Theo truyền thuyết, khu vực núi Himalaya của cao nguyên Tây Tạng có một sinh vật bí ẩn. Nó có hình thù của một con dã nhân, cao trên 2m, lông phủ toàn thân trắng toát.
Sinh vật ấy là người tuyết Yeti - một huyền thoại sánh ngang với truyền thuyết "chân to" - Big Foot của người châu Mỹ.
Đã có rất nhiều người đi tìm cách chứng minh Yeti là có thật, dựa trên những câu chuyện và bằng chứng xuất hiện rải rác được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thậm chí tại một số bảo tàng, người ta còn lưu lại xương, răng, da, lông tóc và cả mẫu phân được cho là của Yeti. Tất cả được tìm thấy tại dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây thì những bằng chứng tìm thấy từ trước đến nay có thể nói là... vô giá trị, dựa trên công nghệ xét nghiệm ADN.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Buffalo (Mỹ) đã thử phân tích 9 mẫu bằng chứng nổi tiếng nhất về Yeti - xương, da, lông tóc và phân. Hầu hết được tìm thấy trong các hang động xung quanh cao nguyên Tây Tạng.
Mẫu lông được cho là của Yeti
Và kết quả đưa ra khiến tất cả... rụng rời: 1 mẫu là của loài chó, trong khi 8 bằng chứng còn lại thuộc về gấu nâu Himalaya, hoặc gấu nâu Tây Tạng.
Theo tiến sĩ Charlotte Lindqvist - tác giả nghiên cứu: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những bằng chứng sinh học của Yeti đều thuộc về những con gấu trong khu vực, và cũng chứng minh rằng công nghệ gene sẽ làm sáng tỏ những bí ẩn tương tự."
Trên thực tế, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lindqvist không phải những người đầu tiên tìm cách xử lý gene "của" Yeti. Tuy nhiên, tiến sĩ cho rằng những nghiên cứu trước kia chỉ phân tích di truyền ở một mức độ đơn giản, khiến cho câu hỏi quan trọng nhất là "Yeti có thật không?" vẫn chưa được giải đáp.
Bên cạnh việc truy tìm một sinh vật huyền thoại, công trình của nhóm Lindqvist cũng làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của loài gấu châu Á.
"Gấu thuộc khu vực này đang gặp nguy hiểm dưới góc độ của các nhà bảo tồn. Tuy nhiên, chưa ai biết về quá khứ của chúng."
"Gấu nâu Himalaya chẳng hạn, chúng đang gặp nguy cấp. Việc làm rõ kết cấu phân bổ và đa dạng di truyền có thể giúp chúng ta xác định được chính xác số lượng loài, qua đó tạo ra chiến lược bảo tồn phù hợp."
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã so sánh các ADN thu được với mẫu gene của 23 con gấu châu Á được lưu trữ trong kho dữ liệu thế giới. Kết quả đồng thời cho thấy, loài gấu nâu Tây Tạng có chung một tổ tiên với gấu nâu Bắc Mỹ và gấu Á-Âu.
Trong khi đó, gấu nâu Himalaya lại thuộc một nhánh khác, tách ra sớm hơn so với tất cả các loài gấu còn lại. Sự tách rời này xảy ra vào khoảng 650.000 năm trước - khi kỷ băng hà xảy ra.
Gấu nâu Himalaya
Tóm lại, việc xác nhận Yeti có tồn tại hay không vẫn chưa có câu trả lời, nhưng ít nhất những bằng chứng được cho là "rõ ràng nhất" của Yeti đã bị bác bỏ rồi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kỷ yếu hội nghị Hoàng gia B.