Đá luân lưu gây tranh cãi nhưng chưa thấm gì với thời... tung đồng xu quyết định thắng thua?

Đạt Lê, Theo Helino 07:36 29/06/2018
Chia sẻ

World Cup 2018 sắp bước vào vòng đấu loại trực tiếp, dự đoán sẽ có nhiều màn đá luân lưu phân định thắng thua, đi kèm không ít nuối tiếc và tranh cãi.

Trong cuộc sống hàng ngày hay trên phim ảnh, có lẽ chúng ta vẫn thường tung đồng xu để quyết định một chuyện gì đó quá khó khăn. Phương án A hay B đều do mặt sấp/ngửa của đồng xu định đoạt.

Nhưng chiếc đồng xu bé nhỏ ấy chỉ đạt đến "quyền lực tối cao" của nó vào cách đây 40, 50 năm trong môn... bóng đá!

Đá luân lưu gây tranh cãi nhưng chưa thấm gì với thời... tung đồng xu quyết định thắng thua? - Ảnh 1.

Bởi vì, từng có thời nếu 2 đội hòa nhau suốt hiệp chính lẫn hiệp phụ, họ không đá luân lưu để phân thắng thua, vì ngày ấy người ta... vẫn chưa nghĩ ra chuyện này.

Thay vào đó, họ sẽ rút thăm hoặc tung đồng xu, phó mặc hoàn toàn cho may rủi để tìm ra đội chiến thắng. Nghe bất ổn quá đúng không? Vậy mà chiếc đồng xu thực sự từng "tác oai tác quái" như thế, gây ra nhiều phen dở khóc dở cười.

Những chiến thắng "bá đạo" nhất trong lịch sử bóng đá

Đầu tiên, phải nhắc đến trận đấu giữa Hà Lan và Chile tại Olympics năm 1928. Lúc này vẫn chưa có World Cup, nên Olympics chính là nơi diễn ra các kỳ bóng đá lớn nhất hành tinh.

Năm đó, đội chiến thắng là Uruguay (đây cũng chính là một trong những lí do để World Cup đầu tiên diễn ra ở nước này vào 2 năm sau, và Uruguay đã thắng luôn World Cup 1930).

Quay lại Olympics 1928, FIFA đã nghĩ ra một luật lệ khó hiểu, lạ lùng, có 1-0-2. Đó là tổ chức tiếp... một "hậu giải" - giải bên lề/giải an ủi dành cho các đội thua cuộc!

Olympics Hà Lan 1928, ở môn bóng đá có những chuyện thật kỳ quặc

Điều kỳ quái chưa dừng lại ở đó. Tại giải phụ này, đội chủ nhà Hà Lan gặp Chile ở chung kết và không thể phân thắng bại sau giờ thi đấu chính thức (tỷ số 2-2).

Cuối cùng, Hà Lan quyết định... nhường phần thắng cho Chile! Có vẻ họ cảm thấy hơi xấu hổ cho giải đấu phát sinh này. Hoặc là do tinh thần thượng võ trong thể thao, nhường phần thắng để giữ thể diện cho nước chủ nhà chăng? Dù sao, mùa Olympics 1928 đã khép lại đầy kỳ quặc như thế.

Tiếp theo, chúng ta hãy xuyên không đến nước Ý vào tháng 10/1968 - nơi diễn ra giải vô địch bóng đá châu Âu lần thứ ba do UEFA tổ chức.

Đá luân lưu gây tranh cãi nhưng chưa thấm gì với thời... tung đồng xu quyết định thắng thua? - Ảnh 3.

Đội tuyển Ý tại giải vô địch châu Âu 1968

Tại trận bán kết năm ấy, chủ nhà Ý chạm trán Liên Xô trước sự theo dõi của 70.000 cổ động viên địa phương. Liên Xô là một đối thủ khá "khó xơi" lúc đó, Ý thì có lợi thế chủ nhà cùng thành tích tốt từ đầu mùa.

Kết quả, sau 120 phút tranh tài, tỷ số là 0-0. Lúc này vẫn chưa có đá luân lưu để phân chiến thắng, và điều gì đến sẽ đến, hai đội lại bước vào màn tung đồng xu nghiệt ngã.

Đội trưởng Ý - cầu thủ Giaccinto Facchetti - từng kể lại: "Tôi đi với đội trưởng tuyển Liên Xô cùng 2 người khác thuộc ban huấn luyện của 2 đội vào phòng. Trọng tài tung đồng xu lên.

Sau đó, tôi quay lại khán đài nơi 70 ngàn khán giả quê nhà vẫn đang ngồi im chờ kết quả, nói với họ rằng hãy chúc mừng tuyển Ý đi. Chúng ta đã thắng rồi!".

Đá luân lưu gây tranh cãi nhưng chưa thấm gì với thời... tung đồng xu quyết định thắng thua? - Ảnh 4.

