Cuộc tranh giành “gió tanh mưa máu” của những họa sĩ 20 tuổi để được vẽ về hát bội

Hoàng Xuân - Ảnh: Vẽ về hát bội - Clip: Hoàng Long - WeChoice, Theo Trí Thức Trẻ 19:27 01/11/2018

Dưới bàn tay các họa sĩ mà nhiều người còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, hát bội già cỗi bỗng hóa hiện đại, biến thành hoạt hình, búp bê xếp giấy, lego, trò chơi ghép hình…

Liên không ngờ mình chỉ vì câu nói ngẫu nhiên của một người lạ mà cô rơi tõm vào một trời "gió tanh mưa máu".

Đó là một đêm đầu tháng 10/1997, Liên và Quang đi xem CCD, tổ chức Đối thoại văn hóa cộng đồng thường kỳ.

Hôm ấy, chủ đề của CCD là "Xây chầu hát bội".

Bây giờ nói về hát bội, gần như chắc chắn đến 90% lứa dưới 30 tuổi chẳng ai còn biết có một thứ nghệ thuật trình diễn như vậy ở trên đời.

Mặc dù vậy, vào thời hoàng kim của nó, hát bội hay còn gọi là tuồng, đã làm đảo điên hết lớp người này đến lớp người khác, giàu, nghèo, sang, hèn, vua, quan, dân cày, bác học lẫn thứ dân. Hai hoàng tử mê hát bội đến nỗi trốn vua cha đi coi rồi chết khi gặp một cơn bão mưa bất chợt trên đường về. Truyền thuyết dân gian về hai "ông Làng" được thờ ở bàn thờ tổ của các gánh hát bội đó đủ kể được vị trí tuyệt đỉnh của hát bội một thời kỳ dài suốt vài trăm năm trong lịch sử Việt.

Cuộc tranh giành “gió tanh mưa máu” của những họa sĩ 20 tuổi để được vẽ về hát bội - Ảnh 1.

Một cảnh diễn của Đoàn hát bội Ngọc Khanh tại Lăng Ông Bà Chiểu (TP HCM). Ảnh: Duy Trần (Vẽ về hát bội)


Khi phim ảnh xuất hiện, sự mới mẻ, phong phú, đa dạng của nó ngay lập tức chiếm tâm điểm chú ý của khán giả. Hát bội, từng sáng đèn hàng đêm trong những sân khấu lộng lẫy, nay với tuồng tích cổ xưa, lối hát nặng nề, diễn biến chậm chạp, câu chuyện cũ kỹ… bị đẩy dần về lại những sân đình, nơi nó từng từ đó uy nghi bước ra với khán giả thành thị. Hát bội dần lụi tàn, chỉ còn sống thoi thóp vài tháng trong năm nhờ mùa cúng lăng cúng đình, với hầu hết khán giả là người già.

Caption: Hậu trường đoàn hát bội Ngọc Khanh (TP HCM). Ảnh Duy Trần (Vẽ về hát bội)

Liên, 27 tuổi, là một họa sĩ chuyên vẽ tranh truyện, phần nhiều cho các nhà xuất bản nước ngoài, vì thế càng xa lạ với hát bội.

Ấy thế mà sau buổi CCD đó, mọi chuyện xảy ra dồn dập và lan rộng tới mức gần một năm sau khi kể lại, Liên vẫn còn ngỡ ngàng.

"Đấu đá" bất phân thắng bại để… giành được vẽ

"Ban đầu tụi mình chỉ muốn rủ mấy họa sĩ bạn bè vẽ cho vui" - Liên và Quang vẫn còn cười lúc kể lại.

Nào ngờ, sau khi được xem vài tư liệu ảnh chụp, clip về hát bội, mấy họa sĩ trẻ sướng điên lên vì hóa ra hát bội đẹp quá, lộng lẫy quá, giàu màu sắc và ẩn dụ quá. Những họa sĩ mới chỉ qua 20 tuổi tìm được sự tương thông nơi hát bội ngay lập tức. Vì cũng như các nghệ sĩ tuồng, họ đều cùng có cảm ứng sâu sắc với màu sắc, với nghệ thuật tạo hình và dùng nó như phương cách chủ yếu để lột tả tâm lý nhân vật hoặc thể hiện nhân sinh quan.

Cuộc tranh giành “gió tanh mưa máu” của những họa sĩ 20 tuổi để được vẽ về hát bội - Ảnh 4.

Tác phẩm Khương Linh Tá - họa sĩ Phan Trần Minh Thu

Tác phẩm Đời và Tuồng - họa sĩ Nguyễn Quang Vinh

Và thế là từ chỗ gần như chưa hề biết hát bội là gì, đến chỗ có 42 họa sĩ ở khắp nơi trong Nam ngoài Bắc và nước ngoài... giành nhau vẽ.

Cuộc tranh giành “gió tanh mưa máu” của những họa sĩ 20 tuổi để được vẽ về hát bội - Ảnh 6.

Liên vẽ tranh để thể hiện lại bối cảnh "tranh giành" khi lời mời của cô được hưởng ứng

"Gió tanh mưa máu"! Cuộc "đấu đá" thực sự để "tranh giành" được vẽ nhân vật mình thích nhất. Hủy luôn bức vừa vẽ xong để vẽ lại vì thấy người khác vẽ đẹp hơn. "Hòa bình" chỉ lập lại khi giai đoạn vẽ kết thúc.

Thế rồi, dưới bàn tay các họa sĩ mà nhiều người còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, hát bội già cỗi bỗng hóa hiện đại, biến thành hoạt hình, búp bê xếp giấy, lego, trò chơi ghép hình… Và dễ lan tỏa nhất là một ứng dụng trên điện thoại mang tên Mặt nạ hát bội, của họa sĩ Tú Bùi.

Thú vị, hấp dẫn và hài hước từ những giây đầu từ clip giới thiệu ứng dụng. Màn sân khấu đỏ rực cổ điển từ từ mở ra, và một anh chàng… áo jean quần jean cực ngầu, mặt mày cực nghiêm túc rùn chân, hoa tay múa một động tác khoa trương đặc trưng kép hát bội. Rồi nháy mắt cực ghét. Đã vậy còn tò mò hỏi người ta "gái hay trai, bông hay trái", "bao nhiêu cái xuân xanh rồi", "có bồ chưa", "cưới chưa"… Rất "deep" để đưa ra thẻ "duyên phận" bắt chọn vai, nhưng bấm vào mới biết duyên phận ở đây được hiểu theo cái nghĩa rất bất ngờ.

App điện thoại mặt nạ hát bội - Nguồn: NAUGHTY VISION

Bấm vào thì chiếc điện thoại bỗng mọc đôi cánh vàng chớp chớp hai bên cực kỳ gợi nhớ quả bóng ma thuật Snitch của trò thể thao cưỡi chổi Quidditch trong Harry Potter. Sau đó, xoẹt một phát, bộ binh khí bát bửu, chấp kích (bộ binh khí gồm 8 món được dùng làm vật trang trí phổ biến trong các cơ sở thờ tự dân gian và cung đình) xòe ra rất kịch tính.

Mà thôi nói nhiều làm gì nhỉ, bạn cứ tìm ngay ứng dụng Mặt nạ hát bội cài thử vào xem mình thành Quan Công hay Hồ Nguyệt Cô trông có hoành tráng không nhé!

Hát bội hành tội người ta

Thì trẻ mà! Trẻ nên vẽ về hát bội nhưng không buộc mình phải gò ép theo những trình thức nghiêm ngắn và có phần lạc thời của một cách thức cố định. Trẻ và muốn đưa hát bội gần hơn với công chúng nên Hoàng Giang vẽ những nhân vật hát bội mũm mĩm ngây thơ như trẻ con rất dễ thương, dùng trang trí rất xinh. Nguyễn Thị Kiều Diễm thực hiện cuốn sách gấp giấy thủ công của rất tiện dụng: phần đầu cho người ta hiểu nhanh gọn về quy ước màu sắc vẽ mặt và bộ râu của nhân vật hát bội. Phần sau, theo các đường kẻ và chỉ dẫn để xếp giấy thành nhân vật trong hai vở tuồng nổi tiếng San Hậu và Nghêu Sò Ốc Hến.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Kiều Diễm

"Để hoàn thành một nhân vật cần phải có dao rọc giấy, dao mổ, kéo, keo dán, keo thỏi, keo sữa và tấm lót. Dán các vị trí đã được đánh số thứ tự theo chỉ dẫn. Và phải mất ít nhất 4 đến 4 tiếng rưỡi mới xong, nên trong khi gấp mô hình chắc thế nào cũng có người thốt lên "Hát bội hành tội người ta" - cô họa sĩ giải thích cái tên của cuốn sách.

"Hát bội hành tội người ta

Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con"

(Câu ca dân gian nói về sức hấp dẫn của hát bội)

Nhưng tác giả của cuốn sách không bị hành tội tí nào. Diễm dùng nó làm Đồ án tốt nghiệp ĐH Hoa Sen (TP.HCM), và không chỉ đạt loại giỏi mà còn giành luôn giải thưởng cuộc thi Vietnam Creative Festival nhé.

Còn bức tranh này của họa sĩ Đoàn Ngọc Lam thật sự chôn chân tôi.

Cuộc tranh giành “gió tanh mưa máu” của những họa sĩ 20 tuổi để được vẽ về hát bội - Ảnh 9.

Tác phẩm Đát Kỷ - họa sĩ Đoàn Ngọc Lam

Đôi mắt thách thức nhìn xoáy vào người xem và chiếc miệng nhếch cười đầy bí hiểm, vừa phảng phất đe dọa vừa vô cùng quyến rũ. Dùng mặt nạ tuồng nhưng hoàn toàn thoát khỏi tuồng, lột tả sự đa diện tột đỉnh của một cô gái (hay gương mặt thật sự?) dưới làn ánh sáng mờ ảo ma mị, hoàn toàn là một yêu nữ. Tôi rất muốn treo bức tranh này để ngắm nó mỗi ngày.

Thì vốn dĩ như thế. Hát bội khiến người ta choáng ngợp vì sự hàm súc của tuồng tích, vì vẻ đẹp vừa bác học vừa dân dã tuyệt vời của ngôn ngữ vốn được các bậc trí giả viết ra, của sự tối giản của sân khấu và bài trí buộc diễn viên đẩy bật nghệ thuật diễn xuất lên tột độ…  Vì thế, hát bội khá khó xem vì cần vốn hiểu biết, sự cảm thụ và trí tưởng tượng nhất định của khán giả. Nhưng khi đã xem được rồi thì trời ơi, chỉ trong một vài phút diễn xuất của người nghệ sĩ, người ta có thể rợn da gà vì thấu suốt lớp lớp ý nghĩa và ái ố hỉ nộ cuộc đời.

Từ mong muốn làm "một đốm lửa nhỏ" như họa sĩ Huỳnh Kim Liên nghĩ, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, cùng với sự xuất hiện của "ông bụt" Nguyễn Nhựt (Lài), 42 họa sĩ cùng với khoảng 100 người hỗ trợ đã thực hiện được những việc mà chính họ cũng không ngờ nổi.

Cuộc tranh giành “gió tanh mưa máu” của những họa sĩ 20 tuổi để được vẽ về hát bội - Ảnh 10.

Các nghệ sĩ chuẩn bị cho triển lãm - Ảnh: Mervin Lee từ Saigoneer


Một triển lãm 10 ngày ở Nhà hát Chợ Lớn (TP HCM) với các buổi workshop và 3 đêm diễn hai vở tuồng kinh điển San Hậu và Phùng Nghi Đình. 4 bộ áo dài họa tiết tuồng và bức thảm tranh mặt nạ của họa sĩ Sĩ Hoàng. Một cuốn sách mang tên Vẽ về hát bội dày 136 trang ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của hát bội, khắc họa những nét tinh hoa của hát bội và in lại hơn 40 bức tranh trong triển lãm (sách đã phát hành). Một cuốn sách hướng dẫn tranh gấp giấy, app điện thoại, lego. Và một công trình bảo vệ luận văn thạc sĩ của họa sĩ Nguyễn Minh Đức (cũng là thành viên Vẽ về hát bội) về "Phương pháp khơi gợi ý thức thưởng thức, bảo vệ di sản phù hợp với thời đại mới".

Cứ thế, đủ cách mà lan tỏa.

Giới trẻ chụp ảnh triển lãm Vẽ về hát bội trên instagram với hashtag #vevehatboi

***

À tôi quên chưa kể rõ cái hôm CCD cuối năm ngoái hai họa sĩ Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang đã nghe ai nói, và nói câu gì.

Đấy là NSND Đinh Bằng Phi, nghệ sĩ hát bội lừng lẫy, nay 80 tuổi. Ông nói: "Hát bội thế nào cũng chết thôi, không cách gì cứu nổi"!

Rồi những nghệ sĩ trẻ đã tìm cách cứu hát bội như thế đó.

Cuộc tranh giành “gió tanh mưa máu” của những họa sĩ 20 tuổi để được vẽ về hát bội - Ảnh 12.

Các nghệ sĩ của Vẽ về hát bội: Liên mặc áo đen đứng hàng sau, Quang đứng thứ 3. Lài thứ hai từ phải qua (hàng ngồi). Tú Bùi đeo kính ngồi cạnh Lài. Ảnh: Mervin Lee từ Saigoneer

Chương trình truyền hình Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1. Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/.