Cuộc sống của người dân tại Juba, Nam Sudan. Ảnh: BI
Theo tờ Washington Post, 5 năm chiến tranh khốc liệt đã làm kiệt quệ nền kinh tế Nam Sudan và khiến ít nhất 380.000 người thiệt mạng. Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), 1/3 dân số tại quốc gia non trẻ nhất thế giới không có nhà để ở và có hàng trăm nghìn người bị đẩy đến bờ vực chết đói.
Các khu vực tại Nam Sudan, trong đó gồm những vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, đều không có người ở. Lo sợ bị buộc tội giúp đỡ phe đối lập hoặc để tránh cuốn vào cuộc chiến, nhiều người làm nghề nông không còn tư tưởng trồng trọt hay chăn nuôi tại trang trại của mình. Mỹ ước tính diện tích đất trồng trọt tại Nam Sudan đã giảm gần 50% kể từ năm ngoái.
Phần lớn người dân đã xin tị nạn nơi khác để tìm kiếm sự an toàn hoặc đảm bảo về lương thực. Điều này có nghĩa là những người còn mắc kẹt tại Nam Sudan chỉ có thể phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu đắt đỏ do tỷ giá hối đoái lao dốc.
Tháng 7/2013, hai năm sau khi Nam Sudan thành lập và trước khi cuộc nội chiến nổ ra, lương tháng trung bình của một giáo viên hay một công chức nhà nước tại đây rơi vào khoảng 350 USD. Năm năm sau, mức lương của họ giảm xuống chỉ còn 6 USD, do đồng tiền Nam Sudan mất giá. Đối với những người giáo viên đó, một nửa lít sữa có giá gần bằng một nửa tháng lương.
Mặc dù được viện trợ hàng tỷ USD lương thực, các cuộc tấn công trong quá trình vận chuyển, điều kiện đường sá hiểm trở, lũ lụt và sự can thiệp của chính quyền là những yếu tố cản đường thức ăn tới tay người dân.
Kết quả là khi lương thực sẵn có tại các siêu thị cửa hàng, người dân vẫn không đủ khả năng chi trả vì giá quá cao. Họ không có đủ tiền. Theo báo cáo của LHQ công bố năm 2018, một bữa ăn đơn giản tại Nam Sudan có chi phí gấp 2 lần thu nhập trung bình hàng ngày tại quốc gia. Người dân không thể mua những đồ dùng thực phẩm mà họ nhìn thấy tại siêu thị hay cửa hàng.
“Mọi người chật vật hy sinh những thứ khác để có thể tồn tại”, Nicholas Kerandi – chuyên gia an ninh lương thực làm việc tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ – nhận định. Có người chỉ ăn một bữa một ngày. Có người cắt bỏ chi phí dành cho giáo dục hoặc chăm sóc y tế. Rất nhiều người trở thành dân tị nạn. “Nó là cách thức sinh tồn. Thu nhập bạn thấp, nhưng vẫn phải ăn để sống”, nhà phân tích Kerandi chia sẻ.
Đối với một người như John Leju Celestino Ladu, hàng ngày ông đều phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn. Là một Phó Giáo sư tại Đại học Juba, thu nhập của Ladu rơi vào khoảng 40 USD/tháng (930.000 đồng). Mỗi tháng, ông mất 10 USD vé xe buýt để đi tới chỗ làm. Giống như nhiều người Nam Sudan khác, Ladu không chỉ có trách nhiệm lo cho các thành viên trong gia đình, mà ông còn cưu mang 10 người khác. Một vài người trong số đó không được học hành tử tế và khó tìm được công việc trong thời buổi cạnh tranh cao. Một số khác thì mất người thân trong chiến tranh và cần được giúp đỡ. Một cân thịt bò chia đủ cho 15 người rơi vào khoảng 5 USD. Thay vì mua thịt, hầu hết các ngày trong tuần họ đều ăn món đậu và bánh bột ngô luộc có tên địa phương là ugali.
Để kiếm thêm thu nhập, Ladu có bằng tiến sĩ về khoa học môi trường phải đi làm xe ôm. Ông là một trong số những người có bằng cấp cao nhất tại quốc gia mà chưa đầy 1/3 dân số biết đọc. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn đến mức có đôi lần, Ladu từng nghĩ sẽ xin tị nạn để sống sót.
Năm ngoái, LHQ tuyên bố nạn đói tại một số khu vực ở Nam Sudan. Hàng triệu người đối mặt nguy cơ chết đói. Hàng tỷ USD đã đổ vào viện trợ lương thực. Quốc gia viện trợ lớn nhất, Mỹ, cũng đã cung cấp 1,78 tỷ USD cho chương trình Nam Sudan.
Tuy nhiên, đối với Nam Sudan, khó khăn không chỉ là thiếu thốn lương thực. Nam Sudan còn bị đánh giá là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhân viên cứu trợ. Trong một tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ, chính phủ và các lực lượng đối lập liên tiếp ngăn cản lương thực tới khu vực khẩn cấp.
Tuy nhiên, giới chức chính quyền Nam Sudan liên tục khẳng định họ không chặn đường tiếp cận của lực lượng cứu trợ. Chính phủ nước này cho rằng với thỏa thuận hòa bình ký kết vào cuối năm ngoái, nền kinh tế quốc gia sẽ có những tín hiệu tích cực và khôi phục.
Ngày 12/9/2018, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và lãnh đạo phe nổi dậy Riek Machar đã ký thỏa thuận hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh khu vực được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Thỏa thuận được hai bên ký kết dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và trước sự chứng kiến, hoan nghênh của các nhà lãnh đạo khu vực và các đại biểu.
Thỏa thuận ngừng bắn và chia sẻ quyền lực giữa hai bên được cho là sẽ đánh dấu một chương mới, giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm. Dù vậy, từ khi ký thỏa thuận tới lúc hai bên thực thi thỏa thuận vẫn còn đó 1 chặng đường, song ngay lúc này tình trạng nghèo đói tại Nam Sudan đã trở thành một vấn đề khẩn cấp.