Sinh ra trong một gia đình Hoàng tộc, lên ngôi Nữ hoàng vào lúc 6 ngày tuổi và có trí tuệ hơn người cùng dung mạo tuyệt trần, Nữ hoàng Mary đáng lý ra là được một cuộc sống quyền lực hạnh phúc trên ngôi báu của Scotland. Trái lại, vì bị xoáy vào các âm mưu chính trị loạn lạc lúc bấy giờ, cuộc đời bà không hề có chút bình yên. Ngày lên ngôi Nữ hoàng, ngày chỉ còn đỏ hỏn nằm trong nôi, cũng là ngày mở đầu cho chuỗi đau thương, ám ảnh bà cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
(Ảnh minh họa)
Những biến cố liên tục ập đến ngay khi Nữ hoàng vừa chào đời
Nữ hoàng Mary Stuart cất tiếng khóc chào đời tại cung điện Linlithgow (Scotland) vào ngày 7/12/1542, cha bà là vua Scotland, mẹ bà là một nữ quý tộc Pháp cũng khá quyền lực lúc bấy giờ. Biến cố ập đến ngay sau khi Mary ra đời chưa đầy một tuần, đó chính là cái chết đột ngột của cha. Mary đăng quang Nữ hoàng lúc mới 6 ngày tuổi. Tròn một năm sau đó, khi chỉ mới 1 tuổi, vì biến cố chính trị giữa Anh và Scotland, Nữ hoàng Mary đã bị vua Henry VIII của Anh Quốc ép cưới con trai của ông nhằm tạo nên một cuộc hôn phối chính trị, có lợi cho cả đôi bên.
Chân dung của Nữ hoàng Mary, tác phẩm của François Clouet.
Cuộc hôn nhân sắp đặt này đã bị Quốc hội Scotland từ chối vì cho rằng Nữ hoàng còn quá nhỏ tuổi, và nếu cuộc hôn nhân này xảy ra thì Scotland sẽ nằm gọn trong tay nước Anh. Tức giận trước lời đề nghị bị khước từ, Vua Henry VII đã quyết định xâm lược Scotland, bắt cho bằng được Nữ hoàng trẻ tuổi làm con dâu mình. Từ đó, những cuộc chính biến liên tục xảy ra khiến Nữ hoàng Mary phải chuyển chỗ ở từ nơi này đến nơi khác. Mang thân phận Nữ hoàng, nhưng cô bé Mary phải chịu kiếp sống lưu lạc.
Để thoát khỏi hẳn bàn tay của người Anh, năm 1548, khi mới 6 tuổi, Mary được đưa sang Pháp – quê hương của mẹ mình và được nuôi dạy trong môi trường Hoàng gia Pháp. Lúc này, chính sự ở Scotland được quản lý bởi những người trong Hoàng thất. 10 năm tiếp theo đó có thể nói là khoảng thời gian bình yên nhất của cuộc đời Mary, vừa an toàn, vừa được sống trong môi trường phù hợp nên Mary nhanh chóng trở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp.
(Ảnh minh họa)
Nhắc đến vẻ đẹp của Nữ hoàng Mary thuở thiếu thời, sử liệu còn dành nhiều từ ngà ngọc như sau: "Nữ hoàng Mary có một khuôn mặt nhỏ hình trái xoan, cổ dài và rất duyên dáng, mái tóc của bà màu nâu sáng cùng đôi mắt nâu và đôi lông mày cong. Bà còn có làn da mịn màng, tươi sáng, thân hình cao ráo. Vì thế Nữ hoàng Mary thuở thiếu thời được coi là một bé gái xinh đẹp và sau đó lớn hơn là một người phụ nữ nổi bật và hấp dẫn nhất châu Âu thời điểm bấy giờ".
Từ Nữ hoàng, Hoàng hậu quyền lực lại trở thành một người phụ nữ đau khổ, vừa mất chồng vừa bị giam cầm
Đến năm 1558, Nữ hoàng Mary kết hôn với Thái tử Francis của nước Pháp. Lúc này bà trở nên quyền lực hơn bao giờ hết với 2 danh phận, một là Nữ hoàng của Scotland, một là Thái tử phi của nước Pháp. 1 năm sau đó, quyền lực của bà nâng thêm một bậc khi chồng bà, Thái tử Francis đăng quang ngôi vua, trở thành Vua Francis II. Nữ hoàng Mary nghiễm nhiên kiêm thêm vị trí Hoàng hậu Pháp.