Đội trưởng Giaccinto Facchetti giơ cao chiếc cúp thuộc về đội tuyển Ý

Giành chiến thắng bằng đồng xu trước Liên Xô, đội Ý bước vào chung kết với Nam Tư, tiếp tục hòa 1-1. Nhưng lần này, hai đội quyết tái đấu vào 2 ngày sau. Kết quả chung cuộc vào ngày 10/6/1968, Ý đã thắng với tỷ số 2-0, chính thức lên ngôi vương.

Và sau cúp châu Âu 1968 cũng là lúc chiếc đồng xu... tạm biệt thời hoàng kim của nó trong môn bóng đá. Vì đến đầu thập niên 70, luật phân thắng thua bằng đá luân lưu đã dần phổ biến trên toàn thế giới!

Đá luân lưu: tốt hơn đồng xu nhưng vẫn còn tranh cãi

Luân lưu 11m là loạt đá phạt đền ở những trận đấu loại trực tiếp để phân định thắng thua, nếu kết quả là hòa sau 90 phút đá hai hiệp chính và 30 phút đá hai hiệp phụ.

Lần lượt, đội này đá xong quả phạt đền thì đến lượt đội kia sẽ đá tiếp. Sau khi mỗi đội thực hiện 5 lượt đá luân lưu chính thức, đội nào có nhiều quả phạt đền thành công hơn thì sẽ thắng.

Nếu 2 đội có số quả phạt đền thành công bằng nhau, thì tiếp tục loạt đá luân lưu, đến khi trong một lượt đá có một đội thực hiện thành công còn đội kia đá hỏng thì loạt luân lưu sẽ kết thúc.

Thực ra, đá luân lưu đã manh nha sớm nhất vào thập niên 50, nhưng mãi đến 20 năm sau thì mới được đưa vào các giải đấu lớn.

Ông Yosef Dagan - thư ký của Hiệp hội bóng đá Israel - được xem là người nghĩ ra hình thức đá luân lưu hiện đại sau khi chứng kiến màn rút thăm gây thua cuộc cho Israel trước Bulgaria ở Olympic 1968. Đề xuất của Yosef sau đó được đăng trên trang tin FIFA News vào tháng 8/1969.

Đề xuất này chính thức được Hội đồng Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB) thông qua vào tháng 6/1970.

Giải đấu quốc tế đầu tiên được quyết định bởi đá luân lưu là chung kết Vô địch châu Âu năm 1976 giữa Tiệp Khắc và Tây Đức. Tiệp Khắc giành chiến thắng 5–3.

Còn ở World Cup thì mãi đến 1982 mới chứng kiến màn đá luân lưu, trong trận bán kết giữa Pháp và Tây Đức. Tây Đức chiến thắng nghẹt thở với tỷ số 5 - 4.

Đến bây giờ, đá luân lưu vẫn còn dấy lên nhiều tranh cãi không dứt. Thứ nhất, nó vẫn dựa đôi chút vào may mắn, thậm chí nhiều cầu thủ chỉ trích đá luân lưu gần như một trò chơi xổ số vậy.

Thứ hai, trong khi bóng đá là một môn đồng đội thì màn đá luân lưu lại quá đề cao tính cá nhân. Nếu một cầu thủ nào làm hỏng, dẫn đến chiến bại chung cuộc, anh ta sẽ biến thành "tội đồ" và chịu ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình.

Thứ ba, đội kém hơn có thể cố thủ hòa 0 - 0 để kiếm tìm may mắn trên chấm luân lưu. Đây là cách chơi không đẹp cho lắm, và khán giả lại phải xem một trận cầu buồn tẻ, thiếu mất cảm xúc vỡ òa.

Đã có nhiều đề xuất thay đổi hình thức đá luân lưu, nhưng đến nay nó vẫn là cách phân thắng bại sau 120 phút thi đấu mà vẫn chưa thể ngã ngũ.

Dù sao, phải công nhận so với thời tung đồng xu vào trước những năm 70, đá luân lưu đã là một bước tiến lớn. Bởi vì, nó vẫn đòi hỏi kĩ năng và đem đến những màn trình diễn, những pha hồi hộp đến nghẹt thở dành cho khán giả.

Về phần đồng xu, ngày nay nó vẫn được sử dụng trước trận đấu để phân định xem đội nào sẽ bảo vệ khung thành nào, và ai sẽ kích bóng trước. Hoặc là ngay trước màn đá luân lưu, trọng tài cũng tung đồng xu lên để xem đội nào thực hiện trước.

Đồng xu không còn sở hữu quyền năng "phán" thắng thua cho 2 đội nữa, nhưng nó vẫn là một vật dụng tồn tại bền bỉ với bóng đá, tạo ra một chút hưng phấn, hồi hộp trước trận đấu.

Và phải chăng, đồng xu vẫn tồn tại như để nhắc chúng ta rằng, bóng đá lúc nào cũng ẩn chứa vô vàn bất ngờ khó đoán? 

World Cup 2018 đến thời điểm này cũng vậy, liên tục có những bàn thắng/thua ngoài mong đợi. Câu hỏi ai vô địch chắc chỉ còn cách chờ đến ngày 14/7 mới có thể trả lời.

Nguồn: ESPN, Irish Times

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày