Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân của Công ty CP FIDT, nhận định, chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong giai đoạn cuối năm 2024. Ông lý giải rằng thị trường chứng khoán thường "nhạy cảm" hơn trước những biến động của nền kinh tế. Cụ thể, chứng khoán thường tăng trưởng trước khi nền kinh tế phục hồi và giảm trước khi kinh tế gặp khó khăn.
“Thời gian qua, từ khoảng tháng 10/2022 chứng khoán đã tạo đáy, sau đó đến giữa 2023 nền kinh tế mới tạo đáy. Trước khi kinh tế tăng trưởng thì chứng khoán cũng sẽ tăng trước và ngược lại kinh tế trong xu thế hồi phục như hiện nay là động lực để kinh tế tăng trưởng” , ông Huấn nêu quan điểm.
Với xu hướng phục hồi, ông Huấn dự báo thị trường chứng khoán sẽ còn nhiều triển vọng phát triển. Về danh mục đầu tư, ông Huấn gợi ý nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm ngành như tài chính - ngân hàng, bất động sản và công nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc đầu tư chứng khoán đòi hỏi sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn. Nhà đầu tư nên có kế hoạch rõ ràng và không nên quá tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn.
Việc xác định các nhóm ngành tiềm năng trong những tháng cuối năm 2024 không chỉ đơn thuần dựa trên tín hiệu vĩ mô tích cực mà còn đòi hỏi sự phân tích sâu sắc về các yếu tố đặc thù của từng ngành.
Cổ phiếu ngành nào dễ kiếm lời cuối năm?
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, cho rằng các nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản có khả năng bứt phá dịp cuối năm.
Ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục hưởng lợi từ chính sách lãi suất thấp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì để hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, xu hướng tích cực của nền kinh tế cũng được phản ánh một cách rõ rệt qua việc GDP tăng 6,93% trong quý II. Trên thị trường thế giới, kỳ vọng vào sự cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) đi kèm những tín hiệu phục hồi nền kinh tế đã ngay lập tức được phản ánh vào các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Những yếu tố này thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng lên nhờ các dự án đầu tư công và hoạt động kinh doanh phục hồi. Ngoài ra, lạm phát được kiểm soát cũng tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Đây là một điểm cộng lớn vì chi phí vốn rẻ hơn sẽ giúp các ngân hàng tăng cường khả năng cạnh tranh và cải thiện lợi nhuận.
“Tuy nhiên, đối với nhóm ngành ngân hàng, nợ xấu vẫn là thách thức đáng kể. Mặc dù kinh tế đang phục hồi nhưng một số đơn vị vẫn gặp khó khăn, đặc biệt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng hiện khoảng 4,56% và nếu kinh tế không phục hồi đủ nhanh, tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng, gây áp lực lên khả năng sinh lời và chất lượng tài sản của ngân hàng” , ông Việt phân tích.
Hơn nữa, cạnh tranh trong ngành cũng ngày càng gay gắt, đặc biệt khi các ngân hàng nhỏ và vừa phải tìm cách tăng trưởng trong một môi trường có nhiều biến động. Việc mở rộng tín dụng quá nhanh cũng có thể dẫn đến rủi ro về chất lượng tài sản, nhất là nếu nền kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng.
Trong khi đó, ngành chứng khoán có thể hưởng lợi từ xu hướng lãi suất thấp, thu hút dòng tiền từ kênh đầu tư gửi tiết kiệm để đổ vào thị trường cổ phiếu. Theo thống kê, giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường (HoSE, HNX, UPCoM) trong 6 tháng đầu năm đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với bình quân năm trước. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của chứng khoán.
Ngoài ra, kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường của FTSE Russell vào tháng 9 cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại có thể quay trở lại mạnh mẽ, giúp chứng khoán Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn.
Mặc dù vậy, sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn ngoại vẫn là một rủi ro. Trong những tháng đầu năm 2024, dòng vốn ngoại đã rút khỏi thị trường do lo ngại về tình hình vĩ mô toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh. Nếu các yếu tố vĩ mô toàn cầu không thuận lợi, dòng vốn này có thể tiếp tục rút ra, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của thị trường.
Sự biến động của tỷ giá hối đoái cũng là yếu tố cần lưu ý. Dù USD đã hạ nhiệt nhưng nếu có biến động bất ngờ từ thị trường tài chính quốc tế, tỷ giá có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền vào thị trường.
Về ngành bất động sản , ông Việt cho rằng bất động sản khu công nghiệp và dân sinh đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách của Chính phủ. Các luật mới như Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp có nền tảng quản trị tốt tận dụng được cơ hội phát triển.
Lãi suất vay thấp cũng giúp các doanh nghiệp bất động sản dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Trong nửa cuối năm 2024, nhiều dự án bất động sản lớn dự kiến được mở bán, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường. Điều này thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là sự phân hóa. Chỉ những doanh nghiệp có quỹ đất lớn và khả năng tài chính vững mạnh mới có thể tận dụng cơ hội từ các chính sách mới. Các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc những doanh nghiệp đã chịu áp lực tài chính lớn trong những năm qua có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn và triển khai dự án.
Thêm vào đó, sức cầu yếu trong một số phân khúc bất động sản, đặc biệt là nhà ở cao cấp, vẫn là trở ngại. Dù lãi suất thấp nhưng nếu thu nhập của người dân không tăng tương ứng thì khả năng mua nhà vẫn sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng và doanh thu của doanh nghiệp
“Trong ba tháng cuối năm 2024, dù có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu. Ngành ngân hàng có thể hưởng lợi từ lãi suất thấp, nhưng rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu. Ngành chứng khoán có tiềm năng nhưng vẫn cần theo dõi và đánh giá biến động tỷ giá, lạm phát và xu hướng của dòng vốn ngoại. Ngành bất động sản đang khởi sắc nhưng chỉ những doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh mới có thể tận dụng được cơ hội” , ông Việt kết luận.
Ông Việt tư vấn thêm, để đạt được kết quả tốt nhất, nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có quản trị rủi ro tốt, khả năng tài chính vững vàng và chiến lược phát triển dài hạn rõ ràng. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng và phân tích chi tiết từng yếu tố vĩ mô cũng như vi mô sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong giai đoạn cuối năm.