Là một quốc gia thuộc nền văn hóa Đông Á và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo, Hàn Quốc từng đối mặt tình trạng phân biệt giới tính nghiêm trọng. Tới tận những năm 1980-1990, việc lựa chọn giới tính thông qua bỏ thai vẫn diễn ra rất thường xuyên, mặc cho việc phá thai là phạm pháp ở thời điểm đó.
Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi trong những năm gần đây, với vai trò dẫn dắt thuộc về những cặp vợ chồng trẻ - những người có nhiều ảnh hưởng nhất trong việc định hình dân số quốc gia trong tương lai.
Theo Korea Times, niềm tin giờ đây của các cặp vợ chồng trẻ tại Hàn về giới tính của con cái đã có sự thay đổi so với trước đây. Cụ thể, nhiều người tin rằng việc một gia đình có 2 con gái là lý tưởng nhất, xếp sau là gia đình có 1 trai, 1 gái. Gia đình có 2 con trai và không có con gái là trường hợp ít được mong đợi nhất.
Kim Yeon-ju, một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở tỉnh Gyeonggi cho biết cô hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Kim hiện đang nghỉ thai sản từ tháng 3.
"Tôi thấy rất rõ xu hướng là con gái đang được ưa chuộng hơn con trai, đặc biệt là ở các cặp vợ chồng trẻ đang có kế hoạch sinh em bé" - cô nói với tờ Korea Times, tiết lộ thêm rằng cô cũng thuộc nhóm những người mong có con gái hơn.
Cô giải thích: "Với tư cách là những người mẹ trẻ, chúng tôi tin rằng khi lớn lên, những đứa con trai sẽ trở nên xa lạ như người dưng, rồi chúng sẽ rời khỏi nhà ngay khi kết hôn, có một gia đình mới và rất ít đứa có kết nối tình cảm với cha mẹ".
"Con nào thì cũng là con" và mỗi đứa con đều là niềm vui, phước lành của cha mẹ. Tuy nhiên, con gái đang ngày càng trở nên được ưa chuộng hơn nhiều so với con trai tại quốc gia Đông Á. Theo một khảo sát mới đây của Hankook Research trên tổng số 1000 người toàn quốc, có tới 55% tin rằng "có con gái là điều cần thiết" so với con số 31% cho con trai.
Trong khảo sát, con gái được ưa thích hơn con trai bởi cha mẹ ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng xu hướng đặc biệt rõ ràng ở những người trả lời trong nhóm >60 tuổi. Trong nhóm tuổi cao này, 70% cho biết họ thích có con gái hơn, cao hơn rất nhiều so với 43% thích con trai.
Việc các bậc cha mẹ Hàn Quốc thích con gái hơn con trai là một điều trớ trêu ở chỗ đất nước này đã vô cùng trọng nam khinh nữ trong nhiều thế kỷ, do ảnh hưởng của các giá trị tân Nho giáo.
Trong lịch sử, các bà mẹ có con gái được khuyến khích và thậm chí bị đe dọa sinh thêm con trai để nối dõi. Các thành viên nữ trong gia đình được coi là công dân hạng hai, những người chỉ có thể đảm nhận một phần hạn chế các nghĩa vụ báo hiếu bao gồm thừa kế tài sản, nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ.
Kể từ khi công nghệ lựa chọn giới tính được giới thiệu và phổ biến rộng rãi vào những năm 1970 và 1980, sự chênh lệch giới tính xuất hiện rõ ràng hơn thông qua việc phá thai con gái, làm tăng mạnh tỷ số giới tính khi sinh lên 116 bé trai trên 100 bé gái vào năm 1990, trong khi tỷ lệ trung bình tự nhiên là 103-107 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái.
Tuy nhiên, sự thiên lệch giới đó đã bị đảo ngược tại Hàn Quốc. Theo Tài liệu nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới từ năm 2007, đây cũng là đất nước đầu tiên tại châu Á đạt được điều này.
Tỷ lệ giới tính khi sinh của Hàn đạt mốc tự nhiên nói trên vào năm 2007 -với 106,2 bé trai/100 bé gái. Theo số liệu mới nhất năm 2020, con số đó là 104,8/100.
Sự ưa thích ngày càng tăng đối với con gái cũng là điểm đáng chú ý trong lĩnh vực nhận con nuôi. Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết 65,4% trong số 260 trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước vào năm 2020 là nữ.
