Đà Nẵng nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai, tập trung di dời dân đề phòng đêm ngập thứ 2

Hà Nam, Theo Phụ Nữ Việt Nam 20:22 14/10/2023
Chia sẻ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông báo khẩn cấp nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai lên đến cấp 4 đối với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, chỉ sau mức thảm họa.

Tối 14/10, tại Đà Nẵng tiếp tục có mưa rất to, hiện nhiều khu vực tại địa phương này vẫn đang còn bị ngập sâu.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo ngày mai (15/10), khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 450mm.

Riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tiếp tục có mưa 300-450mm, có nơi trên 800mm.

Đà Nẵng nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai, tập trung di dời dân đề phòng đêm ngập thứ 2 - Ảnh 1.

Đà Nẵng đang dồn toàn bộ các lực lượng tập trung sơ tán dân, chuẩn bị ứng phó đêm ngập lụt thứ 2 dự báo còn phức tạp hơn.

Với dự báo lượng mưa rất lớn, cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam lần đầu tiên nâng cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế lên cấp 4, cấp cao nhất, chỉ sau mức thảm họa.

Theo thống kê ban đầu, hiện toàn Đà Nẵng đang có 11 vị trí ngập từ 1 m trở lên, chủ yếu thuộc khu vực phường Hòa Minh và phường Hòa Khánh Bắc của quận Liên Chiểu. Tại huyện Hòa Vang có 381 hộ bị ngập.

Tính đến chiều 14/10, đã có hơn 4.000 người dân tại các vùng xung yếu được sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn.

Đà Nẵng nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai, tập trung di dời dân đề phòng đêm ngập thứ 2 - Ảnh 2.

Người dân được di dời ra khỏi vùng bị ngập sâu.

Chiều 14/10, tại cuộc họp ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao các quận, huyện, sở, ngành và lực lượng vũ trang đã rất chủ động ứng phó với đợt mưa lớn này, nhờ vậy đã bước đầu giảm thiểu được thiệt hại.

Tuy nhiên, Chủ tịch Đà Nẵng đặc biệt lưu ý đến đợt mưa thứ 2 trong chiều và tối 14/10 dự kiến sẽ còn phức tạp hơn. Do đó, yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, nếu cần thiết phải có phương án sơ tán thêm các hộ dân trong vùng nguy cơ ngập. Đối với số dân đã di dời, phải đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, không để bà con thiếu ăn, chịu rét, nhằm đảm bảo sức khỏe.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày