Trước khi ly hôn Vua Mohammad Reza Pahlavi, bà Soraya là hoàng hậu Iran từ năm 1951 đến năm 1958. Do hoàng hậu không có khả năng sinh con nên hai người đành ly hôn, sau đó bà Soraya bị lưu đày sang châu Âu và trở thành một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở đây.
Sau khi ly hôn, cựu hoàng hậu Iran biến thành tâm điểm của giới săn ảnh, một phần vì quá khứ sống trong hoàng gia Iran. Trong cuốn sách mang tựa đề “Christie's: Các món trang sức được tiết lộ bởi Vincent Meylan”, chuỗi ngày sống với Vua Mohammad của “công chúa mắt buồn” không hào nhoáng như mọi người thường nghĩ. Bà Soraya phải qua rất nhiều bi kịch, bệnh tật và đau đớn hơn cả là bà không có khả năng làm mẹ.
Cựu hoàng hậu Iran Soraya Esfandiary Bakhtiari. Ảnh: REX
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa bà Soraya và công chúa Shams, chị gái vua Iran lúc đó là Reza Shah, tại thủ đô London – Anh là một bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả cuộc đời của bà Soraya. Một người em trai khác của công chúa Shams, Mohammad Reza Pahlavi, sau đó kế nhiệm Vua Reza Shah, lên ngôi vào đầu Thế chiến thứ hai trong một thời kỳ đầy bất ổn chính trị.
Cuộc hôn nhân đầu tiên với công chúa Ai Cập Fawzia của Vua Mohammad kết thúc trong đổ vỡ. Vì ông chỉ có một người con gái với bà Fawzia nên ngai vàng dự kiến phải truyền cho người em trai Ali Reza. Để giữ ngôi báu, Vua Mohammad quyết định tái hôn và công chúa Shams tin rằng Soraya (khi ấy 18 tuổi), là sự lựa chọn phù hợp.
Công chúa liền mời Soraya tới Tehran để gặp mặt Vua Mohammad. Theo đài CNN, một ngày sau khi ăn tối với thái hậu Tadj ol-Molouk, cha của Soraya nói với con mình: “Vua Mohammad để ý tới con. Con có sẵn sàng kết hôn với ông ấy không?”. Và chỉ 24 giờ sau, hai người làm lễ đính hôn và Vua Mohammad tặng cho người vợ sắp cưới một viên kim cương tuyệt đẹp.
Bà Soraya tới Tehran để gặp mặt Vua Mohammad. Ảnh: REX
Hai người làm lễ đính hôn. Ảnh: REX
Bi kịch xảy ra chỉ vài tuần sau khi hai người làm lễ đính ước. Soraya đột nhiên mắc bệnh thương hàn và phải nằm liệt giường một thời gian ngắn. Mỗi ngày, Vua Mohammad được cho là mang tới một viên ngọc để vợ sắp cưới đặt ở dưới gối. Cặp đôi cuối cùng đã kết hôn vào ngày 12-2-1951 và Soraya chính thức trở thành hoàng hậu của Iran.
Vào ngày trọng đại, do sức khỏe còn yếu nên bác sĩ phải yêu cầu Soraya mặc một chiếc áo khoác len bên trong cộng thêm mang vớ len. Chiếc váy cưới dài 20 m, nặng 30 kg cũng bị cắt ngắn 8 m để cô dâu có thể đứng trong buổi lễ.
Cuộc sống của Vua Mohammad và hoàng hậu Soraya diễn ra như một câu chuyện cổ tích sau lễ cưới, cho đến khi Soraya gặp vấn đề về sinh sản. Tháng 10-1954, thời điểm bà bước sang tuổi 22, một bác sĩ nói với Soraya rằng có thể phải mất nhiều năm nữa bà mới thụ thai được, đồng nghĩa với việc Vua Mohammad không có người kế vị ngai vàng.
Tại bữa tiệc sinh nhật của mình, Vua Mohammad vốn đang phiền lòng về chuyện con cái đã thêm tức giận vì em trai Ali Reza mải đi săn gần biển Caspian nên không về kịp. Ngày hôm sau, chiếc máy bay đưa hoàng tử Ali trở về Tehran “bị rơi” khiến ông thiệt mạng.
Cuộc sống của Vua Mohammad và hoàng hậu Soraya diễn ra như một câu chuyện cổ tích sau lễ cưới, cho đến khi Soraya gặp vấn đề về sinh con. Ảnh: REX
Do áp lực chính trị và gia đình, Vua Mohammad và hoàng hậu Soraya đã ly hôn. Ngày 14-3-1958, bà Soraya rời khỏi hoàng gia Iran sau 7 năm giữ vai trò hoàng hậu. Bà bị đày đến Thụy Sĩ nhưng vẫn được Vua Mohammad cho phép sống một cuộc sống thoải mái, có thể đi lại giữa Rome - Ý, Munich – Đức và Paris – Pháp.
Tại 3 quốc gia này, bà Soraya trở thành một biểu tượng và một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Bà thường đeo trên người trang sức từ Cartier, Bulgari và Harry Winston có được trong quãng thời gian làm hoàng hậu. Những năm 1980, do ảnh hưởng bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran, bà Soraya phải bán một số đồ trang sức, bao gồm chiếc vòng cổ kim cương Harry Winston. Chiếc vòng này được bán tại một cuộc đấu giá ở Geneva vào tháng 11-1988.
Bà Soyara qua đời tại Paris ngày 25-10-2001, 21 năm sau cái chết của Vua Mohammad. Em trai Bijan của bà là người thừa kế hợp pháp tất cả tài sản nhưng khi ông qua đời, toàn bộ chúng được chuyển cho chính phủ Đức.
Về số phận của Vua Mohammad, triều đại của ông sụp đổ vào năm 1978-1979 sau một cuộc nổi dậy và chế độ Cộng hòa Hồi giáo lên nắm quyền. Ông qua đời hồi tháng 7-1980.