Những ngày qua, nhiều phụ huynh có con đang học lớp mầm non tại Trường quốc tế Singapore - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng phản ứng về việc nhà trường lạm thu tiền đặt cọc. Các phụ huynh cho rằng, nhà trường đã thu nhiều khoản ngoài quy định Luật Giáo dục đối với các cháu từ mầm non lên tiểu học và từ cấp 2 lên cấp 3.
Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng.
Phía công ty Kinderworld Việt Nam cho rằng, số tiền này nhằm đảm bảo phụ huynh không cho con nghỉ học giữa chừng hoặc làm hư hại đồ dùng học tập của trường. Công ty hứa sẽ hoàn trả số tiền “đặt cọc” này khi trẻ vào lớp 1.Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng do Công ty Kinderworld Việt Nam đầu tư và quản lý. Trường có các cấp học từ mầm non lên đến THPT. Anh Nguyễn Phước Trung Bảo, phụ huynh có con theo học trường này cho biết, khi cho con học mầm non tại đây, anh phải đóng một khoản tiền “đặt cọc” 11 triệu đồng để ghi danh.
Tháng 6 năm nay, anh Bảo làm hồ sơ cho con vào cấp 1 cùng hệ thống của trường này thì bất ngờ nhận được thông báo phải đóng “phí đặt cọc” 8 triệu đồng/học sinh chuyển cấp.
Như vậy, 11 triệu tiền đặt cọc kia nhà trường chỉ trả lại 3 triệu đồng. Anh Bảo ước tính, riêng lớp mầm non chuyển lên cấp 1 tại trường này có khoảng 30 học sinh thì số tiền nhà trường thu vào với "phí đặt cọc" này là gần 240 triệu đồng.
Như vậy, 11 triệu tiền đặt cọc kia nhà trường chỉ trả lại 3 triệu đồng. Anh Bảo ước tính, riêng lớp mầm non chuyển lên cấp 1 tại trường này có khoảng 30 học sinh thì số tiền nhà trường thu vào với "phí đặt cọc" này là gần 240 triệu đồng.
Nhiều phụ huynh phải đóng 11 triệu đồng "đặt cọc" ở cấp mầm non. Sau khi con lên cấp 1, số tiền này được hoàn trả nhưng thực chất là bị trừ thẳng vào khoản "đặt cọc" mới 8 triệu đồng.
Khi các phụ huynh phản ứng quyết liệt thì phía nhà trường chỉ trả lời bằng văn bản qua email tới từng phụ huynh. Theo nội dung thư gửi qua email, "khoản phí đặt cọc được căn cứ vào Điều 328, Bộ luật Dân sự 2015, đã áp dụng phổ biến ở các trường quốc tế khác tại Đà Nẵng và Việt Nam".
Tuy nhiên, anh Nguyễn Phước Trung Bảo không đồng tình với cách lý giải này: Theo Luật Dân sự, Điều 328 quy định thì được hiểu rằng tiền đặt cọc đó cho một tài sản, hay 1 hoạt động kinh doanh nào đó thì mới gọi là phí đặt cọc.
"Ở đây, nhà trường và phụ huynh có ký với nhau một hợp đồng kinh doanh nào không? Có ký với nhau đâu, mà họ trả lời đó là thỏa thuận dân sự? Khi mình hỏi tại sao là 8 triệu? Tại sao không phải là 7 triệu, 9 triệu mà là 8 triệu? Họ không trả lời được", anh Trung nêu ý kiến.
Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh của 3 cháu đã và đang theo học tại trường này cho rằng, nếu học sinh làm hỏng đồ đạc, thiết bị, nhà trường yêu cầu cha mẹ của em đó đền bù, chứ không thể buộc tất cả mọi người đóng tiền đặt cọc? Đại diện công ty Kinderworld Việt Nam từ chối yêu cầu họp toàn thể phụ huynh bị thu "phí đặt cọc".
Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã liên hệ với bà Trần Công Minh Hữu, đại diện trường quốc tế Singapore chi nhánh tại Đà Nẵng, thì bà Hữu cho biết sẽ họp với phụ huynh giải quyết thắc mắc trong tuần này.
Hiện, nhiều phụ huynh vẫn đang tiếp tục gửi thư và yêu cầu nhà trường tổ chức một cuộc họp công khai về khoản "phí đặt cọc". Một số phụ huynh đã gửi đơn tới UBND thành phố Đà Nẵng, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng khiếu nại về việc này.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào thành phố Đà Nẵng xác nhận, đã nhận được đơn thư khiếu nại của phụ huynh. Ông Linh cho biết, sau khi kết thúc việc chấm thi THPT quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ làm việc trực tiếp với trường.
"Chúng tôi có nhận được rồi. Nhưng vì chúng tôi đang chấm thi, chưa có điều kiện làm việc với trường. Thực ra, mỗi đơn vị có những quy định, nhưng quy định này phải được sự đồng thuận của người học cũng như phụ huynh người học. Nhưng hiện chúng tôi chưa làm việc trực tiếp nên cũng chưa biết thế nào. Phải đến kiểm tra cụ thể mới có những đánh giá được", ông Mai Tấn Linh cho biết./.