Nghiên cứu mới của các chuyên gia tại Trường ĐH Georgia (Mỹ) công bố hôm 20-6 cảnh báo thế giới sẽ bị trận lũ rác thải nhựa nhấn chìm trong vòng một thập kỷ tới. Sau quyết định của Trung Quốc, nước Mỹ phải vật lộn với khối lượng rác thải giấy và nhựa ngày càng quá tải.
Theo nghiên cứu, ngay cả dù cho châu Âu và các khu vực còn lại trên thế giới cũng nỗ lực xử lý rác thải như Mỹ, chất thải nhựa vẫn chất đống lên đến 111 triệu tấn vào năm 2030, trong đó chỉ riêng Mỹ - quốc gia xuất khẩu rác thải sang Trung Quốc nhiều nhất - phải đối phó thêm 37 triệu tấn chất thải nữa. Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại lượng rác thải khổng lồ này sẽ tiếp tục rò rỉ xuống biển hoặc tràn sang các nước láng giềng.
Các công nhân phân loại rác thải tại một nhà máy xử lý rác ở khu vực Westborough thuộc bang Massachusetts - Mỹ Ảnh: BOSTON GLOBE
Theo tờ The Washington Post (Mỹ), ngành công nghiệp tái chế rác thải của phương Tây đã phải "nhờ cậy" bộ máy tái chế của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu 106 triệu tấn rác thải (tương đương 45% lượng rác thải toàn cầu) - kể từ năm 1992.
Bà Jenna Jambeck, chuyên gia thuộc Trường ĐH Georgia (Mỹ) và là một thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng không có một quốc gia riêng lẻ nào đủ khả năng tái chế rác thải như Trung Quốc.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 8,3-9 tỉ tấn nhựa được sản xuất từ năm 1950. Chỉ trừ 2 tỉ tấn được tái chế, số còn lại còn nằm nguyên trong các bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, như đại dương.
Bất chấp tác hại của rác thải nhựa, nhựa vẫn được sản xuất phổ biến, đặc biệt bao bì nhựa đựng thực phẩm, nước uống và các mặt hàng thuốc lá thường là loại một lần. Điều này góp phần tạo ra 61% rác thải trên biển toàn cầu. Hồi năm 1960, nhựa chỉ chiếm 1% trong những bãi rác ở các thành phố trên toàn thế giới nhưng tăng vọt lên mức 10% vào năm 2005.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, các nhà nghiên cứu cảnh báo sẽ có đến 13 tỉ tấn nhựa bị đổ ra các bãi rác trên toàn thế giới.