Dàn Vlogger Việt Nam đời đầu.
Thời hoàng kim của Vlogger Việt
Người nổ phát súng đầu tiên cho phong trào này là vlogger Nguyễn Lê Hưng cùng kênh YouTube Duhocsinhmy với vlog "Bạn nghĩ bạn giỏi tiếng Anh?". Trong vlog, Duhocsinhmy đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có đoạn khẳng định "tất cả người học Amsterdam thì cho rằng mình giỏi tiếng Anh".
Không vừa lòng với quan điểm trên, JVevermind tung video đáp trả, "bẻ" lại lập luận của anh chàng cùng học THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khi đặt tiêu đề "Re: Duhocsinhmy - Tán gái + xin tiền = giỏi tiếng Anh". Hai bên có những cuộc chiến "không khoan nhượng", fan hai vlogger cũng không ngừng đả kích, châm chọc nhau suốt hai năm trời. Từ đây, trào lưu vlog mở cửa, chào đón nhiều cái tên thú vị.
Giai đoạn từ 2012 - 2013 có lẽ là thời điểm thị trường vlog sôi động, náo nhiệt nhất, thời điểm những JVevermind, An Nguy, Huyme, Toàn Shinoda… chiếm lĩnh sự quan tâm của giới trẻ bằng những vlog với góc quay trực diện, đem những câu chuyện về đời sống, vấn đề xã hội… thảo luận, chia sẻ qua lăng kính cá nhân.
JVevermind có cách thể hiện nội dung thân thiện với lứa tuổi học sinh, gợi mở những vấn đề muôn thuở nhưng vẫn vướng mắc tồn đọng như bạo lực học đường, kiểm tra miệng, fan cuồng Kpop. Nam vlogger tạo màu sắc cho video của mình bằng cách nhập vai nhiều nhân vật để minh họa cho các tình huống. Cách nói hài hước, duyên dáng là điểm cộng lớn của anh, thi thoảng chêm ngang câu chửi thề bỗ bã nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Đây cũng là công thức mà Huyme, An Nguy… hướng đến.
Công thức của các nhà sáng tạo nội dung này ảnh hưởng một phần từ những vlogger nước ngoài tiếng tăm, điển hình là Ryan Higa kênh nigahiga, HolaSoyGerman, Jenna Marbles…
Khác với JV, Toàn Shinoda là người chịu thay đổi hình thức thể hiện qua vlog với nhiều nội dung đa dạng, đề cập đến vấn đề xã hội cho tới lối sống của giới trẻ. Sê-ri bản tin dí dỏm của cựu vlogger cũng được đón nhận nhiệt tình. Cái hay của anh là biến những vấn đề tưởng như nghiêm túc thành phút giây thư giãn, đáng suy ngẫm. Đáng tiếc, Toàn Shinoda qua đời năm 2014 do suy hô hấp mãn tính.
Thoái trào - Vì đâu nên nỗi?
Sự ra đi của Toàn Shinoda kéo theo nốt trầm cho vlogger Việt Nam thời điểm đó. Một lý do lớn khác là khi ý tưởng dần cạn kiệt, không ai có hướng đi mới khiến các đề tài luẩn quẩn, nhạt dần trong "khẩu vị" của khán giả.
Hai tháng, năm tháng rồi một năm, những cột mốc thời gian cư dân mạng "soi" vì mãi không thấy video nào mới từ kênh YouTube của Huyme, JV hay An Nguy… Việc năng nổ hoạt động, ra video với tần suất dày đặc trong thời kỳ hưng thịnh cũng là phần nào khiến người sáng tạo nội dung nản chí bởi khó khăn trong cách tìm phương thức níu kéo tệp khán giả.
Một số khác chú trọng số lượng hơn chất lượng mà bỏ quên nội dung. Sự thiếu trau chuốt, không còn mang ý nghĩa truyền tải thông điệp, thậm chí sao chép lẫn nhau làm người xem chẳng còn mặn mà theo dõi.
Có được định danh nhất định, dàn vlogger đời đầu trưởng thành hơn, có định hướng riêng phát triển bản thân. Việc sản xuất vlog thưa dần và chìm vào quên lãng, bước vào giai đoạn thoái trào. Là người trong cuộc, Huyme thừa nhận việc vlog trở nên nhạt và thoái trào cũng là điều bình thường. Trào lưu nào cũng gặp phải tình trạng này.
Để kênh YouTube trống trải suốt thời gian dài, cư dân mạng không còn nhắc nhiều đến những vlog của JV, An Nguy, thay vào đó họ cuốn theo trào lưu mới như cover ca khúc hot, vịt hóa thiên nga, video ngắn… luân phiên chiếm lĩnh hạng nhất trên mạng xã hội của giới trẻ Việt.
Luẩn quẩn khi định vị bản thân
Thử sức trong vai trò mới, các cựu vlogger khiến nhiều người tò mò về năng lực. JV tiến đến việc sản xuất phim ngắn điện ảnh, diễn xuất, quản lý công ty truyền thông. Năm 2015, Huyme quyết định Nam tiến, lấn sân sang điện ảnh. Một số bộ phim 9X góp mặt như Siêu Trộm, Sút, Bạn Gái Tôi Là Sếp, Anh Thầy Ngôi Sao song không tạo dấu ấn đậm nét nào.
Cùng hướng đi, An Nguy có vai diễn màn ảnh rộng trong Chờ Em Đến Ngày Mai, Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con, bên cạnh đó cô còn tham gia show truyền hình thực tế. Tuy nhiên, con đường showbiz của An Nguy dính tới thị phi khi cô thông báo "phim giả tình thật" với bạn diễn Kiều Minh Tuấn, công chúng cho đây là chiêu trò PR "bẩn", đòi tẩy chay. Nữ vlogger sau đó phải lên tiếng xin lỗi.
Dàn Vlogger đời đầu không có nhiều dấu ấn khi lấn sân sang điện ảnh.
Ngã rẽ điện ảnh không thực sự thành công khiến họ rơi vào trạng thái lấp lửng, không rõ ràng. Huyme nói anh quyết định theo đuổi và dành thời gian cho điện ảnh hơi nóng vội vì muốn mọi người công nhận mình là diễn viên hơn là Vlogger đi đóng phim. Anh chọn dừng làm YouTube, chỉ tập trung cho việc diễn xuất.
Sau vài năm giữ suy nghĩ đó, anh bối rối, thấy bản thân chững lại và không còn tham gia bất kỳ dự án phim nào. "Ở vị trí diễn viên tôi chưa có được những thành công như mong muốn. Với YouTuber, tôi đã là quá khứ" - anh chia sẻ.
Đến thời điểm này, JV kín tiếng trong đời tư, anh đang dần từng bước trở lại mạng xã hội, định vị lại tên tuổi qua những vlog. Dàn vlogger đời đầu mỗi người đều đang có một hướng đi riêng.
Họ vẫn chia sẻ cuộc sống cá nhân qua những video, mạng xã hội nhưng không giữ "nhiệt" như xưa bởi trước mắt họ đã có thế hệ Vlogger F2 bài bản, chuyên nghiệp hơn hay xu thế video ngắn lên ngôi, chiếm ưu thế nhanh chóng trên toàn thế giới.