Còn 4 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2024. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn trong tâm trạng lo lắng, không biết có mua cổ phiếu được chưa, bởi thị trường còn quá rủi ro sau những đợt giảm liên tục. Mua cổ phiếu ngành nào, mã nào có khả năng kiếm lời ăn Tết?
Giải đáp những thắc mắc này, bà Lưu Hoàng Ngọc Trâm, chuyên viên tư vấn khách hàng cá nhân cấp cao - Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), đánh giá trong ngắn hạn, VN-Index giằng co quanh vùng 1.290 điểm, bởi nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư đang khá nhiều sau khi thị trường chung tăng hơn 100 điểm từ vùng đáy 1.185 điểm.
Cùng với đó, tâm lý lo ngại Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái cũng khiến nhà đầu tư dè chừng trong bài toán "mua mới hay đứng ngoài quan sát". Tuy nhiên, sắp tới, kế hoạch hạ lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là động lực lớn không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cả toàn cầu.
"Việc thị trường điều chỉnh sau đà tăng nóng là cơ hội mua cổ phiếu cho nhà đầu tư, vùng điều chỉnh nếu xảy ra thì theo tôi dự kiến sẽ đâu đó quanh 1220-1250 điểm. Các nhóm ngành tôi đánh giá khả quan giai đoạn này gồm: bán lẻ, ngân hàng, bất động sản, đầu tư công, thủy sản, dệt may" - bà Trâm nhận định.
Theo bà Trâm, hoạt động bán lẻ hồi phục. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nửa đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương. 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 8,7% so với cùng kỳ. Nhiều cổ phiếu đã có nhịp tăng giá khá đáng kể, song triển vọng hồi phục sẽ còn kéo dài đến năm 2025. Do vậy, vẫn có thể mua cổ phiếu ngành bán lẻ trong những nhịp điều chỉnh của thị trường với các cổ phiếu lưu ý là PNJ, MWG, MSN
Là một trong số ít nhóm ngành cơ bản đang có định giá còn khá rẻ, cổ phiếu ngân hàng có thể được quan tâm gồm MBB, TCB, HDB, BID, CTG. Tín dụng nền kinh tế đang có tín hiệu phục hồi sau khi sụt giảm vào cuối tháng 7.
Với ngành bất động sản, từ tháng 3-2024, thị trường đã sôi động hơn với nhiều dự án được mở bán với tỷ lệ hấp thụ cao. Quý III và quý IV thường là giai đoạn ghi nhận doanh thu nên có thể xem xét và lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng tốt với quỹ đất sạch lớn, đầy đủ pháp lý, khả năng triển khai dự án mạnh và cơ cấu tài chính an toàn: VHM, KDH và NLG.
Một số doanh nghiệp ngành dệt may có lượng đơn hàng đã được lấp kín đến đầu quý IV/2024, có thể được gia tăng kể từ cuối năm khi đây là thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè năm 2025. Ngoài ra, lạm phát hạ nhiệt, chi tiêu của người tiêu dùng đang dần hồi phục. Vì vậy, cổ phiếu triển vọng gồm: TNG, MSH.
Đối với cổ phiếu thủy sản, có thể chú ý FMC, ANV, VHC… Hiện giá xuất khẩu cá tra tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, EU có thể tiếp tục cải thiện do nhu cầu tăng lên cũng như nhu cầu bổ sung hàng tồn kho trước mùa mua sắm cuối năm.
Với nhóm ngành đầu tư công, tính hết tháng 7, tốc độ giải ngân theo kế hoạch đạt 34,68%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, thời gian tới các bên liên quan sẽ đẩy mạnh giải ngân. Các cổ phiếu có thể quan tâm ở ngành này là: LCG, HHV,VCG
Một chuyên gia cho rằng với số vốn 300 triệu đồng, nhà đầu tư có thể phân bổ cổ phiếu vào 2 nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng và hưởng lợi lớn khi kinh tế bắt đầu hồi phục, đó là bán lẻ và tài chính - ngân hàng, với hai đại diện đầu ngành có thể xem xét là MWG và MBB.
Nếu chỉ chọn 2 mã thì tỉ lệ phân bổ danh mục cụ thể là 65% cho MWG và 35% cho MBB. Giá mua mục tiêu MWG quanh 68.000 đồng/cổ phiếu; giá bán kỳ vọng 100.000 đồng/cổ phiếu, mức sinh lợi kỳ vọng 47%. Còn giá mua mục tiêu MBB là 22.000 đồng/cổ phiếu, giá bán kỳ vọng 29.000 đồng/cổ phiếu, mức sinh lời kỳ vọng là 31,8%.