Cuộc sống của "những chú ong" cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn

Toàn Nguyễn - Ảnh: Andy Trần, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 26/05/2016

Bạn đã từng một lần cùng bạn bè dạo bước trên phố đi bộ? Vậy bạn có biết rằng phía dưới nơi chúng ta đang đứng là cả một công trường rộng lớn chứa hàng trăm công nhân đang ngày đêm cần mẫn với công việc như "những chú ong"?

Trong lòng đất sâu ấy là cả một thế giới hoàn toàn khác lạ và ẩn chứa rất nhiều điều mà ta chưa từng biết đến. Hãy cùng chúng tôi khám phá "vùng đất" và những con người tuyệt vời này nhé!  

Cận cảnh buổi làm việc dưới lòng đất của các công nhân công trường Metro Sài Gòn - (Thực hiện: Ngọc Đoàn).

Tất cả đã sẵn sàng cho một ngày mới!

7h sáng, Sài Gòn bừng thức giấc đón chào một ngày mới, đường phố tấp nập người xe hòa quyện cùng tiếng cười nói, tiếng mời rao tạo nên một không khí rất quen thuộc, rất Sài Gòn.

Đối lập với không khí ồn ào náo nhiệt ấy, bên trong công trường nơi các công nhân đang thi công công trình tàu điện ngầm Metro lại mang một màu vô cùng khác lạ. Những anh chị công nhân trong những bộ trang phục bảo hộ nối đuôi nhau xếp thành từng hàng đều tăm tắp, họ bắt đầu đưa tay trái lên, hạ tay phải xuống theo hiệu lệnh phát ra từ chiếc loa phát thanh.

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 2.

 Các anh chị công nhân xếp thành những hàng đều tăm tắp để tập thể dục buổi sáng.

Một không khí sôi động bao trùm cả không gian rộng lớn của công trường. Đôi lúc ta lại bắt gặp những nụ cười bẽn lẽn của ai đó khi vô tình tập sai động tác. Tất cả dường như truyền thêm chút cảm hứng tuyệt vời cho một ngày mới. Được biết, cách tập thể dục buổi sáng, khởi động cơ thể này được học hỏi từ người Nhật nhằm nâng cao năng suất lao động cho mọi người.

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 3.

 Mọi người cùng nhau phân chia công việc của một ngày mới.

Sau khoảng 10 phút làm nóng cơ thể với những động tác thể dục quen thuộc, các "thần dân" của "thế giới trong lòng đất" bắt đầu họp lại thành từng nhóm nhỏ để phân chia công việc trong ngày cho nhau. Tất cả đã sẵn sàng để tiến vào lòng đất.  

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Khung cảnh của công trường dưới lòng đất.

Những chú ong âm thầm dưới 30m trong lòng đất giữa trung tâm

 Sau khi phân chia công việc cụ thể cho từng thành viên trong đội, các anh chị công nhân tiến hành di chuyển xuống hầm để bắt đầu ngày làm việc.

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Công trình tàu điện ngầm Metro tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được khởi công vào năm 2012, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 để đưa vào sử dụng. Vì đây là một công trình ngầm nên các hạng mục hầu hết nằm bên dười lòng đất, thế nên người công nhân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm trong khi lao động. Nhưng bạn biết không, với những con người chăm chỉ này, họ luôn biết cách tạo cho mình những niềm vui trong công việc.  

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 6.

Công nhân tập trung cao độ vào công việc được giao.

Người đầu tiên khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là bác Thanh Toàn (quê An Giang). Bác đã 55 tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn rất dẻo dai, không thua kém gì những anh thanh niên, một mình bác vẫn có thể khiêng một thanh sắt lớn di chuyển trong hầm mà chẳng cần nhờ đến sự giúp sức của ai.  

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 7.

 Bác Toàn dù đã lớn tuổi nhưng vẫn rất yêu công việc của mình.

Chúng tôi hỏi bác vì sao tuổi đã nhiều mà không chọn một công việc nhẹ nhàng hơn cho đỡ vất vả. Bác tươi cười trả lời: "Tui làm công việc này mấy chục năm nay rồi, riết cũng quen. Hồi xưa ở dưới An Giang làm ruộng cực lắm mà không nuôi nổi gia đình nên lên Sài Gòn làm công nhân. Nhờ vậy mà nuôi 3 đứa con khôn lớn. Giờ sức yếu đi, nên chỉ làm trong khả năng thôi, khi nào mệt thì mình ngồi nghỉ, rồi làm tiếp, có sao đâu".

Bác Toàn nói xong lại quay lại với công việc của mình. Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong hầm. Càng đi vào sâu chúng tôi càng cảm nhận rõ cái nóng và sự bức bí của không gian làm việc dưới lòng đất.

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 9.

 Không gian làm việc dưới hầm khá bí bách.

Anh Lê Nguyễn Vũ (Giám sát an toàn) cho chúng tôi biết, mỗi ca làm việc có hơn 150 công nhân dưới hầm, vì vậy công ty đã lắp đặt rất nhiều hệ thống thông gió nhằm lưu thông không khí. Đồng thời cứ 1 giờ đồng hồ thì sẽ có người dùng máy kiểm tra lượng khí oxi trong hầm, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ môi trường làm việc an toàn cho tất cả công nhân.

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 10.

 Dù thời tiết khá nóng nhưng anh em công nhân vẫn luôn biết cách tạo niềm vui để xua đi mệt mỏi.

Bên cạnh đó còn bố trí thêm rất nhiều quạt gió làm mát không gian trong hầm. Thế nhưng cô Trần Thị Hiếu (47 tuổi) chia sẻ rằng: "Đâu phải lúc nào mình cũng làm việc gần chỗ có quạt gió để mà mát, mình làm việc dưới hầm thì phải chịu khó làm quen với cái sự bức bí của nó, cách tốt nhất là đem nhiều nước để uống cho mát, rồi lại sung sức làm tiếp".

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 11.

 Mọi người chuẩn bị rất nhiều nước để chống khát.

Cậu bạn tên Tuấn (20 tuổi) ngồi kế bên cũng vui vẻ tiếp lời: "Mình chọn làm công việc này thì phải cố gắng, ráng mà cày mai mốt còn có tiền cưới vợ chứ".  

Niềm vui nhỏ của những con người xa xứ

Đa số những công nhân làm việc tại công trường Metro đều đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ. Vì cuộc sống nơi quê nhà khó khăn buộc họ phải rời xa gia đình để lên Sài Gòn mưu sinh.  

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 12.

Cô Phan Thị Xuân (Bạc Liêu) tâm sự: "Mấy năm trước cô cùng chồng lên Sài Gòn tìm việc làm, thì may mắn tìm được công việc này. Dù hơi nặng nhọc so với sức phụ nữ, nhưng kiếm được nhiều tiền để gửi về quê, cô cũng cảm thấy hạnh phúc. Giờ con cô cũng vào đây làm công nhân, cả nhà cùng cố gắng dành dụm một ít tiền để sau này về quê buôn bán".  

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 13.

Chị Mùi (36 tuổi, Kiên Giang) đang làm việc kế bên bèn quay sang đùa: "Cả nhà chị ấy được vào làm cùng nhau là sướng nhất rồi. Như tui nè, một thân một mình đi làm rồi gửi tiền về cho hai đứa nhỏ ở nhà. Nhiều khi nhớ tụi nhỏ muốn chết, nhưng vì tương lai của con, mình phải cố gắng làm chớ".  

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 14.

 Cả gia đình cô Xuân đều làm công nhân tại công trường Metro, họ mong muốn có thể tích góp được một ít tiền cho tương lai.

Tiếng cười cứ thế vang xa khắp công trường dưới lòng đất. 11h trưa, có thông báo nghỉ trưa, mọi người trở lại mặt đất để nghỉ ngơi và ăn uống.  

Bên những phần cơm tạm bợ, những người công nhân ngồi tụ lại nơi góc đường cùng ăn, cùng kể cho nhau nghe những việc mà mình đã làm, những gì mà mình đã trải qua, họ cười để xua tan đi những mệt mỏi, để quên đi những vất vả ở phía trước và chuẩn bị cho những giờ làm việc hăng say.

Cuộc sống của những chú ong cần mẫn trong công trường bên dưới phố đi bộ ở Sài Gòn - Ảnh 15.

Phút nghỉ trưa của các công nhân.

Rồi đây người dân Sài Gòn sẽ thật tự hào khi được trải nghiệm công trình hiện đại vào dạng bậc nhất của đất nước, sẽ không nhiều người còn nhớ đến công sức của những "chú ong" đã ngày đêm làm việc miệt mài trong lòng đất để tạo nên công trình tuyệt vời ấy. Thế nhưng tôi tin những con người ấy chẳng buồn tí nào đâu, vì với họ được góp phần tạo nên công trình vĩ đại này đã là một niềm vinh dự lớn lao.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày