Đại dịch COVID-19 làm thêm 8.000 người Nhật Bản tự tử

Thu Hằng, Theo Báo Tin tức 00:35 19/08/2022

Theo tờ Japan Times, một nghiên cứu gần đây đã tính toán rằng đại dịch COVID-19 đã dẫn đến thêm 8.000 vụ tự tử ở Nhật Bản so với mức bình thường nếu không xảy ra dịch bệnh.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi ông Taisuke Nkata, Phó giáo sư tại Đại học Tokyo, phụ nữ ở độ tuổi 20 chứng kiến sự gia tăng lớn nhất số người tự tử; trong khi phụ nữ từ 19 trở xuống cũng có mức tăng đáng kể.

Các quy định hạn chế chủ yếu là tự nguyện thời dịch COVID-19 đã được áp dụng ở Tokyo và những khu vực khác cho đến tận tháng 3 năm nay. Người dân được yêu cầu hạn chế đi lại xuyên tỉnh, các nhà hàng quán bar đóng cửa sớm.

Đại dịch COVID-19 làm thêm 8.000 người Nhật Bản tự tử - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 có thể đã dẫn đến thêm 8.000 vụ tự tử ở Nhật Bản từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2022 so với mức dự kiến nếu không có đại dịch hoành hành. Ảnh: AFP/Kyodo

Ông Nakata cho biết: “Phụ nữ, những người nhiều khả năng mất công việc thường xuyên hơn nam giới, có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn về mặt kinh tế, trong khi nhóm người trẻ tuổi có thể dễ bị cô lập do các hạn chế về đi lại, hành vi”.

Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, tổng số vụ tự tử ở nước này lên đến khoảng 21.000 vụ trong cả năm 2020 và 2021, tăng từ khoảng 20.000 vụ trong hai năm trước đó. Nhưng tác động của đại dịch COVID-19 vẫn chưa rõ ràng.

Ở Nhật Bản, khó khăn kinh tế được cho là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tỉ lệ tự tử, vì số người tìm đến cái chết có xu hướng tăng khi tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Nhóm nghiên cứu đã ước tính về số ca tự tử dự kiến trong khoảng thời gian này dựa trên các xu hướng trong quá khứ, với sự biến động về việc làm. Sau đó, họ so sánh con số đó với con số thực tế và thấy rằng con số này có khả năng tăng là 8.088 ca.

Những người ở độ tuổi 20 có số ca tự tử liên quan đến đại dịch lớn nhất, là 1.837 người, trong đó 1.092 là phụ nữ. Tự tử do đại dịch gây ra, theo tính toán trên, chiếm khoảng 30% tổng số vụ tự tử ở nhóm tuổi này.

Những người 19 tuổi trở xuống chiếm 377 vụ tự tử liên quan đến đại dịch, trong đó 282 vụ là phụ nữ.

Mặc dù các vụ tự tử ở Nhật Bản đã giảm từ 500 đến 3.000 người mỗi năm kể từ năm 2010, nhưng xu hướng này đã tăng lên vào năm 2020 lần đầu tiên sau 11 năm. Con số tự tử gần như giữ nguyên vào năm 2021.

Trong khi các vụ tự tử ở nam giới giảm trong năm thứ 12 liên tiếp, thì số vụ tự tử của phụ nữ tăng năm thứ hai liên tiếp. Các vụ tự tử của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt mức cao kỷ lục 499 vào năm 2020 và vẫn ở mức tăng cao.

Với việc chính phủ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế lây nhiễm, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản vẫn ở mức cao.

Theo chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp dao động trong khoảng 2,5 đến 3,0% kể từ tháng 3/2020, khi các ca mắc COVID-19 bắt đầu gia tăng trên toàn quốc, cao hơn tỷ lệ khoảng 2,4% trong các dự báo được đưa ra trước đại dịch.

Theo một nghiên cứu khác, sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế cũng có khả năng giáng một đòn mạnh vào số lượng các cuộc hôn nhân mới ở Nhật Bản. Việc giảm số cặp đôi kết hôn có thể đồng nghĩa với việc số trẻ sinh ra trong tương lai sẽ giảm đi 243.000 em.

Để ngăn chặn tác động tiêu cực đến các hoạt động xã hội và kinh tế, một số chuyên gia đang kêu gọi chính phủ nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch COVID-19, chẳng hạn như rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh.

Giáo sư tại Đại học Osaka, Fumio Otake, cho biết: “Điều quan trọng là phải cân nhắc những rủi ro của việc kiềm chế lây nhiễm COVID-19 với việc ngừng các hoạt động kinh tế xã hội”. Ông kêu gọi chính phủ thay đổi chính sách khi xem xét những dữ liệu như số vụ tự tử.

“Để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, cần phải nới lỏng các biện pháp, chẳng hạn như rút ngắn thời gian cách ly đối với bệnh nhân nhiễm bệnh và chuyển trọng tâm sang những người có nguy cơ cao phát triển các triệu chứng nghiêm trọng,” Giáo sư Otake, người cũng là thành viên ban phòng chống COVID-19 của chính phủ Nhật Bản, cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày