Cựu sinh viên Công nghệ Thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội gọi điện giả làm shipper lừa hơn 110 triệu đồng trong 2 tháng

Nam An (tổng hợp), Theo Đời sống pháp luật 13:23 10/10/2024
Chia sẻ

Phát hiện nhiều khách hàng mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp, mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại hàng hoá cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà... đối tượng giả danh shipper đã lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền từ người mua hàng.

Thời gian gần đây xuất hiện tội phạm công nghệ cao lừa đảo với thủ đoạn giả nhân viên gọi điện giao hàng sau đó chiếm đoạt tài sản, đã có nạn nhân mất hàng chục triệu đồng.

Theo đó, ngày 27/9, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì đấu tranh, triệu tập đối tượng Phan Văn Tùng (SN: 1998; HKTT: Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội; hiện trú tại: Thanh Trì, Hà Nội).

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng trước đây từng làm nhân viên giao hàng. Khi làm việc, Tùng phát hiện nhiều khách hàng mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà. Sau đó, người mua hàng sẽ gửi số tài khoản để chuyển tiền mua hàng.

Cựu sinh viên Công nghệ Thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội gọi điện giả làm shipper lừa hơn 110 triệu đồng trong 2 tháng- Ảnh 1.

Đối tượng Phan Văn Tùng. Ảnh CACC

Nhận thấy có thể lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền từ người mua hàng nên Tùng đã tìm thông tin khách hàng rồi sử dụng số điện thoại (sim rác) gọi điện cho khách hàng như: 0342791041, 0586991769, 0588579105, 0587112248… gọi từ 100 - 200 cuộc điện thoại và giới thiệu là nhân viên giao hàng. Nếu đầu dây bên kia trả lời là có thể nhận hàng ngay lúc đó thì Tùng tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời là không thể nhận hàng ngay lúc đó thì đối tượng thông báo sẽ để bưu kiện hàng vào nhà và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng 103881219692 mang tên NGUYEN TIEN KHANH rồi chiếm đoạt. Có những khách hàng chủ quan không kiểm tra lại, Tùng tiếp tục gọi điện thông báo có đơn hàng nữa yêu cầu chuyển thêm tiền mua hàng rồi tiếp tục chiếm đoạt.

Với phương thức lừa đảo như trên, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt được hơn 130 triệu đồng. Hiện Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong phóng sự của Chuyển động 24h được phát sóng trên VTV1, Phan Văn Tùng khai nhận tại cơ quan điều tra rằng bản thân trước kia từng làm nhân viên giao hàng. "Trước đây đi giao hàng, một vài khách hàng không có nhà thì thường gửi đồ vào nhà rồi thanh toán tiền. Em từng bị thủ đoạn giao hàng này lừa nên em đã nghĩ ra cách mua tài khoản để che giấu". Đối tượng này cho biết sau khi các nạn nhân chuyển tiền thì sẽ chặn số ngay. Số tiền kiếm được mỗi ngày có thể lên tới 2-3 triệu đồng.

Được biết, trước kia Tùng từng là sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nên đối tượng này rất rành về công nghệ. Từ việc tìm mua tài khoản trên mạng xã hội, sử dụng sim không chính chủ liên lạc với khách hàng. Để tiền có thể tới được tài khoản của đối tượng thì phải lòng vòng qua nhiều tài khoản trung gian khác.

"Có người chuyển khoản nhanh thì em nhắn tin có đơn hàng nữa để chuyển khoản thêm. Do tiêu xài cá nhân và không có công ăn việc làm ổn định nên em mới nghĩ đến việc đi lừa người ta", Phan Văn Tùng thú nhận.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thanh Trì cho biết,nhóm này có ba đối tượng, nhưng hai người vẫn đang lẩn trốn. Các cơ quan chức năng thu giữ điện thoại và máy tính chứa dữ liệu phục vụ cho việc lừa đảo. Mặc dù số tiền chiếm đoạt không lớn, nhưng việc trình báo gặp khó khăn do thông tin ảo và tài khoản không chính chủ. Số tiền của người bị hại chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng, do số lượng tiền ít nên người dân rất ngại khi trình báo.

Trung tá Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội 3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội cho biết: " Các đối tượng thường thay đổi liên tục chỗ ở để che giấu thông tin cá nhân. Thông tin trên không gian mạng thì là những thông tin ảo, không chính chủ. Sử dụng các tài khoản ngân hàng mua được ở trên các hội nhóm để sử dụng vào mục đích nhận tiền và chuyển tiền. Thậm chí, các đối tượng còn vào các hội nhóm để mua dữ liệu".

Tội phạm công nghệ cao có nhiều chiêu trò và thủ đoạn tinh vi. Do đó, trước mỗi giao dịch trực tuyến, người dân cần xác minh kỹ các thông tin để tránh rủi ro.

Đề nghị ai là nạn nhân bị đối tượng sử dụng các số điện thoại trên gọi điện lừa đảo và chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng như trên thì đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì (đồng chí Hoàng Anh Quân - Điều tra viên, số điện thoại: 0979.891.509) để được giải quyết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày