Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng nhận định: Trong công tác phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em, truyền thông đóng vai trò là bước đầu tiên và rất quan trọng. Trong những năm qua, công tác truyền thông phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em đã được quan tâm; từ các cơ quan, ban ngành ở Trung ương đến các cấp, các ngành ở địa phương, các cơ quan truyền thông, toàn xã hội và bản thân các em.
Thời gian qua, Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em TP Đà Nẵng đã có nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, phương pháp truyền thông sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về công tác phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em qua đó cũng được phát hiện và giải quyết tốt hơn.
Thực tế, theo thống kê của Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em TP Đà Nẵng, từ năm 2016 đến 06 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 86 vụ/146 đối tượng xâm hại trẻ em với 88 em. Trong số trẻ em bị xâm hại, có 6 em bị xâm hại có độ tuổi dưới 06 tuổi, 28 em trong độ tuổi từ 06 tuổi đến dưới 13 tuổi và 54 em trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022 có tới 17 vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố (trong đó 13 vụ xâm hại tình dục, 4 vụ bạo lực) gấp đôi so với 2021.
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Đổi mới công tác truyền thông trong phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em" sáng ngày 23/8, tại Đà Nẵng
Các loại tội phạm xâm hại trẻ em khá đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vẫn là nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 76,7% (trong đó, hiếp dâm trẻ em có 22 vụ; "giao cấu với trẻ em" là 30 vụ; dâm ô trẻ em là 13 vụ; sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm có 1 vụ). Bên cạnh đó, nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe chiếm 15,1% (trong đó, giết trẻ em có 01 vụ; cố ý gây thương tích là 11 vụ).
Nhóm các tội xâm phạm về tài sản chiếm 4,7% (trong đó, cưỡng đoạt tài sản: 01 vụ; cướp giật tài sản: 01 vụ; trộm cắp tài sản: 02 vụ) và các tội khác chiếm 3,5%.
"Các em bị xâm hại đều bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ, có trường hợp trẻ em bị xâm hại nhiều lần, trong thời gian dài và dẫn đến mang thai, sinh con" - bà Lê Thị Tám bày tỏ lo ngại.
Hơn nữa, hành vi xâm hại trẻ em còn gây tác động nghiêm trọng đối với xã hội, tạo tâm lý hoang mang cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. Đặc biệt, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 26 em. Trong đó, có 15 em tử vong vì đuối nước.
Điều đó cho thấy một thực tế rằng, công tác truyền thông phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay.
Đây là lý do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo với chủ đề "Đổi mới công tác truyền thông trong phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em". Đây là diễn đàn để các cơ quan, ban ngành, tổ chức Hội đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ thảo luận, trao đổi, phản ánh rõ thực trạng công tác truyền thông trong phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em.