Chân dung của Nữ hoàng Mary, tác phẩm của François Clouet.
Cuộc hôn nhân này không kéo dài được bao lâu bởi Vua Francis mất 1 năm sau hôn lễ. Sau cái chết của chồng, Nữ hoàng Mary đành từ giã nước Pháp quay trở về Scotland. Sau đó, bà kết hôn với người em họ là Henry Stewart nhưng cuộc hôn nhân này không mang lại cho bà hạnh phúc. Rồi biến cố lại ập đến với cuộc đời vị Nữ hoàng trẻ này khi cuộc nổi loạn của các quý tộc ở Scotland năm 1567 đã cướp mất mạng sống của người chồng thứ 2 của bà. Cùng năm đó, bà đã bị đối tượng tình nghi gây ra cái chết của chồng bà bắt cóc và cưỡng bức tại lâu đài Dumbar. Sau cuộc binh biến, bà bị ép thoái vị và bị bắt giam.
(Ảnh minh họa)
Nữ hoàng Mary bị bắt giam tại lâu đài Lochleven hẻo lánh trên biển, bốn bề không có một chốn thoát thân. Buồn bã trước phận đời tai ương, lại muốn thoát khỏi cảnh ngục tù, Nữ hoàng Mary đã gửi thư cầu khẩn chị họ của mình là Nữ hoàng Elizabeth I của nước Anh và Hoàng hậu nước Pháp giúp đỡ nhưng vô vọng. Không lâu sau đó, bà bắt đầu vạch kế hoạch cho cuộc vượt ngục.
Cuộc vượt ngục ly kỳ và tiếp tục 19 năm bị chị họ giam cầm rồi tuyên án tử
Cuộc đào thoát này của Nữ hoàng Mary từng được sử sách ghi nhận là một trong những vụ đào tẩu ly kỳ nhất trong lịch sử châu Âu. Cụ thể, trong lần lén trốn đi khỏi lâu đài Lochleven đầu tiên vào tháng 3/1568, Nữ hoàng Mary đã cải trang thành một người thợ giặt và tìm cách vượt biển về đất liền bằng thuyền. Nhưng lần này hoàn toàn thất bại khi Nữ hoàng đã bị nhận dạng, những người chèo thuyền mà bà thuê phát hiện ra bàn tay quý tộc và khuôn mặt tuyệt đẹp của bà. Lúc này, bà đành âm thầm quay trở về lâu đài Lochleven.
Không hề nản chí, Nữ hoàng Mary tiếp tục kế hoạch lần 2 vào ngày 2/5/1568 với sự giúp đỡ của một đứa trẻ mồ côi mà bà đã kết thân được lúc ở lâu đài. Lần này, bà đã thoát ra ngoài, vượt biển thành công và về đất liền. Tại đây, bà đã lấy trộm một con ngựa từ chuồng ngựa của những kẻ đã giam giữ mình và trốn thoát.
Sau khi trốn thoát thành công khỏi nơi giam cầm ở Scotland, bà đã lẩn trốn sự truy lùng ráo riết để sang Anh tìm gặp người chị họ là Nữ hoàng Anh Elizabeth I với hy vọng, chị họ sẽ giúp mình phục ngôi. Tuy nhiên, sự hiện diện của Nữ hoàng Mary lại bị Nữ hoàng Elizabeth I coi là một mối nguy hại cho ngôi báu nước Anh.
(Ảnh minh họa)
Buồn thay, không những không giúp em họ Mary của mình, Nữ hoàng Elizabeth I đã tống giam Nữ hoàng Mary suốt 19 năm trời trong pháo đài Carlisle dưới sự theo dõi chặt chẽ. Chẳng những thế, Nữ hoàng Mary còn bị quy là có liên quan đến hàng loạt các âm mưu chống lại Nữ hoàng Elizabeth I. Cuối cùng, kết thúc 19 năm giam cầm cũng là lúc Nữ hoàng Mary bị chính chị họ của mình tuyên án tử. Ngày 8/2/1587, Nữ hoàng Mary bị hành quyết tại Great Hall, trước khi chết bà chỉ kịp thốt ra một câu cuối cùng: "Đưa bàn tay ra, ôi Chúa, con xin gửi gắm linh hồn con".
(Nguồn: Biography, Englishhistory, BBC)