Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: X.MAI
Ngày 13-10, bác sĩ Phùng Nguyễn Thế Nguyên - trưởng khoa hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết vừa cứu sống ngoạn mục bệnh nhi B.D.M., 7 tuổi (ngụ quận 12, TP.HCM) bị viêm não hoại tử cấp.
Trước đó, vào ngày bệnh thứ 2, bé khởi phát sốt. Qua ngày sau, bé sốt 39 độ C, không đáp ứng khi người nhà gọi hỏi, lên cơn co giật nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Khi nhập cấp cứu, bé không tỉnh, co giật toàn thân.
Các bác sĩ nhanh chóng cho bé thở ôxy, chống co giật, kháng sinh, kháng siêu vi, chống phù não và tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân. Kết quả CT - scan não cấp cứu có tổn thương giảm đậm độ nhu mô não vùng đồi thị, bán cầu đại não 2 bên và thân não. Tuy nhiên bé vẫn còn sốt cao liên tục, tri giác không cải thiện.
Sau một ngày nhập viện, bé xuất hiện nhiều cơn co gồng, phù não tiến triển, tri giác mê, suy hô hấp tiến triển, giảm huyết áp. Các xét nghiệm sau đó cho thấy phản ứng viêm tăng cao và tổn thương gan nặng.
Kết quả chụp MRI não còn ghi nhận nhiều ổ hoại tử, xuất huyết và phù não lan tỏa 2 bên, phù hợp với viêm não hoại tử. Bệnh nhi được chuyển hồi sức nhiễm để chống sốc, điều trị phù não.
Vào ngày thứ 10, tri giác của bé có cải thiện nhưng còn chậm. Bé được chuyển khoa nhiễm - thần kinh điều trị duy trì bằng thuốc ức chế miễn dịch. Sau 2 tháng điều trị, bé đã cải thiện hoàn toàn về tri giác, nhận thức, vận động và được xuất viện sau đó.
Bác sĩ Nguyên cho hay đây là trường hợp viêm não hoại tử đầu tiên tại bệnh viện. Dù bệnh nhi nhập viện trong bệnh cảnh là sốt, co giật và rối loạn tri giác nhưng bé đã nhanh chóng được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị thích hợp bằng thuốc ức chế miễn dịch, hồi sức tích cực sốc, suy hô hấp, phù não.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, viêm não hoại tử cấp tính là bệnh rất hiếm, được mô tả đầu tiên năm 1995 ở châu Á. Các báo cáo thống kê số bệnh nhân mắc bệnh này đến nay rất ít (nhiều nhất 12 trường hợp).
Bệnh đặc trưng bởi các biểu hiện thần kinh như co giật, nhanh chóng rối loạn tri giác, hôn mê có thể xuất hiện thường ngay sau nhiễm cúm A, cúm B, HHV-6... kèm theo tổn thương gan diễn tiến nhanh. Người mắc bệnh này thường có tiên lượng kém, tỉ lệ tử vong và di chứng thần kinh nặng cao.