Theo một khảo sát toàn cầu công bố năm 2019, mức tiêu thụ rượu ở Anh vào hàng cao nhất trong các nước phát triển. Trung bình mỗi năm, một người Anh uống 51,1 lần, nốc tổng cộng 9,7 lít rượu nguyên chất, tương đương 108 chai vang hay 427 ly bia 5% (mỗi ly khoảng nửa lít).
Rất khó giải thích cặn kẽ tại sao người Anh thích rượu và uống nhiều đến vậy. Chỉ biết rằng văn hóa rượu bia là một phần không thể thiếu ở xứ sương mù. Nó không phải nhu cầu, là một lựa chọn. Và không phải người Anh chọn bia rượu, mà bia rượu chọn họ.
Hoặc nếu cố phải tìm cho ra lời giải thích, có thể tham khảo lập luận của Tacitus, sử gia vĩ đại người La Mã ở thế kỷ I. Ông nói rằng Anh là chủng tộc hiếu chiến. Và khi không đánh nhau, họ tập trung vào uống.
Rượu chè là một phần không thể thiếu trong văn hóa Anh.
Ở một đất nước như vậy, các cầu thủ là những hũ chìm thực sự. Cho đến trước thập niên 2010, tình trạng rượu bia phổ biến đến mức các HLV coi đó là một phần của cuộc sống bóng đá. Ngay cả HLV Fabio Capello khét tiếng quân phiệt cũng phải chào thua.
Đó là năm 2010 tại World Cup, sau 2 trận hòa nhạt nhòa trước Mỹ và Algeria, Capello buộc phải thay đổi theo ý các tuyển Anh. Họ được phép nốc bia, hay rượu, thỏa thích trước trận đấu với Slovenia. Kết quả thật tuyệt vời, Anh thắng 1-0 và vượt qua vòng bảng.
Với người ngoài, điều này thật kỳ lạ bởi các nghiên cứu cho thấy rượu đem lại sự mệt mỏi ở cơ bắp, khiến đôi chân các cầu thủ nặng như chì. Nhưng người Anh thì nghĩ rằng họ sẽ tệ hơn khi không có rượu. Và rượu, theo họ, làm tăng sự hưng phấn và cải thiện hiệu suất chơi bóng.
Một thời người Anh cho rằng rượu làm tăng sự hưng phấn và cải thiện hiệu suất chơi bóng.
Như trước trận chung kết League Cup 1979 với Southampton, HLV Brian Clough, một người nghiện rượu nặng, cho phép các cầu thủ Nottingham Forest nhậu say bí tỉ. "Chúng tôi có rượu đắng, bia lạnh, champagne… và không ai lết nổi về giường. Sáng hôm sau cả lũ vẫn còn bơ phờ. Nhưng đến chiều thì ngon lành để đánh bại đối thủ 3-2", tiền đạo Garry Birtles kể.
Huyền thoại Ray Parlor cũng tiết lộ câu chuyện về quá trình chuẩn bị trước mùa giải 1997/98. "Cuối kỳ tập huấn, Arsene Wenger đồng ý xả trại", Parlor nói, "Tôi và 4 người khác đi thẳng tới quán rượu. Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc Steve Bould gọi liền 35 cốc bia và dàn trước mặt 5 người bọn tôi. Trở về trong tình trạng say khướt, tôi đã tự hỏi, với một đám bê tha này không biết Arsenal đá đấm kiểu gì. Vậy mà cuối mùa chúng tôi lại là những nhà vô địch".
Điều này tương tự MU. Mặc dù sự xuất hiện của Sir Alex Ferguson khiến rượu chè bị cấm tiệt ở MU, song các cầu thủ vẫn lén lút uống. Năm 1993, bọn họ tập trung ở nhà Steve Bruce và nhậu nhẹt suốt đêm. Sáng hôm sau, Bruce tỉnh dậy, đầu nặng như đeo đá và thấy ông bạn Bryan Robson cùng cô vợ Denise đang thu dọn đống nổ nát.
Các cầu thủ MU vô địch Premier League 1992/93 sau khi đã say bí tỉ vào đêm hôm trước.
Cũng tối hôm ấy, Bruce cùng đồng đội ra sân gặp Blackburn Rovers. Họ chơi vật vờ trong hiệp một và bừng tỉnh trong hiệp hai, cuối cùng giành thắng lợi 3-1. MU chính thức đăng quang, và đó là danh hiệu Premier League đầu tiên của Sir Alex.
Khi bóng đá tiến hóa lên cấp độ mới, đòi hỏi thể lực và chiến thuật cao hơn, cũng như sự chuyên nghiệp hóa tuyệt đối từ chế độ dinh dưỡng đến tập luyện, rượu bia bị loại bỏ, dần trở nên tuyệt chủng. Ngay cả vào mùa hè, lúc các cầu thủ có thể tận hưởng sự tự do duy nhất trong năm, họ cũng cân nhắc thực đơn để tránh tăng cân và mất dáng khi trở lại CLB.
Ngày nay một ngôi sao nào đó say xỉn lập tức trở thành chủ đề nóng trên mặt báo. Không như trước đây. Ví dụ hồi World Cup 1982, tiền vệ Ray Wilkins uống say đến mức ngủ luôn trên ghế, nơi sẽ diễn ra buổi họp báo của ĐT Anh. Và thế là, trong khi HLV Ron Greenwood say sưa nói còn cánh báo chí ghi chép, người sau này là trợ lý ở Chelsea và tuyển Anh vẫn ngáy ầm ầm.
Suốth một thời gian dài, ở Anh, rượu và bóng đá là hai thứ không thể tách rời.
Khi thời đại đổi thay, vẫn nhiều người tiếc nuối thời xưa cũ. Bryan Robson, người từng đeo băng đội trưởng cả ở MU và ĐT Anh, cáo buộc các ngôi sao bóng đá hiện đại ít dành thời gian cho nhau và chú ý quá nhiều đến cuộc sống ảo trên mạng xã hội. Họ thiếu một chút máu lửa và tinh thần như thế hệ trước đó.
Sự khác biệt nằm ở rượu. Robson cho rằng rượu là chất keo kết nối mọi người. Rượu vào lời ra, vì vậy các cầu thủ dễ dàng trò chuyện, tìm tiếng nói chung và trở nên gắn bó.
Tuy nhiên, ông không đề cập đến một chi tiết, ở thời đại của ông, rất nhiều tên tuổi đã hủy hoại sự nghiệp vì men rượu. Thậm chí một số phải trả giá bằng cả mạng sống. Và tuyển Anh, dù rất nhiều tiềm năng, đã không bao giờ vô địch World Cup thêm lần nữa kể từ năm 1966.