Đã mót tiểu thì chớ, nghe tiếng nước chảy róc rách càng cảm thấy "nỗi buồn sục sôi" - vì sao thế?

Hoài Nguyễn, Theo Helino 12:32 28/08/2018

Cùng tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hiện tượng "mót tiểu" dở khóc dở cười này nhé!

Với hầu hết chúng ta, nhịn đi tiểu trong một thời gian dài đúng là kinh khủng. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất, mà việc phải nghe tiếng nước róc rách chảy trong lúc "nước sôi lửa bỏng" như thế mới là cực hình. 

Bởi nó khiến khát khao giải quyết nỗi buồn tăng lên cực điểm. Vậy, nguyên nhân khoa học đằng sau cảm giác này là gì?

Trước tiên, hãy nhắc lại một chút kiến thức sinh học. Bạn còn nhớ Pavlov - nhà khoa học nghiên cứu về phản xạ chứ? Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất của ông mà chúng ta từng học chính là phản xạ có điều kiện, được tiến hành trên một chú chó.

Đã mót tiểu thì chớ, nghe tiếng nước chảy róc rách càng cảm thấy nỗi buồn sục sôi - vì sao thế? - Ảnh 1.

Mục đích của thí nghiệm là nhằm kết luận các phản ứng tự trị (phản xạ nội tại xảy ra tự động và vô thức dưới sự kiểm soát của hệ thống thần kinh tự trị) có thể được tạo ra bởi các kích thích từ bên ngoài.

Đã mót tiểu thì chớ, nghe tiếng nước chảy róc rách càng cảm thấy nỗi buồn sục sôi - vì sao thế? - Ảnh 2.

Khi chú chó nhìn thấy miếng thịt, ngay lập tức nó sẽ tiết ra nước bọt trong khoang miệng. Trong khi tiến hành thí nghiệm, Pavlov sử dụng một ít bột thịt để làm chú chó tiết nước bọt, cùng lúc đó ông tiến hành rung chuông. 

Sau nhiều tháng lặp đi lặp lại thí nghiệm này, đến một lúc ông chỉ rung chuông mà không đặt miếng thịt, chú chó vẫn tiếp tục tiết nước bọt bởi giờ đây nó đã hình thành phản xạ chuông rung gắn liền với thức ăn.

Việc mót tiểu khi nghe âm thanh của nước chảy dường như cũng là một dạng phản xạ có điều kiện. Tiếng nước róc rách chảy nghe cũng giống như âm thanh lúc bạn "giải quyết", làm chúng ta càng "mót tiểu" hơn.

Đã mót tiểu thì chớ, nghe tiếng nước chảy róc rách càng cảm thấy nỗi buồn sục sôi - vì sao thế? - Ảnh 3.

Tuy nhiên đây mới chỉ là một giả thuyết mà thôi. Mặc dù nhiều chuyên gia tiết niệu và tâm lý nghĩ rằng nó chính là nguyên nhân của vấn đề, và đã nhắc đến trên nhiều tạp chí, nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào được công bố.

Rất nhiều cuốn sách về tâm lý và sách nuôi dạy con cũng khuyên rằng nên để nước chảy trong bồn để giúp người gặp khó khăn trong vấn đề tiểu tiện có thể bài tiết dễ dàng hơn. 

Vào đầu những năm 70, một bệnh viện ở New York thậm chí còn cho bệnh nhân nghe một đoạn ghi âm tiếng nước chảy 30 phút để hỗ trợ vấn đề bài tiết và nó thực sự đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Nguồn: Mental Floss