Trưa 3/2, chị Bùi Thị Hà (35 tuổi, xã Thành Thọ, Thạch Thành, Thanh Hóa), nhân vật trong loạt phóng sự “Hành trình 16 năm tìm đường về của cô gái bị bán sang Trung Quốc” mà chúng tôi đăng tải đã về đến Việt Nam.
Chiều tối cùng ngày, sau hành trình dài 20 tiếng xuất phát từ thành phố Quế Lâm (Trung Quốc), chị Hà đặt chân đến Hà Nội. Trước mắt chị, đường sá, phố phường đều xa lạ. Trong đôi mắt còn đỏ hoe vì khóc nhớ bố chẳng có gì khác ngoài sự ngơ ngác.
Ngay cả khi đứng trước mặt em trai mình, chị đưa mắt nhìn qua, trên gương mặt vẫn ngơ ngác, không biểu lộ cảm xúc như đứng trước người dưng.
Hưởng - em ruột chị Hà ngượng ngùng cất tiếng gọi: “Chị, chị Hà”
“Em Hưởng?”, chị Hà nói.
Hai chị em cứ thế ngượng nghịu đứng nhìn nhau trước nhà chị Tuyết (nhà hảo tâm cùng đoàn PV đi lên cửa khẩu đón chị Hà). Không một cái ôm, không có giọt nước nào lăn trên má, hai chị em thi thoảng đưa mắt nhìn nhau như thể người dưng chứ không phải cuộc gặp gỡ giữa những người ruột thịt sau 17 năm xa cách.
Sự ngượng ngùng của 2 chị em cũng có thể hiểu được. 17 năm - quãng thời gian quá dài làm những người ruột thịt trở nên xa cách, khiến họ đối diện mà như những người dưng.
Đó chẳng phải lỗi do chị Hà, em Hưởng, cũng không phải do cảm xúc họ chai sạn, lạnh lùng mà có lẽ họ chưa vượt qua được khoảng cách mà thời gian đã gây ra.
Lỗi không phải của họ, mà từ những kẻ ác nhân, nhẫn tâm đem con người trở thành món hàng để đem bán như đồ vật, như con lợn, con gà ngoài chợ. Những kẻ vô lương, độc ác không có tính người. Những kẻ đó, phải bị đem ra ánh sáng, phải bị luật pháp xét xử nghiêm minh.
Trong câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc đời mình, chị Hà vẫn còn nhớ như in tên những kẻ vô nhân tính đang tâm bán mình sang Trung Quốc. Đó là Vân - kẻ ác lương quê Hải Phòng, đó là Quế ở Hải Dương và một người đàn ông tên Văn.
Mỗi lần kể với chúng tôi về những kẻ đó, chị Hà lại khóc nấc không thành tiếng, hoảng sợ như sự việc mới vừa xảy ra ngày hôm qua.
Hưởng - cậu em út trong gia đình 7 anh chị em của chị Hà có khuôn mặt giống hệt ông Hán (bố chị Hà). Hưởng trầm tính, suốt buổi tối 2 chị em gặp mặt nhau tại Hà Nội, Hưởng chỉ lặng lẽ ngồi cạnh người chị của mình. Có lẽ, Hưởng muốn hỏi chị Hà nhiều lắm, nhưng cản trở về ngôn ngữ khiến Hưởng ngượng ngùng chẳng nói thành lời.
Hưởng kể, kỷ niệm duy nhất của 2 chị em khiến anh nhớ mãi đến bây giờ là khi anh 7 tuổi. Ngày ấy, bố đang dựng nhà mới, 2 chị em chơi ở ngoài sân, Hưởng giành chiếc xe đạp với chị Hà, hai chị em to tiếng khiến bố ở trong nhà phải ra nạt. Nghĩ rằng chị Hà không nhường nhịn em, ông Hán tát con khiến chị Hà tự ái bỏ đi.
Ông không ngờ rằng, cái tát trong lúc nóng giận đó khiến ông và con gái mình cách biệt 17 năm. Trong suốt nhiều năm, ông đinh ninh con mình đã chết. Trong lần phóng viên về Thạch Thành để tìm gia đình cho chị Hà, ông Hán nói: "Đó là cái tát khiến tôi ân hận nhất cuộc đời".
Hưởng cũng vậy, cậu không ngờ rằng kỷ niệm về lần tranh giành xe đạp với chị cũng là kỷ niệm cuối cho đến bây giờ.
“Ngày đó em bé quá, còn trẻ con không biết gì nên tranh giành xe đạp với chị…”, Hưởng nói như thấy mình có lỗi.
Cậu bảo, lúc nghe tin báo chị về nước, gia đình mừng lắm. Hưởng tức tốc bắt xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội, ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ để chờ gặp chị.
“Hồi hộp lắm, nhiều cảm xúc lắm nhưng chẳng biết thể hiện thế nào khi gặp mặt, cứ thấy chị em có khoảng cách vô hình dù đúng là chị mình đang đứng trước mặt. Em không bao giờ dám nghĩ sẽ có ngày chị em được gặp nhau như thế này, cứ như là truyện cổ tích vậy”, Hưởng xúc động.
Ngay cả chị Hà, khi đã ngồi trên xe để về đoàn viên với gia đình, chị cũng không thể tin có ngày hôm nay.
Sáng 4/2 (mùng 8 tháng Giêng), phóng viên đưa chị Hà về Thạch Thành đoàn viên với gia đình.
Trên suốt đường về nhà, chị Hà không một phút chợp mắt, đôi mắt dáo dác nhìn sang 2 bên cửa sổ xe như cố kiếm tìm những gì thân thuộc của 17 năm về trước.