Cho Young-tae, giáo sư tại Trường Đại học Y tế Công cộng của Đại học Quốc gia Seoul, chuyên về nhân khẩu học và hồ sơ dân số, cho biết: "Hàn Quốc không chỉ là quốc gia đầu tiên mà còn là quốc gia duy nhất trên thế giới chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng trong việc muốn sinh con trai".
Quyền lợi hay áp lực?
Cho giải thích rằng sự lật ngược xu thế một phần là do sự thay đổi vai trò báo hiếu từ con trai sang con gái.
"Thông thường, các xã hội có xu hướng ưa chuộng con trai một cách mạnh mẽ và phổ biến vẫn giữ niềm tin vững chắc vào việc nối dõi gia đình. Nhưng điều đó đã nhanh chóng biến mất ở Hàn Quốc khi các thế hệ lớn tuổi cũng thay đổi để coi trọng cuộc sống của họ hơn là tương lai của dòng họ". Cho nói, giải thích rằng các con trai không còn có đặc quyền gia đình như trước đây.
Mặt khác, các bậc cha mẹ Hàn Quốc đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của việc có con gái - quan trọng nhất là việc có thể trông cậy vào những đứa con thuộc giới tính này khi đến tuổi xế chiều.
Trên thực tế, việc mong muốn có con gái phản ánh kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh Hàn vào những đứa con mang giới tính này.
Các thế hệ cha mẹ đã học được qua kinh nghiệm rằng con gái có xu hướng kết nối tình cảm tốt hơn với cha mẹ và nhiệt tình hỗ trợ họ trong những năm cuối đời, Cho nói. Kết quả là, cha mẹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào con gái, những người chăm sóc tốt hơn khi họ già yếu, đặc biệt là khi tuổi thọ ngày càng tăng.
So với vị thế của phụ nữ ở Hàn Quốc trong lịch sử, địa vị kinh tế xã hội được cải thiện phần nào của phụ nữ ngày nay là một lý do khác khiến con gái được ưa chuộng hơn, Cho nói. Phụ nữ ít bị chồng chi phối nhiều hơn ngày xưa, còn bố mẹ chồng giờ cũng gây ít áp lực lên việc sinh con trai hơn.
"Trên hết, những phụ nữ sống sót qua thời kỳ chuộng con trai mạnh mẽ ở Hàn Quốc từ những năm 1980 và 1990, giờ đây đã trưởng thành và trở thành thế hệ sinh con. Họ tự biết rằng việc sinh con trai không phải là điều bắt buộc" - Cho nói.
Cha mẹ Hàn mong đợi có thể trông cậy vào con gái khi về già.
Mặc dù con gái được ưu ái hơn con trai, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phụ nữ Hàn Quốc giờ đây có quyền bình đẳng ngang với nam giới hoặc được cải thiện về vị thế xã hội.
Lee Joo-hee, giáo sư xã hội học tại Đại học Ewha Womans cho biết: "(Sự ưa chuộng con gái) phản ánh những kỳ vọng của xã hội và những vai trò được chỉ định đối với phụ nữ, như phải làm nhiều việc nhà và lao lực về tình cảm hơn nam giới trong gia đình".
Nói cách khác, việc ưu ái con gái giống gánh nặng nghĩa vụ hơn là đặc quyền cho phái nữ.
Theo Lee, sở dĩ con gái có khả năng kết nối tình cảm và chăm lo cha mẹ hơn vì mức độ tham gia lao động kinh tế của họ thấp hơn 20-30% so với đàn ông. Trong khi đó, xã hội lại kỳ vọng họ phải đóng góp nhiều hơn về mặt tình cảm trong gia đình.
Một tài liệu nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) về sự chênh lệch giới tính trong thị trường lao động của Hàn Quốc được công bố vào tháng 7 chỉ rõ khoảng trống trong lực lượng lao động nữ do phụ nữ phải kết hôn và có con.
Báo cáo chỉ ra mối liên hệ giữa thị trường lao động và các mô hình sinh sản, trong đó nhiều phụ nữ không trở lại làm việc sau khi sinh con, Ngược lại, những người chọn không lập gia đình hay sinh con đều có mức độ tham gia lao động tương đương nam giới.
"So với trước đây, suy nghĩ về bình đẳng giới đã trở nên phổ biến hơn và có ảnh hưởng đến sự suy giảm mong muốn có con trai. Tuy nhiên, thích con gái hơn con trai không nhất thiết có nghĩa là chúng ta đã đạt được bình đẳng giới", Lee nói. "Thay vào đó, nó là một hình thức phân biệt giới tính khác, bởi vì con gái được ưu tiên hơn con trai vì cùng lý do trước đây con trai được ưa thích hơn con gái - đấy là giá trị về chức năng (trong gia đình)".
Nhưng những người phụ nữ không lập gia đình thì cũng có gánh nặng riêng.
Khi Jeon Eun-hee còn đang đi học đại học, mẹ cô gánh chịu một cơn đột quỵ. Để dành thời gian chăm sóc mẹ mình, cô phải bảo lưu 1 năm ơ trường. Suốt những năm 20 tuổi, Jeon phải đảm nhận trách nhiệm chăm lo cho mẹ già.
Khi được phỏng vấn vào 4 năm trước đây, cô đã 38 tuổi, chưa từng kết hôn và vẫn là người chăm lo từng chút một cho mẹ.
"Vào lần đầu tiên bị đột quỵ, bà ấy không khác gì một đứa trẻ 6-7 tuổi" - Jeon chia sẻ.
"Mẹ tôi đã nằm viện trong 1 năm, và sau đó phải đến cơ sở chăm sóc thường xuyên trong khoảng 3 năm. Tuổi 20 của tôi dành hoàn toàn cho việc chăm sóc mẹ tôi. Khi tình trạng của bà ấy được cải thiện, tôi nói với bà rằng tôi sẽ chuyển ra ngoài sống. Bà ấy rất khó chịu về điều đó, nhưng tôi cảm thấy mình không thể sống như thế được nữa".
Jeon là một trong số rất nhiều phụ nữ độc thân của Hàn Quốc - bao gồm cả những người chưa từng kết hôn và những người đã ly hôn - được cho là có gánh nặng chăm sóc cha mẹ già không tương xứng so với những người anh em trai trưởng thành.
Việc chăm sóc cha mẹ già bị đổ dồn cho con gái, nhất là những người độc thân.
Theo nghiên cứu của Womenlink, một tổ chức phi chính phủ về quyền phụ nữ, khoảng 20% phụ nữ ở độ tuổi cuối 40 trở lên được cho là đang chăm sóc cha mẹ trong bối cảnh ngày càng già hóa của Hàn Quốc.
Nghiên cứu tuyên bố rằng phụ nữ trung niên, độc thân chưa từng kết hôn có nhiều khả năng phải gánh vác trách nhiệm hơn nam giới và phụ nữ trưởng thành đã kết hôn.
Vì họ không có gia đình riêng để chăm sóc và việc chăm nom cha mẹ hàng ngày thường được trông đợi ở con gái, phụ nữ thường bị bỏ lại với trách nhiệm nặng nề mà không có sự hỗ trợ từ anh chị em đã kết hôn, nghiên cứu chỉ ra thêm.
"(Khi mẹ tôi ốm), em gái tôi đang là sinh viên. Anh trai tôi đã có vợ và một con, nhưng vì tôi chưa từng kết hôn nên tôi có nhiều thời gian hơn sau giờ làm việc", Bae Hye-yeong, 49 tuổi, người chăm sóc chính cho bà mẹ ốm yếu của cô trong hơn 15 năm, cho biết.
"Điều tôi cảm thấy không công bằng là tôi đã bị mẹ gây áp lực rất lớn đến mức phải nghỉ việc để có thể chăm sóc bà toàn thời gian, trong khi bà không bao giờ yêu cầu anh trai tôi phải làm như vậy. Bà còn liên tục nói: 'Bố mày đi làm còn mang tiền về nhà nên cứ ở nhà lo cho tao'".
Để làm tình hình nghiêm trọng hơn, số người cao tuổi của Hàn Quốc - những người từ 65 tuổi trở lên - chiếm 13,8% dân số theo số liệu 2017. Người ta dự đoán rằng người cao tuổi Hàn Quốc sẽ chiếm 26,1% dân số cả nước vào năm 2032 và 41% vào năm 2060.
Trong khi dân số người cao tuổi đang gia tăng đáng kể, số liệu thống kê cho thấy gần một nửa nhóm dân số cao tuổi sống trong cảnh nghèo đói tương đối. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hệ thống thuế và phúc lợi công cộng của Hàn Quốc, chẳng hạn như kế hoạch hưu trí xã hội và trợ cấp thất nghiệp, không làm giảm đáng kể sự bất bình đẳng.
Nguồn: Korea Times, Korea Herald